Chiều thứ Ba (26/11) vừa qua, một phi công đang bay trên máy bay riêng trên trên Công viên Quốc gia Croajingolong ở bang Victoria, Úc, đã phát hiện 28 con cá voi bị mắc cạn trên bãi biển. Sau khi báo cáo cho cơ quan chức năng, một chuyến khảo sát đầu tiên vào cuối ngày hôm đó cho thấy 8 con cá voi vẫn còn sống nhưng ở trạng thái nguy kịch. Khi các nhân viên của cơ quan kiểm lâm quay trở lại vào ngày hôm sau, tất cả đã chết, các quan chức cho biết.
Gail Wright của Công viên quốc gia cho biết, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu phân tích của những con cá voi này để tìm hiểu lý do vì sao đàn cá này bị mắc kẹt. "Đó là một trong những bí ẩn lớn, chúng tôi không biết tại sao điều này xảy ra. Đây có lẽ là tai nạn có hậu quả đe dọa lớn nhất với hệ sinh thái nước Úc từ những năm 1980 đến nay", Wright nói.
Trước đó, ngày 26/11, người ta cũng tìm thấy 145 con cá voi khác bị trôi dạt vào bờ biển phía nam New Zealand. Một nửa trong số cá voi đã bị chết, nửa còn lại tình trạng xấu, đồng thời địa điểm xa xôi, khó tiếp cận khiến tình thế đã không thể cứu vãn. “Đáng buồn thay, khả năng cứu chữa thành công cho những con cá voi còn lại là cực kỳ thấp", Ren Leppens, giám đốc hoạt động của Bộ Bảo tồn đảo Stewart nói.
Vào ngày 25/11, tại bãi biển phía Bắc của New Zealand, 10 con cá voi thuộc loại pygmy killer khác cũng được phát hiện mắc kẹt trên bờ, hai trong số chúng đã chết. Trước đó 1 ngày, vào thứ 7, các tai nạn khác cũng xảy ra khi người ta phát hiện xác một con cá nhà táng được tìm thấy ở vinh Doubtful và một con cá nhà táng loại nhỏ trên bờ biển Ohiwa.
Tìm hiểu lý do những đàn cá voi trên bị mắc cạn hàng loạt vẫn chưa được xác định. Các yếu tố tác động có thể do bệnh tật, lỗi sai định hướng, đặc điểm địa lý, thủy triều rút quá nhanh, bị kẻ thù săn đuổi hoặc lý do thời tiết khắc nghiệt.