Theo tờ DailyMail, một thợ điện đã phát hiện thân xác của một sinh vật khi đang dọn dẹp lại một trạm phát điện bị bỏ hoang khoảng 35 năm ở Jaspur, một thành phố nhỏ thuộc bang Uttarakhand, Ấn Độ.
Bộ hài cốt này trông giống như con khủng long nhỏ, nhưng vì loài khủng long không biết bay đã bị tuyệt chủng từ 65 triệu năm trước nên các nhà khoa học đang cố gắng xác định nó.
Mẫu vật đã được gửi đi để phân tích, bao gồm luôn cả việc phân tích đồng vị phóng xạ carbon – 14. Việc này sẽ giúp chúng ta biết được tuổi của nó.
Tiến sĩ Parag Madhukar Dhakate – một nhà bảo tồn của Cục Kiểm lâm Ấn Độ cho rằng, sinh vật này vẫn còn là một điều bí ẩn cho đến khi các phân tích khoa học được hoàn thành. Ông còn nói thêm, nó rất có thể là một loài khủng long, nhưng để chắc chắn chúng ta vẫn cần các xét nghiệm chuyên môn.
Aaryan Kumar, người đang theo học tiến sĩ cổ sinh học tại Đại học Delhi, nói với các phương tiện truyền thông địa phương rằng bộ xương khủng long không được bảo quản tốt sau một thời gian dài. Những con khủng long không biết bay đã bị tuyệt chủng hơn 65 triệu năm trước. Bộ hài cốt này khá giống với Theropod – một loài khủng long ăn thịt đi bằng 2 chân.
Tiến sĩ cổ sinh học còn nói thêm, bộ xương khủng long không thể tìm thấy còn thịt sau hàng triệu năm mà không được bảo quản trong một môi trường hóa thạch.
Cách duy nhất đó là nó được bảo quản bằng chất hóa học trong viện bảo tàng. Vậy tại sao bộ hài cốt này lại có thể ở đây? Tiến sĩ Dhakate cho biết mẫu vật đã được gửi tới Nhà nghiên cứu cổ sinh vật học Bahadur Kotlia, thuộc Đại học Kumaun, để phân tích lịch sử.
Giả thuyết ban đầu được đưa ra là nó có thể là một bào thai động vật biến dạng về mặt di truyền từ bên trong gia đình dê, nhưng hiện nay bí ẩn vẫn còn đang được làm sáng tỏ.