KHÁNH HÒA:

Phát triển Nha Trang là thành phố thương mại - tài chính

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 được Chính phủ phê duyệt, Nha Trang sẽ có 14 phân khu. Mục tiêu của quy hoạch là bước đầu phát triển Nha Trang trở thành một thành phố thương mại - tài chính tầm vóc quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Nhập một phần huyện Diên Khánh vào Nha Trang

Ngày 31/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ đã ký Quyết định số 259 phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040. Theo đó, quy mô lập quy hoạch có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 26.736 ha. Trong đó TP Nha Trang có diện tích khoảng 25.422 ha và một phần huyện Diên Khánh có diện tích khoảng 1.314 ha. Quy mô dân số đến năm 2030, TP Nha Trang có khoảng 630.000 - 640.000 người; đến năm 2040 khoảng 750.000 - 780.000 người.

Phát triển Nha Trang là thành phố thương mại - tài chính ảnh 1

Mục tiêu quy hoạch đưa Nha Trang trở thành trung tâm tài chính - thương mại quốc gia

Mục tiêu của quy hoạch là phát huy thương hiệu thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển đối với quốc gia và quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác bền vững tài nguyên du lịch hiện có, với nét nổi bật đặc hữu là chuỗi không gian ven biển, đảo và sinh thái. Hỗ trợ phát triển dịch vụ hậu cần hàng hải, thương mại - dịch vụ du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường. Tiến tới nâng cao vị thế thương hiệu quốc tế thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển. Bước đầu trở thành một thành phố thương mại - tài chính tầm vóc quốc giakhu vực Đông Nam Á.

Mô hình tổ chức đô thị đa trung tâm, trọng tâm là dải đô thị ven biển và các trung tâm gắn với các khu vực cảnh quan, các trục chính đô thị, các hệ sinh thái đặc thù. Hướng phát triển đô thị mở rộng không gian xây dựng đô thị về phía Bắc, Tây Bắc, phía Tây, phía Nam và phía Đông hướng ra biển ở khu vực Vĩnh Lương, Phước Đồng và trên các đảo.

Trụ sở hành chính, cơ quan cấp tỉnh giữ nguyên vị trí cũ hoặc xây dựng mới tại khu vực phía Nam đường Phong Châu (khoảng 25 ha), khu vực xã Vĩnh Phương (khoảng 10 ha). Xây dựng mới trung tâm văn hóa, bảo tàng kết hợp tổ chức sự kiện lớn của thành phố, tích hợp trong không gian quảng trường Đại Dương (khoảng 10 ha).

Phát triển Nha Trang là thành phố thương mại - tài chính ảnh 2

Nha Trang sẽ được phát triển thành trung tâm du lịch biển của cả nước.

Trong định hướng phát triển không gian Nha Trang, các khu công viên chuyên đề, sân golf (khoảng 776 ha) gắn với các giá trị sinh thái và phục hồi sinh thái tại các núi Hòn Rớ, núi Chín Khúc, núi Cô Tiên, khu vực các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Phương và trên vùng núi phía Tây quốc lộ 1 thuộc xã Vĩnh Lương, tạo lập không gian xanh, kết nối hệ sinh thái biển Nha Trang với không gian đô thị.

Khu vực đồi núi thuộc TP Nha Trang (diện khoảng 13.156 ha) chủ yếu phát triển không gian dịch vụ du lịch trên núi, đảm bảo các điều kiện về tính ổn định địa hình và địa chất núi; phục hồi hệ sinh thái cảnh quan núi; đảm bảo an toàn công trình xây dựng không gây sạt lở.

Quy mô đô thị có 14 phân khu

Về định hướng phát triển, TP.Nha Trang gồm 14 phân khu. Trong đó, khu 1 là khu vực trung tâm ven biển và phía nam sông Cái (diện tích khoảng 676 ha, dân số khoảng 140.000 người) là trung tâm du lịch cả nước. Khu 2 là khu vực sân bay Nha Trang cũ và vùng phụ cận (khoảng 263 ha, khoảng 23.200 người) là trung tâm dịch vụ du lịch, văn phòng, thương mại - tài chính vùng nam Trung bộ.

Khu 3 là khu vực phường Phước Long, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên (khoảng 640 ha, khoảng 60.500 người) là trung tâm dịch vụ du lịch biển, dịch vụ cảng biển du lịch vùng Nam Trung Bộ. Khu 4 là khu vực phía tây đường Lê Hồng Phong (501 ha, 70.000 người) là khu đô thị mới đan xen khu dân cư hiện trạng cải tạo chỉnh trang.

Phát triển Nha Trang là thành phố thương mại - tài chính ảnh 3

Khách du lịch quốc tế đến nghỉ dưỡng tại phố biển Nha Trang.

Bên cạnh đó, khu 5 là khu đô thị ven biển, phía đông đường sắt - từ bắc sông Cái đến Mũi Kê Gà là khu trung tâm đô thị hiện hữu, dịch vụ du lịch ven biển.

Khu 6 là khu vực từ phía nam núi Cô Tiên (nhỏ) đến phía bắc núi Hòn Ngang (núi Cô Tiên lớn) là khu trung tâm đô thị hiện hữu, dịch vụ du lịch ven biển.Khu 7 là khu vực đô thị phía bắc sông Cái và khu vực Hòn Nghê là trung tâm giáo dục, y tế, dịch vụ nước khoáng nóng.

