Phẫu thuật thẩm mỹ phiêu lưu ký

TP - Xã hội hiện đại, tư duy về cái đẹp “thoáng” hơn, nhiều bạn trẻ tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ cải thiện hình thức để tự tin hơn trong cuộc sống. Đó là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, đằng sau “công cuộc chỉnh trang” ấy là những câu chuyện bi hài, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.
Nhiều bạn trẻ tìm đến thẩm mỹ khi thất bại trong tình yêu, cuộc sống gia đình.

“Nghiện” thẩm mỹ

Ở Hà Nội, khắp các tuyến phố Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Trần Duy Hưng, Cầu Giấy,…các trung tâm thẩm mỹ mọc lên ngày càng nhiều, các dịch vụ làm đẹp từ bình dân đến hạng sang, từ tiểu phẫu đến đại tu nhan sắc nở rộ. Qua một số bác sỹ tư vấn làm đẹp, tôi được biết những câu chuyện dở khóc, dở cười sau mỗi ca chỉnh trang nhan sắc.

Cô gái Lê Ngọc Trâm, SN 1994, quê ở Hải Phòng, buôn bán mỹ phẩm ở Hà Nội tìm đến một cơ sở thẩm mỹ ở quận Hai Bà Trưng để hút mỡ bụng. Trâm có khuôn mặt trái xoan, cằm Vline, mũi thanh, cao lại thêm má lúm đồng tiền. Khi hỏi, Trâm cũng không nhớ mình đã tiến hành đại phẫu, tiểu phẫu bao lần ở các cơ sở thẩm mỹ. Trâm kể, lúc trước khi tìm đến thẩm mỹ cô có ngoại hình bình thường. “Sau khi chia tay mối tình đầu kéo dài 4 năm, mình tìm đến thẩm mỹ để xinh hơn người yêu người đó”, Trâm nói.

Qua một người bạn giới thiệu, Trâm đánh liều cắt đôi mắt một mí để sửa “cửa sổ tâm hồn”. Cắt mí thành công, Trâm đẹp hơn. Từ đó, cô bước vào con đường làm đẹp nhờ dao kéo. Trâm tiếp tục cắt cánh mũi, đôi mắt mí lót cũng được đem ra nhấn mí cho to rõ hơn, rồi tiếp đến là nâng ngực, nâng vòng 3, hút mỡ bụng để có dáng người như ý. Đến nay, khi các công cuộc đại tu tổng thể xong, Trâm vẫn tiếp tục hành trình “tiểu phẫu” với phun mí, phun mày, môi và chưa có ý định dừng lại.

“Silicone lỏng sau khi tiêm trực tiếp vào một số bộ phận xung quanh nhờ quá trình thực bào, từ vị trí được bơm ban đầu sẽ theo trọng lực chảy xuống phía dưới, len lỏi trong chất gian bào, theo trục các sợi thần kinh, mạch máu, hậu quả biến dạng mô làm “chảy xệ” vùng được bơm. Loại biến dạng này thường gặp ở mí mắt, má, cằm, môi, ngực, mông. Silicone gây suy: phổi, hô hấp, gan, thận, tắc mạch ở não...  Nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong”.

  GS.TS.BS.Trần Thiết Sơn

Trần Ngọc Phương Linh, SN 1995, quê Thái Nguyên là sinh viên một trường nghệ thuật ở Hà Nội. Linh cho biết, trên người cô hầu như chỗ nào cũng thẩm mỹ chỉnh sửa. Gia đình có điều kiện, chiều cao trên 1,6m, khuôn mặt ưa nhìn nhưng Linh luôn không hài lòng với vẻ ngoài của mình. Chiếc mũi thấp, Linh quyết định sửa cao lên để “tây” hơn. Sau lần đầu thẩm mỹ thành công, Trâm xinh hơn. Nhưng từ đó cô tiếp tục “nghiện” làm đẹp. Linh nâng mũi, độn cằm, tiêm botox, hút mỡ mắt, hút mỡ bụng, cánh tay, nâng ngực, chỉnh cho mắt to ra... Nhiều bác sĩ khuyên Linh không nên chỉnh sửa vì cơ thể gọn gàng, gương mặt khá hài hòa, nhưng cô vẫn muốn “sửa tiếp cho đẹp hơn nữa”.

