Phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng lớn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhắc lại một số vụ án điển hình như trong vụ Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự, vụ án xảy ra tại FLC, Tân Hoàng Minh, theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, có thể đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vậy còn bao nhiêu vụ việc tương tự đang diễn ra mà chưa được phát hiện?
Phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng lớn ảnh 1
Người dân trong chuyến bay đưa công dân về nước trong dịch COVID-19

Tội phạm tham nhũng chức vụ, tăng nhiều nhất

Sáng 9/9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga chủ trì Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của ủy ban. Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Chính phủ cho biết, trong kỳ đã có hơn 542 nghìn người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Đến nay đã có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập, qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm theo đúng quy định. Về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, năm 2022 có 19 người bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người và khiển trách 3 người.

Trong khi đó, báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, năm 2022, đã khởi tố, điều tra nhiều hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý thị trường chứng khoán, với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam và hành vi phát hành trái phiếu trái quy định nhằm chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Một số vụ điển hình được nhắc đến, như vụ án Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm về tội thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Cty cổ phần Tập đoàn FLC, Cty cổ phần chứng khoán BOS và các công ty có liên quan. Vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Theo VKS, một số loại tội phạm có số vụ khởi tố mới tăng như: Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất, đã khởi tố mới 405 vụ, tăng 110 vụ, chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai. Bên cạnh đó là nhiều vụ án trong lĩnh vực y tế, ngoại giao, điển hình là vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Cty Việt Á và các địa phương; vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước, nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan...

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 33,33%, chứng tỏ công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng ngày càng làm quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn. “Đặc biệt, tội nhận hối lộ trước đây thường khó phát hiện, khó chứng minh, nay nhờ sự tăng cường giám sát của nhân dân, sự tích cực của cơ quan chức năng nên số lượng phát hiện nhiều hơn”, ông Long nhận định.

“Tội nhận hối lộ trước đây thường khó phát hiện, khó chứng minh, nay nhờ sự tăng cường giám sát của nhân dân, sự tích cực của cơ quan chức năng nên số lượng phát hiện nhiều hơn”.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long

Phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng lớn ảnh 2

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long

Còn bao nhiêu vụ việc tương tự như Việt Á, Cục Lãnh sự?

Nhắc lại một số vụ án điển hình như trong vụ Việt Á, Cục Lãnh sự, vụ án xảy ra tại FLC, Tân Hoàng Minh, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), có thể đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. “Còn bao nhiêu vụ việc tương tự đang diễn ra mà chưa được phát hiện?”, ông Nghĩa đặt vấn đề. Đáng lưu ý, theo ông Nghĩa, trong các vụ án này còn có cán bộ công chức tham gia. Trước tình trạng “người được đưa lên rất cao, rồi lại đứng trước vành móng ngựa”, với nhiều cán bộ, công chức liên quan bị án tù, cần giải pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa.

Liên quan đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, 5 vụ án như vụ Cty Việt Á, Cục Lãnh sự, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh và vụ AIC, báo cáo của các cơ quan trong đó có cơ quan điều tra, Bộ Công an đã có kiến nghị tương đối sát. Cần thiết có hậu thanh tra kiểm tra, đồng thời hoàn thiện thể chế pháp luật cho phù hợp.

Cũng liên quan đến vấn đề cán bộ, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) quan tâm đến tình trạng thờ ơ, vô cảm của lãnh đạo UBND cấp tỉnh trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua tiếp dân, ông cho biết, người dân đều phản ánh sau khi gặp tiếp xúc với Chủ tịch UBND tỉnh họ đều thấy không thoải mái, và còn bức xúc hơn. Rồi người dân tiếp tục khởi kiện ra toà, dù là chủ thể bị kiện nhưng lãnh đạo tỉnh lại không đến dự phiên toà, càng gây bức xúc hơn. Đại biểu đề nghị cần đánh giá rõ hơn thực trạng trên. “Cần làm rõ số lượng cụ thể bao nhiêu vụ Chủ tịch UBND cấp tỉnh không tham dự phiên toà, nếu cần thiết phải chỉ rõ ra”, ông Tuấn nêu.

MỚI - NÓNG