Phát hiện 'quái vật siêu băng' phá hủy sự sống ngoài hành tinh

Siêu băng sát thủ này có cả ở trái đất nhưng rất may nó đã bị khóa lại bởi lớp kim cương sâu dưới lòng đất.

Các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore (California, Mỹ) vừa khám phá ra một cấu trúc hung hãn gọi là Băng VII tồn tại trên trái đất và có thể là rất nhiều hành tinh có nước khác đã được giới thiên văn học khám phá.

Phát hiện 'quái vật siêu băng' phá hủy sự sống ngoài hành tinh ảnh 1 Hình ảnh mô phỏng "quái vật siêu băng" trong lòng đất - ảnh: LIVE SCIENCE

Băng VII là một dạng siêu băng sát thủ, có thể hình thành với tốc độ 1.600 km/giờ với điều kiện hoàn toàn khác với băng giá ở các địa cực hay trong tủ lạnh: nhiệt độ cao và áp suất cực cao, gấp 100.000 lần áp suất bình thường.

Một điều đáng sợ là con quái vật Băng VII tồn tại cả ở trái đất. Nó đến từ một điểm thuộc lớp vỏ của "vùng chuyển tiếp" bên trong hành tinh chúng ta, sâu khoảng 410 đến 660 km bên dưới lòng đất. Nhưng rất may, trái đất sở hữu một mỏ kim cương khổng lồ và kim cương đã "trấn yểm" hung thần này vĩnh viễn dưới đất sâu.

Tuy nhiên theo các nhà khoa học, nhiều hành tinh có nước lỏng khác sẽ không may mắn như vậy. Đó rất có thể là lý do chúng ta đã tìm thấy nhiều hành tinh có nước, có không khí nhưng không có sự sống. Một khi "quái vật siêu băng" tồn tại trên một hành tinh, nó có thể phá hủy mọi mầm sống sơ khai, khiến sự sống không thể nào phát triển được.

Nguyên nhân hình thành của siêu băng chưa thực sự rõ ràng, nhưng có những bằng chứng cho rằng nó liên quan đến các vụ va chạm mạnh của thiên thạch – điều mà dường như rất nhiều "miền đất hứa" của sự sống gặp phải, để lại dấu tích là những hố thiên thạch lớn.

Điều này giải thích rõ ràng hơn vì sao trong phần vũ trụ nhỏ hẹp mà chúng ta quan sát được đã có khá nhiều hành tinh nằm trong vùng sinh sống của sao mẹ, có nước, không khí và những điều kiện tuyệt vời khác nhưng người ngoài hành tinh thì vẫn bặt vô âm tín.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Physical Review Letters.

Theo Theo Người Lao Động/Live Science, Science Alert
MỚI - NÓNG