BS Dương Văn Tươi (biệt hiệu là BS Tươi Sài Gòn), người có nhiều năm kinh nghiệm, từng làm cho nhiều bệnh viện thẩm mỹ lớn tại Sài Gòn, Hà Nội cho biết: Trong quá trình thăm khám, tư vấn thẩm mỹ ông gặp rất nhiều cô gái trẻ tìm đến thẩm mỹ sau khi thất bại trong tình yêu, đổ vỡ hạnh phúc gia đình, bị stress… Thực tế, “Nhân vô thập toàn, con người không ai hoàn hảo. Việc người ta không hài lòng về điểm nào đó trên cơ thể và muốn cải thiện nó là điều tự nhiên. Nhưng khi gặp cú sốc tinh thần, dựa vào những can thiệp dao kéo để làm đẹp bằng mọi giá là rất nguy hiểm. 

“Có những cô gái có tiền sử bệnh máu không đông, bệnh lý tim mạch, huyết áp cao, nên khi tiêm thuốc vào cơ thể sẽ có những phản ứng mạnh nhưng vẫn kiên quyết đòi thẩm mỹ. Đẹp phải đi đôi với an toàn. Cả người đi làm đẹp và bác sĩ nhiều nơi vẫn còn chủ quan khi tiến hành phẫu thuật. Cũng vì lý do này mà không ít trường hợp đau lòng đã xảy ra”, BS Tươi nói.

Ngực của một nạn nhân biến dạng do bơm silicone trực tiếp phải cắt bỏ. (Ảnh: Bệnh viện Xanh Pôn cung cấp)

“Phẫu thuật thẩm mỹ như một con dao hai lưỡi, nó có thể khiến chị em trở nên xinh đẹp, hoàn thiện hơn. Nhưng nếu không biết điểm dừng, hoặc làm đẹp bất chấp an toàn, nó có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhan sắc, tiêu tốn tiền bạc và thời gian”.

Bác sỹ Dương Văn Tươi

Theo BS Tươi, có những chị em, trên người hầu như không còn điểm khuyết nào để phẫu thuật vẫn đến để bác sĩ tư vấn xem làm sao để đẹp hơn. Bác sĩ khuyên nên dừng lại thì vùng vằng không chịu, tìm trung tâm khác để tiếp tục làm đẹp. Ranh giới giữa ham muốn làm đẹp và “nghiện” làm đẹp đôi khi cũng khá mong manh. “Phẫu thuật thẩm mỹ như một con dao hai lưỡi, nó có thể khiến chị em trở nên đẹp đẽ, hoàn thiện hơn. Nhưng nếu không biết điểm dừng, hoặc làm đẹp bất chấp an toàn, nó có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhan sắc, tiêu tốn tiền bạc và thời gian”, BS Tươi nói.

Cược mạng sống cho “tử thần”

Nguyễn Thị H., SN 1994 quê ở Thái Nguyên (sinh viên một trường CĐ ở Hà Nội) có dáng người cao ráo, khuôn mặt ưa nhìn nhưng vòng 1 “hơi bị lép” so với những bạn cùng lứa. Điều đó khiến H. luôn thiếu tự tin khi diện quần áo. Có một khoản tiền tiết kiệm, H. đến một thẩm mỹ viện ở quận Cầu Giấy tìm hiểu về cách nâng ngực.

H. cho biết, sau khi xem qua hình dạng của bộ ngực, nhân viên ở đây cho biết, thẩm mỹ này chỉ thực hiện các tiểu phẫu như cắt mí mắt, lăn kim làm mịn da…còn muốn nâng ngực phải vào bệnh viện. Nhân viên tư vấn thêm cho cô phương pháp không cần phẫu thuật mà vẫn có được “vòng một đẹp như ý” khi bơm mỡ nhân tạo vào ngực. 

Theo lý giải của nhân viên tư vấn, mỡ nhân tạo không gây tác dụng phụ, làm ngực đẹp một cách tự nhiên, không gây đau nhức cho phụ nữ như cách nâng ngực bằng silicone. Mù mờ về kiến thức y khoa, H. quyết định bơm ngực với chi phí 15 triệu đồng. Sau khi đóng tiền đầy đủ, chị được gây mê tại chỗ. Thẩm mỹ viện đã bơm chất gì vào người, H. cũng không hay biết. 

