Phát triển kinh tế miền Trung: Tháo nút thắt từ bộ ngành, địa phương

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ttxvn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ttxvn
TP - Ngày 20/8, tại Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị phát triển kinh tế miền Trung. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo của 14 tỉnh, thành miền Trung.

Ba động lực phát triển

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Vùng miền Trung bao gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Nhìn trên bản đồ, các tỉnh được khớp nối lại một cách liền mạch như các đốt sống lưng của con người. Tầm quan trọng của miền Trung với Việt Nam có thể ví như vai trò của cột sống đối với cơ thể người. Người dân cũng thường nói khúc ruột miền Trung. Vì vậy, không nên xem nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng miền Trung hôm nay là “việc riêng, việc nhà” của 14 tỉnh miền Trung mà là nhiệm vụ của tất cả các bộ ngành, địa phương.

Thủ tướng mong muốn các bộ ngành thẳng thắn chỉ ra những nút thắt từ phía bộ ngành, các địa phương, các chuyên gia cần chỉ ra những nút thắt, đề xuất giải pháp. Qua đó xác định những chính sách gì cần được ban hành, tháo gỡ để giải phóng sức phát triển cho Vùng, gắn kết và cùng chia sẻ thịnh vượng giữa các địa phương và người dân trong vùng cũng như cả nước. 

Thủ tướng đề nghị thảo luận về việc miền Trung cần tăng tốc phát triển để có quy mô kinh tế lớn hơn. Quy mô kinh tế của vùng hiện khoảng 1 triệu tỷ đồng, chỉ chiếm trên 19% cả nước. Du lịch là thế mạnh của vùng nhưng doanh thu từ du lịch chỉ chiếm 20% cả nước. Từ thực tế đó, Thủ tướng gợi ý thảo luận về những động lực thúc đẩy toàn vùng phát triển trên cả 3 khía cạnh: Thể chế chính sách động lực; ngành động lực; nhân tố động lực

Nội dung quan trọng nữa, theo Thủ tướng, đó là vốn con người của 14 tỉnh, thành miền Trung không chỉ là 20 triệu người, mà là những người con quê hương miền Trung đang sinh sống, làm việc ở khắp trong và ngoài nước. Trong đó có rất nhiều nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt rất nhiều nhà kinh doanh giỏi, nhiều tỷ phú Việt Nam xuất thân từ dải đất miền Trung này. Thủ tướng cho rằng, đây là tài sản rất quan trọng đối với các tỉnh miền Trung, nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để những người con miền Trung giàu và giỏi đóng góp cho quê hương? Làm sao để thu hút được người giỏi, người tài, người giàu đến miền Trung sinh sống và làm việc?

Trước đặc điểm địa lý, đặc tính dễ bị tổn thương về tự nhiên và xã hội, nhất là trước thách thức biến đổi khí hậu, Thủ tướng đặt ra vấn đề liên kết vùng là bài toán sống còn của vùng. Thực tế vấn đề này vẫn chưa có lời giải, nhất là bài toán liên kết về hạ tầng, đào tạo nhân lực, phân công lao động, phân công sản xuất... để tối ưu hóa phương án đầu tư. Nhấn mạnh thế mạnh vượt trội của miền Trung là kinh tế biển, tiềm năng lớn phát triển kinh tế rừng, Thủ tướng đặt vấn đề, rừng vàng - biển bạc phải được phát huy như thế nào trong giai đoạn tới?

Thủ tướng đánh giá, miền Trung đang phát triển tốt công nghiệp xây dựng (với nhiều cụm ngành kinh tế lớn như lọc hóa dầu, công nghiệp ô tô, công nghiệp thép...). Bên cạnh đó, dịch vụ du lịch của vùng cũng tăng trưởng rất cao, chiếm tỷ trọng trên 41% kinh tế vùng. Thủ tướng đặt vấn đề, làm sao để tránh mâu thuẫn trong ưu tiên chiến lược phát triển kinh tế trong giai đoạn tới? Làm sao để “hai chân” (tức hai lĩnh vực quan trọng này) phát triển mà không “giẫm vào nhau”, có được bước đi nhanh mà không vấp ngã.

Bây giờ hoặc không bao giờ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các địa phương miền Trung cần thể hiện khát vọng, vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm để sớm trở thành địa bàn có trình độ kinh tế - xã hội phát triển cao, bền vững của đất nước. “Miền Trung phải xốc tới, có đủ điều kiện phát triển nhanh, bền vững và tốc độ hơn. Chính vì thế phải có tinh thần ngay bây giờ hoặc không bao giờ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát triển kinh tế miền Trung: Tháo nút thắt từ bộ ngành, địa phương ảnh 1 Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn. Ảnh:PV

Thủ tướng đề nghị ngay bây giờ các địa phương phải vận dụng chiến lược kinh tế biển toàn miền Trung tập trung vào 5 lĩnh vực kinh tế: Ngư nghiệp (tập trung nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản); du lịch (đặc biệt là du lịch biển đảo); cảng biển và các dịch vụ logistics; phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với nền kinh tế cảng biển và cuối cùng là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng khác). Ngoài ra, việc xây dựng một môi trường có tính cạnh tranh lành mạnh hơn, miền Trung phải thực sự trở thành nơi “đất lành chim đậu”.

Để giúp vùng kinh tế miền Trung phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng đảm bảo chất lượng theo hướng tích hợp các quy hoạch quy định tại Luật Quy hoạch; hướng dẫn chuyển tiếp thực hiện các quy hoạch hiện hành, xác định các khó khăn, vướng mắc để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Cùng với các địa phương trong vùng, chủ trì tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ưu tiên bố trí nguồn lực để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cấp bách, nhất là hệ thống đường ven biển, đường lên Tây Nguyên và các công trình trọng điểm của vùng; các dự án khắc phục khô hạn, bảo vệ nguồn nước ngọt đảm bảo phát triển bền vững.

Đối với Bộ Tài chính, Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu một số cơ chế, chính sách tài chính, thuế, phí để phân cấp quản lý cho các tỉnh/thành trong vùng phù hợp với trình độ phát triển, đặc điểm kinh tế và cơ sở thuế của từng địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng; nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương đảm bảo tương ứng với vai trò đóng góp của ngân sách của từng tỉnh/thành phố.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải đề xuất giải pháp phát triển giao thông kết nối miền Trung và Tây Nguyên. Nghiên cứu về việc phát triển sân bay, cảng biển của miền Trung sao cho hợp lý, trong đó những sân bay lớn cần tính toán các hình thức xã hội hóa đầu tư. Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường cần hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý; hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển. Với Bộ Công Thương, cần ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của vùng, là nơi có lợi thế về vị trí địa lý, gần nguồn cung cấp hàng hóa như khu công nghiệp, hệ thống cảng, gần khách hàng tiêu thụ; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tỉnh/thành phố có tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo...

“Chính phủ, Thủ tướng luôn coi trọng sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung, luôn đặt ở vị trí ưu tiên trong sổ tay chương trình nghị sự của mình, để khi lật ra là nhớ và hành động”, Thủ tướng nói và mong muốn các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương, tùy theo vị trí và trách nhiệm của mình phải đặt sự ưu tiên phát triển vùng lên trang đầu trong chương trình nghị sự.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đề xuất giải pháp phát triển giao thông kết nối miền Trung và Tây Nguyên. Nghiên cứu về việc phát triển sân bay, cảng biển của miền Trung sao cho hợp lý, trong đó những sân bay lớn cần tính toán các hình thức xã hội hóa đầu tư.

MỚI - NÓNG