Phía sau những gánh hàng rong - kỳ 2: Những đêm dài…

0:00 / 0:00
0:00
TP - Họ cũng muốn được quây quần bên mâm cơm tối cùng gia đình, được ngủ say trên chiếc giường có chăn ấm, nệm êm. Nhưng cuộc mưu sinh không cho họ lựa chọn nào khác. “Nghề của mình như vậy, đã đâm lao thì phải theo lao. Đời mình không sướng được thì cố để con cháu được sướng thay mình”, chị Lợi, một người bán hàng rong ở bờ hồ Hoàn Kiếm tâm sự...

Làm bạn với bóng đêm

1 giờ sáng, Hồ Gươm lặng phắc trong màn đêm, chỉ có âm thanh nẹt pô của đám choai choai thích đua xe thi thoảng lại rít lên rồi tắt ngấm, tan vào đêm tối.

Cả bờ hồ chỉ còn đúng một người bán hàng. Đó là quầy hàng rong trước cổng Tổng công ty Điện lực Việt Nam của chị Nguyễn Thị Lợi, 57 tuổi, quê ở làng bánh cuốn Thanh Trì, hiện đang ở trọ một mình trên đường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Chị bán các loại đồ chơi trẻ em, nước giải khát và đồ ăn vặt. Ánh đèn nhấp nháy từ sạp đồ chơi hắt lên người chị làm lộ mái tóc xơ rối như rễ tre, những vết chai, nếp nhăn ở bàn tay và khuôn mặt. Đó là những tàn tích của sự lam lũ, vất vả trong suốt 3 thập kỷ làm bạn với màn đêm.

“Tớ bắt đầu bán hàng từ 8 giờ tối. Đến khoảng 4, 5 giờ sáng thì đẩy sạp hàng ra gửi ở bãi gửi xe đầu phố Ngô Quyền rồi đi bộ về nhà trọ ngủ. Hôm nào mệt quá thì kê đôi dép lên vỉa hè ngủ luôn”, chị Lợi kể. Sau COVID-19, lượng khách giảm hẳn đi, tiền lãi bán hàng chẳng được bao nhiêu, chị làm thêm nghề tay trái là đẩy phụ xe rác cho đội công nhân vệ sinh môi trường để xin chút ve chai mang về bán. Thu nhập của chị tạm đủ để lo tiền trọ, tiền ăn…

Phía sau những gánh hàng rong - kỳ 2: Những đêm dài…  ảnh 1

Chị Huyền đang sắp xếp, bày trí những đóa hoa để chuẩn bị bán hàng

Phía sau những gánh hàng rong - kỳ 2: Những đêm dài…  ảnh 2

Chị Nguyễn Thị Lợi, bán hàng rong tại bờ hồ Hoàn Kiếm đã 3 thập kỷ

Gần 30 năm bên sạp hàng rong, chỉ có một lần chị Lợi định bỏ cuộc. Đó là chuyện vài năm trước, khi còn làm thêm ở một quán cơm bụi, chân chị bị bỏng nặng lúc bưng cơm cho khách. Thiếu tiền, chị Lợi không thể chữa khỏi dứt điểm, nhưng vì mưu sinh nên chị vẫn cố nén đau, tập tễnh đi làm ngày qua ngày. “Vết thương càng ngày càng nặng. Đến lúc định bỏ nghề thì mình may mắn gặp một nhóm bạn trẻ làm thiện nguyện trên phố đi bộ hồ Gươm. Các bạn ấy đề nghị giúp mình chữa bệnh. Liên tục 7 tháng sau đó, tuần nào các bạn ấy cũng qua vài ba lần để đưa thuốc, đồ ăn, đồ uống đến khi mình khỏi hẳn. Từ bé đến giờ, ngoài cha mẹ, chưa ai chăm sóc mình như vậy. Ơn này, mình không bao giờ quên được”, chị Lợi kể.