Sau hơn 1 tháng kiêng cự, H. có vòng 1 căng tròn như ý. Nhưng sau vài tháng, ngực của H thường đau nhức, thỉnh thoảng rát đỏ ở chỗ tiêm silicone. Cô đi bệnh viện khám và tá hỏa khi bác sĩ cho biết, cô đã bị biến chứng do tiêm silicone lỏng và phải điều trị cắt bỏ toàn bộ ngực.

GS.TS.BS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội cho biết: “Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận từ 25 - 30 ca điều trị biến chứng do tiêm silicone vào vòng một, vòng ba, vào mặt, mũi, cằm”. 

Mới đây, các bác sỹ ở khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn vừa phẫu thuật lấy những mô viêm vón cục (là silicone) trong vòng 1 cho hai cô gái trẻ. “Nạn nhân khi biến chứng nặng mới tìm đến bệnh viện để chữa trị nên việc điều trị gặp khó khăn, phải cắt bỏ cả hai bên ngực và đặt túi ngực nhân tạo thay thế”, GS.TS Trần Thiết Sơn cho biết.  

Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, trước đó mấy tháng, bệnh viện có một trường hợp là nữ, 25 tuổi, ở Hà Nội bị biến chứng do tiêm silicone vào vòng 3 ở TPHCM. Việc bơm silicone lỏng được thực hiện ngay trong một khách sạn. Cô gái tỏ ra rất hài lòng sau đợt nâng cấp khi vòng 3 trở nên tròn đẹp. Nhưng đúng một năm sau cô phát hiện vòng 3 của mình thường bị đau, rát đỏ. Để giải quyết những ca bị biến chứng, các bác sỹ phải mổ chỗ tiêm silicone, sau đó dùng ống hút silicone ra. Tuy nhiên, mỗi lần hút không được nhiều, vì silicone lỏng đã xâm nhập vào cơ thể.

Hình ảnh chụp X quang ngực đầy silicon của một bệnh nhân ở bệnh viện Xanh Pôn. (Ảnh: Bệnh viện Xanh Pôn cung cấp)

Trong khi đó, theo BS Dương Văn Tươi, ông không nhớ đã can thiệp bao nhiêu ca bị biến chứng do silicone, chỉ biết họ hầu hết là nạn nhân của những tiệm làm tóc, nail, spa. “Nhu cầu nâng cấp vòng 1, vòng 3 của chị em thời gian gần đây là rất lớn. Nhưng tâm lý nhiều bạn trẻ muốn làm đẹp nhưng sợ phẫu thuật. Muốn được đẹp nhanh, kín đáo…nên đến những cơ sở làm đẹp không đảm bảo. 

Nhiều cô gái nhầm lẫn họ được bơm bằng “mỡ nhân tạo” nhưng thực chất là silicone lỏng. Trong những ca phẫu thuật, chúng tôi gắp ra nhiều silicone vón cục trong ngực, mông, mặt… Thậm chí, phải cắt bỏ ngực, mông. Khi đã biến chứng thì không chữa được khỏi hẳn, silicone vẫn tồn tại trong cơ thể và nếu để lâu từ 10 đến 20 năm còn có thể gây ung thư”, BS Tươi nói.

GS.TS Trần Thiết Sơn cho biết: Silicone lỏng sau khi tiêm trực tiếp vào một số bộ phận xung quanh nhờ quá trình thực bào, từ vị trí được bơm ban đầu sẽ theo trọng lực chảy xuống phía dưới, len lỏi trong chất gian bào, theo trục các sợi thần kinh, mạch máu, hậu quả biến dạng mô làm “chảy xệ” vùng được bơm. Loại biến dạng này thường gặp ở mí mắt, má, cằm, môi, ngực, mông. Silicone gây suy: phổi, hô hấp, gan, thận, tắc mạch ở não...  Nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong.

“Để phẫu thuật tạo hình, các chị em phải đến những nơi uy tín, bác sĩ có tay nghề để loại trừ những nguy cơ biến chứng. Tuyệt đối không bơm silicone trực tiếp vào cơ thể để tránh phải mang di chứng suốt đời, thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng”, GS.TS Sơn nói.