Phép thử thời hậu chiến

Phép thử thời hậu chiến
TP - Sau một vài tháng lính Mỹ rút khỏi Iraq, đã xuất hiện tình huống để người ta kiểm nghiệm ảnh hưởng của Washington đối với Baghdad thời hậu chiến: Mỹ muốn Iraq ngăn cản Iran vận chuyển vũ khí cho chính quyền Syria qua không phận Iraq. Nhưng Baghdad, hoặc chưa sẵn sàng, hoặc không thể chắc chắn về điều này.

> Obama biện minh với người Mỹ về việc đánh Libya

Hai bên cho đến nay vẫn “lời qua tiếng lại”mà không đi đến được điểm chung nào. Mỹ cho rằng, có nhiều chuyến máy bay vận tải chở vũ khí “trái phép” từ Iran qua Syria “tiếp tế” cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad để đàn áp dân thường.

Iraq nói lại rằng, hàng toàn là đồ viện trợ nhân đạo, không có vũ khí. Tất nhiên, lý luận này khó có thể lọt tai các quan chức Mỹ.

Vì có nhiều lý do để tin rằng Iran, đồng minh quan trọng của Syria, sẽ giang tay “cứu bồ” khi chính quyền của ông Assad đang phải đối đầu một “mùa xuân Ả rập” mới và nếu ông Assad đổ, nhiều khả năng mùa xuân ấy sẽ sớm lan tới Tehran.

Tuy nhiên, dù Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki tuyên bố không thể chắn chắn các chuyến hàng của Iran sẽ bị chặn lại trên đất Iraq, các chuyến hàng từ Iran bay qua không phận Iraq đã ngừng lại trong vài ngày gần đây, theo báo cáo của mật vụ Mỹ.

Dù các chuyến bay kia có thể chỉ là tạm ngưng, người Mỹ cũng khó lòng trách chính quyền Baghdad vì dễ hiểu là Iraq phải giữ quan hệ hòa hiếu với ông bạn láng giềng hùng mạnh và dữ dằn hơn.

Thậm chí ngay cả khi ông Maliki muốn chặn máy bay Iran cũng không thể, vì Iraq chưa có không quân, trong khi thiết bị của không lực Mỹ đã được vận chuyển đi hết từ lâu.

Nhưng đó là cách nghĩ của những người Mỹ theo xu hướng lạc quan chủ nghĩa. Vẫn có những quan chức của Washington đặt dấu hỏi về thái độ nước đôi của Iraq. Bởi họ từng chứng kiến chuyện nói một đằng, làm một nẻo của những ông bạn ở Baghdad.

Và hơn hết, là một quốc gia đang trong quá trình cố gắng hòa giải và hòa hợp, Iraq không muốn có bất cứ ảnh hưởng nào từ Syria, ví như một sự thay đổi chế độ, trở thành tác nhân gây xung đột và chia rẽ ở đất nước mình.

Vì thế, chính quyền của ông Maliki sẵn sàng chấp nhận sự trách móc từ người Mỹ và nhiều đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, cốt yếu là để lo cho thân mình trước. Vì nước xa không cứu được lửa gần, trong khi nhà mình toàn tranh tre nứa lá.

Chỉ có điều, với thái độ lừng khừng của mình, Iraq đang đẩy người Mỹ đi xa hơn và điều này sẽ không dễ chịu chút nào đối với cả Washinton lẫn Baghdad.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG