Phát triển trí tuệ nhân tạo không làm giảm vai trò con người

Trương Công Toại tại buổi tọa đàm trực tuyến chiều 7/12. Ảnh: NGÔ TÙNG
Trương Công Toại tại buổi tọa đàm trực tuyến chiều 7/12. Ảnh: NGÔ TÙNG
TP - Đó là chia sẻ của Trương Công Toại (SN 1996, quê Long An), sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, tại buổi tọa đàm trực tuyến chiều 7/12.

Vốn yêu thích nghiên cứu khoa học (NCKH) từ khi còn bé, Trương Công Toại quyết tâm theo học ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử thuộc, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.Cơ duyên Toại đến với những chú rô-bốt bắt đầu từ những ngày đầu ngồi ghế giảng đường khi được học những môn khoa học cơ sở. Để tạo ra chú rô-bốt hoàn chỉnh, Toại học mở rộng các mảng: cơ khí, hệ thống điện tử, CNTT...

Mới đây, với đề tài NCKH Thiết kế và chế tạo Robot massage dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), Trương Công Toại và nhóm bạn đã xuất sắc đoạt cú đúp giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc 2018 và giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2018.

Chia sẻ về công trình nghiên cứu của mình tại buổi giao lưu, Toại cho biết qua khảo sát, nhận thấy nhu cầu của con người về thư giãn, trị liệu là rất cao. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người rất e ngại khi có người lạ chạm vào cơ thể mình, hoặc lo sợ có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc với người khác. Mặt khác, chính các cơ sở y tế cũng không thể đáp ứng được hết nhu cầu này. “Chúng tôi mong muốn thay đổi quan niệm cho mọi người, giúp rút ngắn khoảng cách giữa con người và rô-bốt.Bởi thực tế cho thấy khi trị liệu bằng rô-bốt sẽ tạo cảm giác thoải mái cho con người, giúp việc trị liệu mang lại hiệu quả cao hơn”, Toại chia sẻ.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, nhóm của Toại muốn áp dụng nền tảng công nghệ tự động hóa vào ngành y học cổ truyền tại Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, nhóm bạn trẻ đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng các kiến thức nền về y học cổ truyền, về các hệ thống điều khiển cũng như trí tuệ nhân tạo và IoT.

Công Toại cho biết, với công trình nghiên cứu này, nhóm đặt ra mục tiêu ban đầu là tạo ra một sản phẩm để phục vụ cho chính người Việt. Một mặt giảm chi phí sản phẩm, mặt khác rô-bốt có thể mô phỏng lại tất cả các kỹ thuật xoa bóp trong y học cổ truyền, giúp mọi người phục hồi sức khỏe.

Theo Trương Công Toại, việc phát triển AI sẽ không làm giảm vai trò của con người. “Tùy theo mục đích của người sử dụng mà vai trò cũng như mục đích của AI sẽ khác. Vì thế việc áp dụng đúng mục đích AI vào cuộc sống sẽ không làm giảm vai trò của con người, ngược lại nó còn nâng cao chất lượng cuộc sống”, Toại nói.

MỚI - NÓNG