Khu 8 là khu vực đô thị phía Tây Nha Trang là trung tâm khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, đào tạo mới. Khu 9 là khu vực phía Nam đường Phong Châu và khu vực núi phía tây sông Tắc là khu đô thị - trung tâm hành chính mới, dịch vụ du lịch sinh thái núi, dịch vụ y tế vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Phát triển Nha Trang là thành phố thương mại - tài chính ảnh 4

Ga Nha Trang sẽ được chuyển đổi chức năng sau năm 2030.

Trong khi đó, khu 10 là khu vực Phước Đồng - Hòn Rớ - phía bắc núi Cù Hin là trung tâm giáo dục, thể dục thể thao và dịch vụ du lịch sinh thái. Khu 11 là khu vực Đồng Bò - Trảng É là khu công nghiệp và dịch vụ logistic. Khu 12 là khu vực phía tây bắc quốc lộ 1 - thuộc xã Vĩnh Phương là khu vực làng xóm hiện trạng cải tạo, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Khu 13 là khu vực xã Vĩnh Lương - phía bắc núi Hòn Ngang là khu dân cư hiện hữu, cải tạo, chỉnh trang kết hợp du lịch sinh thái núi.

Khu 14 là khu vực biển thuộc vịnh Nha Trang, biển ven bờ xã Vĩnh Lương và các đảo thuộc TP.Nha Trang là trung tâm dịch vụ du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế kết hợp an ninh quốc phòng.

Xây dựng sân bay cho thuỷ phi cơ

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Nha Trang, xây dựng mới ga đường sắt Nha Trang tại khu vực Vĩnh Trung và ga đường sắt tốc độ cao tại Diên Khánh; sau năm 2030 sẽ chuyển đổi chức năng ga Nha Trang hiện hữu.

Cảng Nha Trang chuyển đổi công năng thành bến khách đầu mối du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế, tiếp nhận tàu khách đến 225.000 GT. Cảng Hải Quân có thể tiếp nhận tàu có trọng tải dưới 2.000 tấn. Cảng xăng dầu Mũi Chụt giảm dần công suất, đến năm 2025 thì di dời. Bổ sung bến, cầu cảng du lịch tại khu vực biển Vĩnh Hoà.

Phát triển Nha Trang là thành phố thương mại - tài chính ảnh 5

Bến tàu du lịch Nha Trang - nơi neo đậu tàu du lịch đưa du khách tham quan biển, đảo.

Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng sân bay cho thủy phi cơ phục vụ du lịch gắn với các cảng khách du lịch tại Nha Trang. Bến thủy nội địa xây dựng mới tại khu vực sông Cái, sông Quán Trường, Hòn Rớ, biển Vĩnh Hòa, khu vực Hòn Tre, chân đèo Cù Hin, khu vực Vĩnh Lương... và tại các khu vực có nhu cầu phát triển phục vụ dân sinh, du lịch đường thuỷ dọc theo ven biển, dọc các sông. Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão được bố trí tại khu vực Vĩnh Lương và Hòn Rớ.

Về giao thông nội thị, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường Phạm Văn Đồng, đường 2/4, đường Trần Phú, đường Lê Hồng Phong; hoàn thiện hệ thống đường vành đai 2, vành đai 3; kết nối đường D1 với đường tỉnh lộ 3; xây dựng đường D3 kết nối đường Võ Nguyên Giáp với quốc lộ 1; xây dựng hệ thống đường trục chính khu đô thị Tây Nha Trang và các tuyến đảm bảo yêu cầu kết nối. Kết nối đường Võ Nguyên Giáp với đường trục chính tại khu đô thị sân bay Nha Trang cũ.

Xây dựng mới cầu, đường qua núi Hòn Rớ kết nối đường Trần Phú và đường Nguyễn Tất Thành, định hướng hầm qua núi Cù Hin kết nối đường Nguyễn Tất Thành với khu vực Cam Lâm. Xây dựng cầu An Viên và hệ thống cầu qua sông Cái, sông Tắc, sông Quán Trường, đảm bảo tĩnh không đường thủy cho tàu du lịch di chuyển.

Phát triển Nha Trang là thành phố thương mại - tài chính ảnh 6

Nha Trang sẽ có nhiều tuyến xe BRT trong nội thị.

Xây dựng hệ thống giao thông công cộng chuyên chở khối lượng lớn (xe điện nhẹ, xe buýt thân thiện) trên các trục giao thông có lưu lượng lớn gồm: Tuyến 1 được quy hoạch hệ thống BRT trên đường vành đai 3 và đường Nguyễn Tất Thành kết nối đi cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và đề xuất chuyển đổi sang hệ thống đường sắt đô thị (LRT) khi lưu lượng vượt quá năng lực tối đa của loại hình BRT.

Tuyến 2 đề xuất quy hoạch hệ thống BRT đối với đường Võ Nguyên Giáp kết nối với ga đường sắt tốc độ cao tại khu vực Diên Khánh và khu vực quảng trường Đại Dương. Về lâu dài, nếu có nhu cầu thì có thể bố trí đường sắt đô thị chuyên chở khối lượng lớn.

MỚI - NÓNG