Phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp: Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở Lạng Sơn

0:00 / 0:00
0:00
Với mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, công nghiệp xanh, an toàn và hiện đại, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Lạng Sơn quan tâm chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư các dự án. Từ đó, từng bước thúc đẩy phát triển công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp: Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở Lạng Sơn ảnh 1

Lạng Sơn nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư -Ảnh: PV

Lạng Sơn nằm ở vị trí đường quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 đi qua, là điểm nút của sự giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây như Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, phía Đông như tỉnh Quảng Ninh, phía Nam như Bắc Giang, Bắc Ninh, thủ đô Hà Nội và phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc. Mặt khác, có đường sắt liên vận quốc tế, là điều kiện rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, khoa học – công nghệ với các tỉnh phía Nam trong cả nước, với Trung Quốc và qua đó sang các nước vùng Trung Á, châu Âu và các nước khác.

Theo báo cáo, hiện trên địa bàn tỉnh có 2 khu công nghiệp với diện tích khoảng 762 ha nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của Việt Nam gồm: Khu Công nghiệp Đồng Bành, huyện Chi Lăng có diện tích 162 ha và Khu Công nghiệp Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng diện tích 600 ha. Trong Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, tỉnh đã quy hoạch Khu Công nghiệp Hồng Phong, huyện Cao Lộc với diện tích khoảng 400 ha. Ngoài ra, tỉnh cũng quy hoạch phát triển 16 cụm công nghiệp địa phương với diện tích 537 ha tại các huyện: Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn, Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn.

Phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp: Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở Lạng Sơn ảnh 2

Hệ thống giao thông được đầu tư, nâng cấp -Ảnh: PV

Riêng Khu Công nghiệp Đồng Bành, tỉnh đã bố trí ngân sách khoảng 200 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nhằm thu hút các dự án đầu tư của doanh nghiệp. Nhờ đó, đến nay, Khu Công nghiệp Đồng Bành đã thu hút được 4 dự án đầu tư trên các lĩnh vực: sản xuất bê tông, vật liệu xây dựng, công nghiệp nhẹ với tổng vốn khoảng 1.700 tỷ đồng. Trong đó, 2 dự án đang sản xuất kinh doanh ổn định và 2 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư, tỉ lệ lấp đầy đạt khoảng 60%.

Còn tại Khu Công nghiệp Hồng Phong, huyện Cao Lộc, hiện có 5 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 30%.

Đối với các cụm công nghiệp, hiện nay, Cụm Công nghiệp địa phương số 2 thuộc xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc với diện tích 8,5 ha đã đi vào khai thác thu hút 11 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định với tỉ lệ lấp đầy đạt 94%. Các cụm công nghiệp còn lại đang được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư hoặc đang giải phóng mặt bằng.

Phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp: Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở Lạng Sơn ảnh 3

Dự án Khu công nghiệp Đồng Bành (huyện Chi Lăng) được triển khai, xây dựng -Ảnh: PV

Theo Báo cáo đánh giá của Sở Công Thương, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh trong những năm qua đã giải quyết được một phần nhu cầu mặt bằng của doanh nghiệp, góp phần tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp đáng kể cho kinh tế của tỉnh và giải quyết việc làm cho người lao động địa phương.

Cụ thể, nếu như giai đoạn 2011 – 2015 tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp chỉ đạt 7,9% thì đến giai đoạn 2016 – 2020 đã đạt 10,97%. Giá trị sản xuất công nghiệp trong 5 năm trở lại đây tăng đều,. Nếu như năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 5.899 tỷ đồng, năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn đạt 6.238 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với năm 2019…

Phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp: Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở Lạng Sơn ảnh 4

Nhiều khu công nghiệp, nhà xưởng đang hoạt động có hiệu quả ở Lạng Sơn -Ảnh: PV

Bước sang giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp nhằm tạo mặt bằng sạch, tăng cường năng lực cạnh tranh, chủ động thu hút và đón làn sóng đầu tư vào Lạng Sơn. Mục tiêu hướng tới là tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đạt 13% vào năm 2025. Đặc biệt trong năm 2022, dự kiến sẽ có thêm một số dự án lớn của các nhà đầu tư này được triển khai…

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nếu không phát triển công nghiệp thì nền kinh tế của tỉnh còn chậm phát triển và tụt hậu; thu ngân sách thấp và thiếu ổn định; vấn đề việc làm cho người lao động trong tỉnh sẽ chưa được giải quyết một cách căn cơ. Để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, tỉnh xác định rõ phải tập trung chỉ đạo khắc phục có hiệu quả những khó khăn về mặt bằng cho doanh nghiệp; tăng cường xúc tiến đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

Về định hướng không gian phát triển, tỉnh xác định tập trung phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp dọc theo hành lang tuyến đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, trong đó, Khu Công nghiệp huyện Hữu Lũng quy mô 600 ha là trọng điểm đầu tư xây dựng. Mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành đưa vào hoạt động ít nhất 1 khu công nghiệp và 3 hoặc 4 cụm công nghiệp.

Phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp: Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở Lạng Sơn ảnh 5

Khu công nghiệp Hữu Lũng- sơ đồ vị trí và liên kết vùng -Ảnh: PV

“Tỉnh đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn; quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030 và đưa chỉ tiêu sử dụng đất để xây dựng các khu, cụm công nghiệp vào quy hoạch; đẩy nhanh quy hoạch chung xây dựng Khu Công nghiệp Hữu Lũng, đồng thời, tập trung chỉ đạo thúc đẩy giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng cụm công nghiệp do doanh nghiệp đầu tư”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh.

Để công việc triển khai thuận lợi, Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để giải quyết kịp thời các vấn đề có liên quan đến các nhà đầu tư vào khu công nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ cao để hỗ trợ nhà đầu tư cũng như phục vụ công tác quản lý các khu, cụm công nghiệp.

Với việc triển khai quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tin tưởng trong những năm tới tốc độ phát triển công nghiệp và tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ, đúng hướng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh biên giới Lạng Sơn

“Năm 2022, ngành Công Thương tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp; trên địa bàn tăng 7-8% so với năm trước. Phấn đấu hình thành 10 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển; hình thành một số cụm công nghiệp có quy mô lớn tại khu vực huyện Hữu Lũng, Cao Lộc, Lộc Bình, tiến tới trong tương lai phát triển thành vùng sản xuất công nghiệp tập trung” (Báo cáo của Sở Công thương Lạng Sơn)

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.