Bỗng một ánh chớp loé lên. Sấm nổ vang trời. Gió lạnh cuộn lên từng cơn, ném những chiếc lá sấu vừa rơi lả tả xuống đường vào không trung. Chị Lợi vội dọn dẹp quầy hàng, phủ bạt lên xe đẩy. Trời đổ mưa rào vừa lúc chị kịp khoác cái áo mưa mỏng lên người. Chị đẩy xe hàng đi rồi khuất dần sau màn mưa trắng xoá, bỏ lại phía sau những hàng cây đang nghiêng ngả trong gió trong mưa rào rạt…

Hoa cho người chính là hoa cho mình

Khoảng 2 giờ sáng, mưa ngớt. Chợ hoa Quảng Bá thật nhộn nhịp. Những quầy hàng hoa nằm san sát nhau, ngập trong ánh đèn vàng mờ ảo. Những con người đang tất tả làm việc: Người chở hoa về quầy hàng của mình, người chăm chút tỉa tót lại từng cành lá, bông hoa, người hồ hởi chào hàng với khách. Nào là hoa ly, hoa cẩm chướng, hoa cẩm tú cầu, hoa hướng dương, hoa sen… Khách mua hàng cũng đa dạng: có người cao tuổi, có người trung niên, có cả những thiếu nữ trẻ đẹp. Người và hoa, muôn màu, muôn vẻ.

Tỉ mỉ và kỹ càng nhất khi chọn hoa có lẽ là những người bán hoa rong. Chị Trần Thị Huyền, đang ở trọ ngay trong chợ hoa Quảng Bá thường thức dậy lúc 2 hoặc 3 giờ sáng để dạo quanh chợ, chọn hoa rồi mang đi bán ở hai điểm là ngã ba Yên Phụ - Âu Cơ, sau đó là dọc đường Phan Đình Phùng. “Hoa sen tươi là những bông chưa nở, các cánh hoa chỉ hơi he hé một chút. Cánh hoa phải hồng, có độ mềm mại, không được thâm, tái hay có vết xước và bám chắc vào cuống. Hoa baby tươi thì nụ không được có vết đen. Hoa cẩm tú cầu tươi thì chùm hoa phải dày, cánh hoa không bị dập, cành hoa cứng cáp…”, chị Huyền chia sẻ. Chọn hoa xong, bàn tay chai sần của chị thoăn thoắt vừa cắt, vừa tỉa cho từng nụ hoa, cành lá gọn gàng hơn. Chẳng mấy chốc đã 5 rưỡi sáng. Chị Huyền buộc ngay ngắn những bó hoa vào yên xe. Sau ba lần đạp khởi động, chiếc xe nổ máy, chầm chậm lướt đi. Phía xa, màn đêm đang ngả dần sang màu hồng phớt của bình minh.

Phía sau những gánh hàng rong - kỳ 2: Những đêm dài…  ảnh 3

Đường Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) đông đúc các bạn trẻ tới chụp ảnh cùng hoa những ngày thu

Người dậy sớm chạy bộ, đạp xe, người đi chợ, người đi làm, người chở con đi học… Ai cũng vội vàng, nhưng trước gánh hàng rong của chị Huyền, nhiều người vẫn dừng lại vài phút rồi rời đi với một bó hoa buộc ngay ngắn sau yên xe. Và đông đúc nhất là những thiếu nữ tuổi đôi mươi xúng xính áo quần xinh đẹp, tay ôm những bó cúc hoạ mi, baby, hướng dương, sen…, nụ cười vàng ươm trong ánh nắng mùa thu Hà Nội. Nhìn vào những gánh hoa rong, cảm thấy dòng đời hối hả như đang chậm lại...

Tôi hỏi, niềm vui của chị trong nghề là gì? “Là khi hoa của mình được nhiều người khen đẹp, nhiều người mua… Thấy khách vui, mình cũng vui lây”, chị Huyền bảo. Tôi chợt nghĩ, đó là đóa hoa mà những người như chị Huyền nhận lại từ người mua. Và, họ yêu điều đó.

“Với chúng tôi, mùa thu là “mùa gặt”. Không chỉ bán mà còn có thể cho thuê hoa, thuê xe đạp để các bạn trẻ chụp ảnh. Những ngày đắt hàng, thu nhập có thể lên đến tiền triệu”, chị Huyền nói. Người Hà Nội từ trước đến nay vẫn luôn yêu hoa và thích chơi hoa. Họ ít mặc cả khi mua hoa. Vì vậy, những người bán hoa rong như chị Huyền ít khi lâm vào cảnh ế ẩm như những người bán rong khác. Tuy vậy, công sức họ đánh đổi là không hề nhỏ. Khi cả thành phố còn đang ngủ say, ngày làm việc của họ đã bắt đầu. Chăm sóc hoa đâu thể làm qua loa, đại khái. Từng cánh hoa, từng chiếc lá đều chứa đựng biết bao sự yêu thương, tri ân tỉ mỉ, kỹ càng của người bán. Chỉ thừa, thiếu hoặc thâm, tái một chút thôi là hỏng. Và áp lực phải bán được hết hàng trong ngày, nếu không, mọi tâm sức bỏ ra đều sẽ công cốc.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.