Dưới đây là tóm tắt các ý chính mà Van Ho đã chia sẻ tại chương trình.
Các dược sĩ tham gia talk show chụp ảnh lưu niệm cùng speaker thạc sĩ Vân Hồ |
Thế nào là một người Sếp tốt?
Có rất nhiều các cụm từ tích cực miêu tả về một người sếp tốt: công tâm, đánh giá đúng năng lực của nhân viên, lời nói đi đôi với việc làm, truyền lửa cho đội ngũ, hết mình hỗ trợ nhân viên, khuyến khích động viên đội nhóm… và trên hết là người sếp biết cách huấn luyện và tạo điều kiện cho nhân viên phát triển.
Làm việc với Sếp tốt có những lợi ích gì?
“Không có nhân viên kém, chỉ có lãnh đạo tồi.” Một khảo sát cho thấy có tỷ lệ khá cao các nhân viên nghỉ việc hoặc có ý định nghỉ việc cho biết họ không phải muốn rời bỏ công ty mà là rời bỏ người lãnh đạo của mình.
Gặp được người sếp tốt giúp nhân viên phát triển và gắn bó lâu dài với tổ chức. Đây không chỉ là mong muốn của cá nhân mà công ty nào cũng muốn có nhiều người sếp như vậy.
Speaker thạc sĩ Vân Hồ - nguyên Giám đốc Sandoz Việt Nam đầu tiên tại Việt Nam |
Thay vì thụ động công ty “đặt đâu, ngồi đấy”, tại sao lại nên “chủ động” tìm sếp tốt?
Đi làm rất hiếm khi chúng ta được chọn sếp mà thường chịu sự phân công của tổ chức. Tổ chức phân công ở đâu thì làm ở đấy. Đây là yếu tố chúng ta không hoặc khó kiểm soát được. Chẳng lẽ cứ hơi một tý lại đổi công ty vì sếp, mà sang công ty mới cũng chắc gì đã khá khẩm hơn, hay lại “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Vậy thì cách tốt nhất là thay đổi, kiểm soát chính suy nghĩ và hành động của mình.
Đằng nào thì cũng phải làm việc với sếp. Mà đã là sếp thì kiểu gì họ cũng phải có những điểm mạnh hơn mình. Vì thế cần tôn trọng sếp, thay đổi mình để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với sếp, để sếp “mở lòng” giúp mình phát triển.
Dược sĩ Lưu Anh, dược sĩ Lê Duy Hưng đại diện Pharma360 tặng hoa cảm ơn Speaker |
Thực hiện BA BƯỚC
1. Chủ động cập nhật tiến trình và báo cáo kết quả công việc cho sếp [sếp nào cũng thích điều này]
Kết quả là quan trọng, và hành trình để đạt được kết quả đó thậm chí còn quan trọng hơn. Sếp sẽ rất vui khi bạn thường xuyên cập nhật những gì đang diễn ra trong công việc.
Để nâng tầm trong việc cập nhật tiến trình, khi gặp vấn đề khó khăn thay vì “đá bóng” sang cho sếp hãy luôn trình bày vấn đề kèm theo đề xuất giải pháp. Điều này cho thấy bạn là một nhân viên có trách nhiệm với công việc của mình, luôn tìm tòi hướng giải quyết chứ không thụ động chờ đợi. Sếp của bạn khi ấy sẽ sẵn lòng góp ý, hướng dẫn giúp đỡ bạn triển khai các giải pháp sao cho hiệu quả. Sếp sẽ có xu hướng muốn chỉ bảo bạn thêm, dạy cho bạn những kỹ năng mới mà bạn thậm chí còn không hề nghĩ tới.
Tuy nhiên, chủ động cũng cần có mức độ, tránh (i) báo cáo vượt cấp [sếp ghét nhất điều này], và (ii) “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường” [mọi vấn đề liên quan đến công việc của bạn thì sếp trực tiếp phải luôn là người được biết đầu tiên].
2. Hiểu phong cách lãnh đạo, hiểu cách làm việc của sếp để giao tiếp với sếp một cách hiệu quả
Nếu sếp bạn là người thích quản lý theo kiểu vi mô, hãy báo cáo tỉ mỉ chi tiết. Ngược lại, nếu sếp là người suy nghĩ và hành động nhanh, khi trình bày nên đi thẳng vào vấn đề chính, tránh lan man rườm rà.
3. Trở thành nhân tố quan trọng trong tổ chức, đơn vị mình
Công ty nào muốn phát triển cũng cần có sự đa dạng trong tổ chức, như bàn tay có ngón dài, ngón ngắn và ngón nào cũng đều cần thiết. Để trở thành nhân tố quan trọng, kết quả công việc của bạn nói lên tất cả. Hãy giúp sếp có thành tích tốt từ những đóng góp của bạn vào thành tích chung. Tất cả các sếp đều cần điều này, và như một hệ quả, bạn giúp sếp toả sáng thì sếp sẽ giúp lại bạn thôi.
Nhà tài trợ talk show: nhãn hàng DuoVital - Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy