Phạt 200 triệu đồng nếu kinh doanh thực phẩm bẩn

Phạt 200 triệu đồng nếu kinh doanh thực phẩm bẩn
Ngày 31/12, Nghị định 178 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm với mức phạt cao nhất đến 200 triệu đồng, bắt đầu có hiệu lực.

> Xu hướng sử dụng 'siêu thực phẩm' trong năm mới
> Thực phẩm cần tránh trước khi lên giường

Nạn nhân ngộ độc rượu cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào đầu tháng 12
Nạn nhân ngộ độc rượu cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào đầu tháng 12.

Tiến sĩ Trần Quang Trung, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, theo nghị định này, mức phạt tiền tối đa cho hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với cá nhân là 100 triệu đồng và 200 triệu đồng đối với tổ chức, doanh nghiệp. "Mức phạt này cao gấp nhiều lần so với Nghị định 91 được ban hành trước đó", ông Trung nói.

Theo tiến sĩ Trung, những cá nhân, tổ chức sản xuất, vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn, mất an toàn có tính chất nghiêm trọng thì mức tiền phạt được áp dụng theo quy định luật an toàn thực phẩm. Mức phạt đối với cá nhân bằng 3,5 lần giá trị thực phẩm vi phạm, bằng 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với tổ chức.

Đối với những hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng, Nghị định 178 không quy định mức tiền phạt tối đa mà theo giá trị hàng hóa vi phạm và có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.

Mức phạt này nhằm bảo đảm đủ sức răn đe, buộc người cố tình vi phạm phải chấm dứt vi phạm, thậm chí đóng cửa cơ sở. Trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển cơ quan pháp luật để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự.

So với Nghị định 91 trước đây, Nghị định 178 quy định bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Cụ thể, Chi cục trưởng thuộc các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc các bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương có chức năng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm có quyền xử phạt hành chính.

Nghị định số 178 cũng phân định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cho các chức danh: Chủ tịch UBND các cấp; Công an cấp xã, huyện, tỉnh, đồn Công an, Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất; Trưởng công an cấp xã; đồn Công an; Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất; Trưởng công an cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh. Những người này cũng có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi quy định thuộc địa bàn quản lý.

Nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng trước Tết Nguyên đán 2014, Ban chỉ đạo Quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm đã lập 9 đoàn công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại 18 tỉnh thành. Các đoàn công tác có trách nhiệm kiểm tra việc triển khai Nghị định 178.

Ban chỉ đạo phòng chống hàng giả, hàng nhập lậu cũng lập 7 đoàn công tác kiểm tra ở các cửa khẩu, địa bàn trọng điểm. Cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm tra những mặt hàng thịt, các loại hạt, bánh mứt, nhất là rượu ngoại nhập lậu hoặc pha cồn công nghiệp nguy hiểm dễ gây ngộ độc...

Theo Trí Tín
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG