Kết quả, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, tăng 9,62% trong 9 tháng năm 2021, trong top 5 tỉnh có tăng trưởng cao của cả nước.
Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.
Xét nghiệm rộng, cách ly hẹp
Xin ông cho biết công tác phòng, chống dịch COVID-19 được tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt với những trọng tâm như thế nào và chiến lược này thay đổi ra sao trước những diễn biến mới của dịch bệnh?
Ông Lê Duy Thành: Khởi nguồn của mọi chính sách chống dịch “đúng và trúng” mà Vĩnh Phúc triển khai đều trên cơ sở bám chắc các chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể hóa và chỉ đạo một cách quyết liệt, bài bản, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh của tỉnh.
“Tỉnh cũng duy trì và đẩy mạnh hoạt động tổ COVID-19 cộng đồng; Phát động phong trào thi đua toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19, theo đó nhân dân là trung tâm của thế trận phòng chống dịch”.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành
Trong đó, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách căn cơ được ví như “chìa khóa vàng” giúp tỉnh chế ngự COVID-19 đó là: Nghị quyết cho phép mở rộng đối tượng xét nghiệm; Nghị quyết về mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2; Nghị quyết về hỗ trợ tiêm vắc xin trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết trao quyền cho UBND tỉnh trong công tác phòng chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch...
Có thể nói, Nghị quyết trao quyền cho UBND tỉnh trong công tác phòng chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch... là khung pháp lý rất quan trọng để tập thể, cá nhân phát huy được trách nhiệm, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành; linh hoạt, quyết liệt trong phòng, chống dịch; Là căn cứ để đánh giá sự đổi mới sáng tạo song cũng là cơ sở để đánh giá, xử lý cán bộ kịp thời. Trong những tình huống cấp bách, các biện pháp chống dịch được thực hiện nhanh chóng, tránh được tình trạng chờ xin chủ trương các cấp làm kéo dài thời gian. Bởi dịch bệnh đã ở mức độ nguy hiểm hơn khiến cho các biện pháp cũ đã không còn phù hợp với tình hình.
Song song là việc phân quyền, gắn trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, ủy quyền cho UBND các huyện, thành phố quyết định những công việc thuộc phạm vi. Nâng cấp ban chỉ đạo với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng. Trong đó có sự vào cuộc của các Ban Đảng, MTTQ, Hội cựu chiến binh, Liên đoàn lao động và các tổ chức đoàn thể…; Sự vào cuộc của các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư huyện, thành phố….
Hằng ngày, Thường trực Tỉnh ủy họp với Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, ban hành các văn bản chỉ đạo, đề ra các biện pháp, giải pháp cụ thể, quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh. Có những cuộc họp UBND tỉnh triệu tập cuộc họp khẩn lúc 11 giờ đêm và kết thúc lúc 2- 3 giờ sáng.
Ngay khi biến thế mới xuất hiện, tỉnh đã xác định thay đổi chiến lược từ bao vây khoanh vùng dập dịch sang mục tiêu “Phát hiện nhanh – Khoanh vùng gọn – Xét nghiệm thần tốc – Cách ly kịp thời – Điều trị tích cực”.
Tỉnh đã xây dựng dự báo và kế hoạch phản ứng theo dự báo, luôn chủ động trong các tình huống: Nâng cấp năng lực xét nghiệm từ 500 mẫu/ngày lên sẵn sàng xét nghiệm từ 8.000 mẫu đơn/ngày - 80.000 mẫu gộp/ngày. Yêu cầu sau 2 tiếng phát hiện F0 phải khoanh vùng xong, sau 10 tiếng phải có kết quả xét nghiệm các F1.
Thực hiện mở rộng tầm soát các đối tượng có nguy cơ cao, kịp thời phát hiện F0, khoanh vùng, dập dịch. Qua đó đã chủ động tấn công bằng mọi biện pháp rất quyết liệt để khống chế, khoanh vùng kịp thời, xét nghiệm thần tốc để tách F0 sớm nhất ra khỏi cộng đồng.
