Phẫu thuật “chui” trà trộn
Gặp chị B.H. (37 tuổi, ở TPHCM) tại một thẩm mỹ viện lớn trên đường Lê Thị Riêng, quận 1 (TPHCM), chị H. cho biết: “Tôi chủ trương dịp Giáng sinh và năm mới chỉ đi chăm sóc da, nói chung là không đụng đến dao kéo, vì nếu lỡ xảy ra chuyện gì thì khỏi ăn Tết luôn”. Dù nói vậy, nhưng theo chị H., các chương trình khuyến mãi năm nay của các mỹ viện, spa quá hấp dẫn khiến chị không thể ngồi yên ở nhà. Hầu hết các kỹ thuật như bấm mi Hàn Quốc, gọt cằm V-line, nâng mũi S-line, căng da… đều được giảm từ 15-20% nên thu hút khá đông chị em.
Theo quảng cáo của một thẩm mỹ viện ở quận 10 (TPHCM), nơi đây còn đưa ra những gói khuyến mãi “khủng” với mức giảm giá lên đến hơn 50%, áp dụng từ 15/12/2015 đến 5/1/2016. Một nhân viên thẩm mỹ ở đây cho biết, do các thẩm mỹ viện mọc lên như nấm nên phải giảm giá, khuyến mãi để cạnh tranh. Khi được hỏi về vật liệu nâng ngực, độn cằm, cơ sở này nói rằng, đó là hàng “xách tay” từ Hàn Quốc và không được kiểm chứng.
Một cơ sở thẩm mỹ ở quận 5 quảng cáo trên trang web của mình rằng, giảm 30% chi phí nâng ngực, độn cằm, nâng mũi. Dù trên trang web nói rằng có bác sĩ Hàn Quốc tham gia phẫu thuật nhưng thực tế, theo tìm hiểu, đây chỉ là trò lừa khách hàng. “Khi nào chị đặt cọc tiền để phẫu thuật thì thẩm mỹ tụi em sẽ lên lịch để mời bác sĩ Hàn Quốc sang mổ”, một nhân viên nói.
TS. BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc chi nhánh tại Việt Nam, nói rằng, đa số các cơ sở đều ghi có bác sĩ thẩm mỹ Hàn Quốc để thu hút khách hàng nhưng thực tế, khi thực hiện các thủ thuật gây mê thì đưa bác sĩ Việt Nam vào phẫu thuật, thậm chí cả bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ; vật liệu để độn ngực hay cằm, mũi cũng là hàng trôi nổi. “Bác sĩ Hàn Quốc hành nghề ở Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép đếm trên đầu ngón tay, nhưng hàng trăm cơ sở quảng cáo có bác sĩ Hàn Quốc là không thể”, bác sĩ Tú Dung nói.
Theo Sở Y tế TPHCM, kết quả kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ cho thấy, lỗi vi phạm chủ yếu vẫn là quảng cáo sai sự thật. Tình trạng bác sĩ “mổ dạo” tại Việt Nam tràn lan. Một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đánh giá, bác sĩ nước ngoài được đào tạo chính quy không bao giờ “đi đêm, mổ dạo”, nên chị em phụ nữ phải cẩn thận; chỉ có “bác sĩ” không chứng chỉ mới hoạt động trái phép như thế.
Theo bác sĩ Trịnh Quốc Khánh, Khoa Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương, nhiều cơ sở thẩm mỹ có phép và không phép trà trộn trong quảng cáo trên các phương tiện thông tin khiến khách hàng bị tung hỏa mù, gặp họa. Nạn nhân mới đây nhất là một phụ nữ ở Đồng Nai đi bơm mỡ nhân tạo vào ngực để làm đẹp đón Tết. Bác sĩ Khánh cho rằng, cơ sở thẩm mỹ “chui” đã bơm chất silicon bị cấm vào ngực người phụ nữ này, trong khi khách hàng vẫn tưởng là mỡ nhân tạo và rút hầu bao hàng chục triệu đồng lo chi phí.
Mỗi năm Viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc chi nhánh tại Việt Nam tiếp nhận khoảng 20 ca tai biến sau khi khách hàng đi làm thẩm mỹ ở các cơ sở “chui”. Ảnh: Lê Nguyễn.
“Bánh bao” năm ngoái, năm nay “bánh bèo”
Theo Sở Y tế TPHCM, đến thời điểm này, ngoài 7 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ được Bộ Y tế cấp phép, trên địa bàn thành phố có hàng trăm khoa thẩm mỹ, thẩm mỹ viện hoặc cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ. Mỗi năm có gần 10 nghìn ca phẫu thuật chỉnh sửa ngực, hơn 15 nghìn ca nâng mũi được thực hiện tại TPHCM. Tuy nhiên, cùng với đó là hàng trăm ca tai biến.
Sau ca phẫu thuật nâng ngực dịp Tết năm ngoái, bà N.T.X.T. (40 tuổi, ngụ thành phố Cần Thơ) cho biết mình không hạnh phúc hơn, mà trái lại, cuộc sống trở nên căng thẳng. Ngực trái của bà bị lệch, chảy xệ bất thường, gây đau đớn, nên bà thường xuyên phải vào viện. Trước đó, vào tháng 2, bà T. bỏ ra 50 triệu đồng để Trung tâm Thẩm mỹ viện Sài Gòn Venus (thuộc Cty TNHH Thẩm mỹ Ngọc Huy, ở quận 5, TPHCM) giúp “tân trang” bộ ngực. Bác sĩ Nguyễn Tiến Huy, phụ trách chuyên môn Thẩm mỹ viện Sài Gòn Venus, đã đưa bà T. đến Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh ở quận 10 để phẫu thuật.
Ca mổ đặt túi ngực không như mong muốn, vì bà T. bị đau ngực suốt 9 tháng sau đó và phải thường xuyên lên TPHCM tái khám, uống thuốc theo chỉ định. Đầu tháng 10, bác sĩ Huy cho bà T. đi siêu âm, kết luận việc bóc tách ngực trái không bảo đảm, dẫn đến việc đặt túi ngực không vừa, gây các biến chứng. Bác sĩ này quyết định phẫu thuật lại để chỉnh túi ngực (cũng tại Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh). Thế nhưng, một lần nữa, bà T. hết sức thất vọng vì ngực trái vẫn bị đau từng cơn, lệch, chảy dịch.
Một trường hợp khác, vào tháng 10, chị L. (ngụ quận 8) tới một thẩm mỹ viện khá nổi tiếng ở quận 1, cũng để “tân trang” gò bồng đảo. Sau phẫu thuật, ngực chị biến dạng, phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật lại. Theo chị L., do bác sĩ đặt túi ngực không đúng kỹ thuật nên ngực của chị bị sưng tấy, đau nhức. Bác sĩ đề nghị được bồi thường, nhưng chị không đồng ý.
Tháng 10, sau khi nâng mũi S-line ở một thẩm mỹ viện tại quận 10, chị Trần T.H.O. (35 tuổi ở Bình Dương) bị tai biến đỏ tấy ở sống mũi kèm đau nhức. Tuy nhiên, phía thẩm mỹ viện cho rằng họ làm đúng, không bồi thường. Lo cho sức khỏe, chị O. đến Viện Thẩm mỹ Hàn Quốc JW nhờ can thiệp. Tại đây, các bác sĩ phát hiện mũi chị O. bị lệch vách ngăn kèm chảy mủ nên phẫu thuật can thiệp.
Năm 2013, một bác sĩ của một thẩm mỹ viện tại TPHCM bị TAND thành phố tuyên phạt bồi thường hơn 223 triệu đồng cho bà N.T.H.N. (45 tuổi, Việt kiều Mỹ) vì kết quả giám định cho thấy ca phẫu thuật đặt túi ngực không thành công, gây sẹo, nhiễm trùng và làm mất núm vú bên phải.
Sở Y tế TPHCM cho biết, theo quy định, các bệnh viện, cơ sở y tế có hợp tác chuyên môn với bác sĩ bên ngoài phải lập danh sách gửi về cho Phòng Quản lý dịch vụ y tế của Sở. Tuy nhiên, với trường hợp bác sĩ Huy và Bệnh viện Vạn Hạnh, đến đầu tháng 12/2015, Sở vẫn chưa nhận được báo cáo nào từ phía bệnh viện.