Phía sau bóng vỡ và áo rách…

Phía sau bóng vỡ và áo rách…
TP - Ai đó nếu hôm qua không xem Pháp đấu Thụy Sỹ mà chỉ nhìn vào trái bóng Beau Jeu bị vỡ toác hay những chiếc áo đấu của cầu thủ xứ đồng hồ bị rách toạc hẳn sẽ nghĩ trận chiến ở Stade Pierre-Mauroy quyết liệt và căng thẳng lắm.

Chỉ là ảo thôi bởi Pháp và Thụy Sỹ không dại gì “bung lụa” cho hao binh tổn lực khi đã chắc suất đi tiếp. Nếu có thì bóng vỡ và áo rách, gợi lên câu chuyện thâm thù giữa Adidas (nhà sản xuất bóng cho Euro 2016) và Puma (nhà sản xuất áo đấu cho tuyển Thụy Sỹ).

Vào những năm 1920, ở thị trấn Herzogenaurach của Đức, 2 anh em nhà Dassler là Adolf và Rudolph cùng lập nên một công ty sản xuất đồ thể thao có tên Dassler Brother Sports Shoe Company.

Adolf (Adi) trầm lặng, ít nói, phụ trách khâu thiết kế và làm ra các đôi giày. Còn người anh Rudolph (Rudi) nóng nảy, phụ trách kinh doanh. Họ đã chiêu dụ được vận động viên chạy nước rút người Mỹ gốc Phi là Jesse Owens mang giày của họ thi đấu và giành 4 huy chương vàng tại Olympic 1936. Chiến thắng của Owens đã mở đường cho thương hiệu giày của 2 anh em nhà Dassler ra thế giới.

Đang lúc làm ăn khởi sắc thì mối quan hệ vụng trộm giữa Rudolph và vợ của Adolf bị phát hiện, tạo nên mâu thuẫn lớn trong lòng Dassler Brother Sports Shoe Company. Công ty này buộc phải tách đôi vào năm 1948.

Adi đặt tên công ty mới là Adidas, ghép các ký tự đầu trong tên và họ của mình. Rudi cũng làm như thế với cái tên ban đầu là “Ruda” nhưng sau đó đã đổi lại thành “Puma”. Trong quá trình chia tách, nhân viên công ty được tự do chọn lựa về một trong hai phe.

Kết quả của việc này khiến thị trấn nhỏ bé Herzogenaurach bị chia tách làm đôi. Công nhân ở đây chỉ được chọn Adidas hoặc Puma. Con cháu của họ cũng vậy, phải theo người đi trước. Các doanh nghiệp, người buôn bán ở địa phương làm ăn với 2 công ty cũng không là ngoại lệ, thậm chí, người của Puma và Adidas không được hẹn hò hay cưới xin với nhau.

Hơn 70 năm qua, người ở phía Bắc Herzogenaurach luôn mang giầy có logo con báo, không hề có bóng dáng của những chiếc giày logo 3 đường sọc. Người ở phía Nam Herzogenaurach cũng có cách cư xử tương tự, nhưng là chỉ đi giày của Adidas.

Vì ôm trong lòng với mối thâm thù thế kỷ mà Adidas và Puma đã để cho Nike (hãng sản xuất đồ thể thao của Mỹ) vượt mặt. Và hôm qua, cả Adidas lẫn Puma đều thi nhau mất điểm với những sự cố hy hữu tại Euro: Bóng vỡ và áo rách!

MỚI - NÓNG