Phía sau những vinh quang, Kỳ I: Mơ về những ngôi nhà

Đội tuyển nữ Việt Nam đầu tiên tham dự SEA Games 1997. Ảnh Tư liệu
Đội tuyển nữ Việt Nam đầu tiên tham dự SEA Games 1997. Ảnh Tư liệu
TP - Bóng đá nữ Việt Nam đã 6 lần giành chức vô địch các kỳ SEA Games, mới nhất là thành tích hạ đội nữ Thái Lan 1-0 để lên chức vô địch SEA Games 30 tại Philippines, nhưng ít ai biết có được thành tích như ngày nay, các cầu thủ nữ đã trải qua những ngày tháng gian khó trong nghề nghiệp lẫn sau khi giải nghệ. Sau những vinh quang, vẫn còn đó những lo âu, những nỗi buồn khi không nhiều bạn trẻ đến với bóng đá nữ. 

Quả bóng vàng bán cà phê

Thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh, nữ thủ môn hiếm hoi nhiều lần đoạt giải quả bóng vàng sau khi giải nghệ đã chọn công việc mở quán cà phê để cải thiện cuộc sống, song hành với việc đào tạo lứa U16 cho TPHCM.

Thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh tâm sự: “Em quê ở Đồng Tháp. Lúc còn nhỏ, chúng em thi đấu trong đội bóng đá nữ tỉnh. Mọi người nói rằng nếu chúng em vô địch Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc sẽ cho đội bóng tồn tại, nhưng khi chúng em vô địch xong, đội bóng giải tán. Em cùng 5 bạn nữa tìm lên TPHCM xin thử việc và được nhận vào đội nữ TPHCM, sau đó em được gọi lên bắt cho đội tuyển”.

Lên TPHCM từ năm 2004, thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh sống tập thể cùng đội bóng, nhưng giờ đây, khi cô giải nghệ, cô rời dãy nhà tập thể để thuê nhà. Lương của cô hiện tại chỉ đủ trả tiền thuê nhà và trang trải tiền ăn mỗi tháng. Vì vậy cô quyết định mở quán cà phê.

Đặng Thị Kiều Trinh kể: “Bạn bè em khi giải nghệ bóng đá có nhiều đứa đi làm công nhân. Riêng về nhà cửa thì chơi bóng đá nữ không bao giờ dám mơ có nhà để ở”.  Kiều Trinh cũng tiết lộ tiền thưởng những lần vô địch SEA Games cô thường gửi về cho bố mẹ. Bố mẹ rất tự hào về cô con gái đã có nhiều đóng góp cho nước nhà.

Chia sẻ với phóng viên, Kiều Trinh nói cô rất ít khi lên báo, cô “không thích nổi tiếng” và chỉ biết chơi bóng vì sự đam mê. Kiều Trinh chia sẻ: “Em hai lần bị chấn thương ở gối, nhưng em không mổ, cứ quấn băng để thi đấu thôi”.

Mọi nghề nghiệp thì thâm niên càng cao càng có lợi, nhưng trong nghề bóng đá, bài toán mưu sinh sau khi giải nghệ luôn là một bài toán khó, nhất là với bóng đá nữ. Thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh cho biết: “Sau khi giải nghệ, nhiều đồng đội của em đã đi làm công nhân để kiếm sống”.

Giải nghệ khó tìm việc làm

Phía sau những vinh quang, Kỳ I: Mơ về những ngôi nhà ảnh 1 Thủ môn Kiều Trinh bán cà phê sau khi giải nghệ. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Cựu tuyển thủ Phan Thị Anh Đào là một chuyên gia phát triển bóng đá trẻ. Cô từng tham gia đào tạo bóng đá cộng đồng cùng với CLB Hoàng Anh Gia Lai và hiện đã thành lập một trung tâm dạy bóng đá song hành cùng tiếng Anh cho trẻ dưới 15 tuổi. Phan Thị Anh Đào không chỉ giỏi bóng đá mà rất thành thạo ngoại ngữ, thậm chí cô từng làm phiên dịch viên cho các HLV ngoại.

Tôi biết Anh Đào từ khi cô làm chủ sân bóng đá Huynh Đệ ở quận 7. Cô từng chia sẻ: “Bóng đá nam, khi các cầu thủ giải nghệ đi học bằng huấn luyện viên sẽ rất nhiều câu lạc bộ đón chào, lương rất cao. Bóng đá nữ chúng em, học huấn luyện viên xong cũng rất ít các câu lạc bộ để thi thố tài năng vì cả miền Nam chỉ có một CLB bóng đá nữ là CLB TPHCM. Mặc dù có rất nhiều bằng huấn luyện do FIFA cấp, nhưng em chọn công việc đào tạo bóng đá cho trẻ em để theo đuổi đam mê của mình”.

