Phát triển cây đặc sản ở xứ Lạng

TP - Với lợi thế là tỉnh miền núi có nhiều đặc sản, tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” nhằm phát triển kinh tế đồng đều, bền vững.
Phát triển cây đặc sản ở xứ Lạng ảnh 1
Giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP ở Lạng Sơn. Ảnh: Duy Chiến

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lạng Sơn chia sẻ: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Đến nay, toàn tỉnh có gần 200 sản phẩm được cấp chứng nhận đạt OCOP 3 sao và 4 sao. Một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa sản phẩm đặc sản nông nghiệp đặc trưng xứ Lạng mang lại giá trị thu nhập khá cho người dân.

Điển hình là sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn diện tích trên 34.000 ha, sản lượng đạt trên 15.000 tấn/năm. Na khoảng 3.200 ha tập trung ở các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng với sản lượng hằng năm trên 35.000 tấn. Riêng đối với diện tích trồng na, đã có trên 800 ha na được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; những diện tích trồng na còn lại đều được cam kết sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại huyện Hữu Lũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho 3 sản phẩm: Măng Bát độ, Nem nướng và Quả tươi Hữu Lũng - đây là những sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Hữu Lũng…

Như vậy, đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng được một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa mang lại thu nhập cho người dân khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu đáng kể của địa phương có các xã, huyện còn khó khăn. Trong đó, những nhân tố điển hình trong trồng cây ăn quả theo mô hình chuyên canh đã vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

MỚI - NÓNG