Đảm bảo điều kiện để công nhân yên tâm làm việc
Thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát, diễn biến phức tạp ở các khu công nghiệp miền Bắc thì tỉnh Vĩnh Phúc vẫn không có doanh nghiệp nào phải đóng cửa. Để có được thành quả này tỉnh thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Duy Thành: Tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng kịch bản phòng chống dịch COVID-19 tại khu công nghiệp, trong đó có phân công rõ ràng nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân liên quan… ; Đề nghị các doanh nghiệp cho các chuyên gia, cán bộ quản lý là lao động sinh sống tại các tỉnh, thành phố khác làm việc trực tuyến; đối với các trường hợp ở lại tỉnh, tỉnh đã chủ động liên hệ với các khách sạn để tạo điều kiện cho chuyên gia, cán bộ quản lý các doanh nghiệp ở lại tỉnh với chi phí thấp nhất. Vĩnh Phúc xác định để công dân ở lại tỉnh thì phải chủ động lo chỗ ăn, ở, đảm bảo điều kiện để công nhân yên tâm làm việc.
UBND tỉnh cũng đã yêu cầu triển khai xét nghiệm 100% công nhân tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Yêu cầu các doanh nghiệp phải thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của đơn vị, xây dựng quy trình đánh giá an toàn COVID-19 tại doanh nghiệp. Trong đó, chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị. Công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao là đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin.
Nhân dân là trung tâm của thế trận phòng chống dịch
Vừa qua, UBND tỉnh đã nới lỏng một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ; các quy định về phòng chống dịch trên địa bàn. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chuẩn bị gì cho việc mở cửa an toàn?
Ông Lê Duy Thành: Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đưa ra bàn bạc kỹ, cân nhắc ký và quyết định các biện pháp, quy định phòng, chống dịch COVID-19 trong điều kiện mới. Việc ban hành các quyết định góp phần tạo điều kiện cho phép một số hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động trở lại; các biện pháp ra vào tỉnh, cách ly được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh tiếp tục chỉ đạo chốt chặt nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào tỉnh; Kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch bên trong tỉnh; Tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để phục hồi, phát triển kinh tế; cụ thể:
Triển khai quyết liệt Vùng xanh trong phòng chống dịch COVID-19; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân để quyết tâm xây dựng vùng xanh toàn diện trên mọi cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh và trong cộng đồng dân cư.
Tỉnh cũng duy trì và đẩy mạnh hoạt động tổ COVID-19 cộng đồng; Phát động phong trào thi đua toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19, theo đó nhân dân là trung tâm của thế trận phòng chống dịch.
Vừa qua, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ công dân có hoàn cảnh khó khăn đã được tỉnh thực hiện thế nào, thưa ông?
Ông Lê Duy Thành: Ngay từ đầu tháng 5/2021, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, tỉnh đã xác định để chủ động phòng chống dịch thì phải nhanh chóng có chính sách đặc thù an sinh xã hội, đảm bảo không để nhân dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các điều kiện phòng, chống dịch…
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 3 Nghị quyết được coi là giải quyết các vấn đề then chốt, để giúp tỉnh chủ động trong phòng, chống dịch, hỗ trợ nhân dân tham gia phòng dịch: Hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly y tế bắt buộc tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung; Hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm, tổ chức xét nghiệm cho các đối tượng mở rộng có nguy cơ lây nhiễm, tầm soát theo diện rộng trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng trên địa bàn tỉnh.
Từ 22/6 đến nay, tỉnh đã đón gần 20.000 công dân từ các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg về tỉnh an toàn… Các công dân về thẳng các khu cách ly tập trung, kịp thời phát hiện các trường hợp dương tính để có biện pháp điều trị, không bị lây lan trong cộng đồng.
Đối với người dân ở lại tại các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, ngoài hỗ trợ người dân bằng tiền mặt, tỉnh xác định phải chọn cách làm có trách nhiệm là hỗ trợ lương thực để người dân có lương thực vượt qua được khó khăn (20 kg/người, đảm bảo sử dụng trong khoảng 2 tháng).
Xin cảm ơn ông!