Bộ phim U-14 - đội bóng trong mơ (Hãng phim Giải Phóng) được sản xuất những năm 2000 để ca ngợi các cô gái thích đá bóng, tạo ra một nét mới trong đời sống của thành phố đầy lạc quan.  Thủ vai chính là một bé mê bóng đá tên Huỳnh Thị Thanh Khiết, con gái của một thương binh. Hơn cả một diễn viên,  Thanh Khiết sau đó đã đầu quân cho bóng đá nữ TPHCM và là một cầu thủ chuyên nghiệp.

Tôi gặp Thanh Khiết lần đầu tiên khi cô đưa đội bóng đá nhí của quận 8 dự một giải đấu ở quận 7. Thanh Khiết vẫn rất xinh xắn và vui vẻ như ngày nào trong bộ phim cầu thủ nhí. Cô đang làm huấn luyện viên cho đội futsal nữ Thái Sơn Nam, nòng cốt cho đội tuyển Futsal nữ Việt Nam. Học trò của cô có nhiều cô bé tuổi 14 như trong bộ phim năm nào. Tuy nhiên, các nữ cầu thủ Futsal cho biết: “Tại SEA Games 30, nước chủ nhà Philippines lại không đưa nội dung bóng đá futsal vào thi đấu nên tất cả chúng em chỉ biết ngồi nhà và đợi đến kỳ SEA Games sau được tổ chức ở Việt Nam!”. 

Làm đủ mọi nghề

Trước năm 1975 hầu như không có bóng đá nữ và thế hệ bóng đá nữ đầu tiên của Việt Nam chính là thế hệ của Trương Thị Ngọc Mai (1967), Nguyễn Thị Kim Phụng (1975), Trần Thị Phương Loan (1973), họ đã giành huy chương đồng SEA Games 1997 tại Jakarta, Indonesia. Đấy cũng là lần đầu tiên Việt Nam có huy chương ở môn bóng đá nữ tại SEA Games. 

Trong giải SEA Games năm 1997, bóng đá nam với những tên tuổi như Lê Huỳnh Đức, Văn Sĩ Hùng… nhiều người vẫn còn nhắc, nhưng ít người biết đến các nữ cầu thủ cùng thế hệ này.

Cựu tuyển thủ Trần Thị Phương Loan, tiền vệ trụ đầu tiên của bóng đá nữ Việt Nam cho biết cô rất thích bóng đá nhưng không thể theo được nghiệp bóng đá lâu dài: “Sau một thời gian tham gia đội tuyển, do bị chấn thương và phải lo gánh nặng nuôi gia đình, em phải từ giã bóng đá để tìm việc làm ổn định”.

Hiện Phương Loan làm việc cho một công ty sản xuất gạch men, một công việc không liên quan gì tới bóng đá: “Các bạn cầu thủ nam thì có các hợp đồng bom tấn, tiền chuyển nhượng, còn bóng đá nữ lúc giải nghệ chỉ có hai bàn tay trắng”.

Có lẽ những điều mà các bậc “phụ huynh” thường ái ngại về các nữ tuyển thủ thế hệ đầu tiên này đó là nhiều người trong số “các dì” vẫn chưa lập gia đình riêng, và dường như họ vẫn mê mải với trái bóng tròn.

Cựu tuyển thủ Phương Loan vui vẻ bảo: “Thật ra cũng chẳng phải bọn em ế ẩm gì đâu! Cũng rất nhiều người thích đấy, có điều mình có thích người ta hay không nữa chứ!”.  Cô cũng nói thêm: “Như anh đã biết, do nghề cầu thủ không đem lại tiền bạc gì nhiều, nên sau khi giải nghệ, đa phần chúng em đều phải lo cuộc sống để nuôi bản thân và bố mẹ già…”.

Chúng tôi đã tìm gặp danh thủ Kim Phụng, chị hiện nay làm nhiều việc giúp gia đình để mưu sinh và vẫn tham gia các trận bóng đá “phủi” cùng bạn bè. Đi chăm mẹ trong bệnh viện, Phụng nói: “Gia đình em gốc Huế, không ủng hộ em theo bóng đá cho lắm, nhưng em đam mê và ngoài bóng đá ra em chẳng thích môn thể thao gì khác”.

Kim Phụng tâm sự: “Thế hệ cầu thủ 7X chúng em vẫn là những người bạn thân ngoài đời, vẫn chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, nhiều bạn chưa lập gia đình vì cuộc sống còn nhiều khó khăn”. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.