Xét xử vụ AVG: Ông Trương Minh Tuấn nói gì về tiền “cảm ơn”

Bị cáo Trương Minh Tuấn được đưa tới tòa
Bị cáo Trương Minh Tuấn được đưa tới tòa
TP - Với vai trò lãnh đạo tại bộ chủ quản và công ty Mobifone, các bị cáo đã quyết định việc “mua đắt” AVG và sau đã nhận được tiền “cảm ơn”. Trong đó, ông Trương Minh Tuấn khai cầm tiền vì ban đầu nghĩ là quà mừng khi lên chức Bộ trưởng.

Ngày 16/12, TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử các bị cáo trong vụ án Tổng Cty viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Cty CP nghe nhìn toàn cầu AVG gây thiệt hại hơn 6.590 tỷ đồng. Theo cáo trạng, từ năm 2015 đến 2016, bị cáo Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chỉ đạo các cấp dưới tại Bộ TT&TT và Mobifone để Mobifone mua 95% cổ phần của AVG với giá hơn 8.445 tỷ đồng. Thương vụ mua bán này trái quy định vì chưa được Thủ tướng phê duyệt chủ trương, chưa thẩm định hiệu quả và chưa định giá AVG một cách chính xác dẫn tới “mua đắt”... Vì vậy, cơ quan truy tố cho rằng ông Son và các bị cáo khác đã gây thiệt hại hơn 6.590 tỷ đồng.

Khi thương vụ thành công, bị cáo Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT AVG đã “cảm ơn” ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn - nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT 200 nghìn USD, Lê Nam Trà - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Mobifone 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải - nguyên Tổng GĐ Mobifone 500 nghìn USD. Năm 2018, Mobifone và bị cáo Phạm Nhật Vũ đã đạt thỏa thuận hủy bỏ việc mua bán. Bị cáo Vũ sau đó đã trả lại cho Mobifone 8.445 tỷ đồng tiền chuyển nhượng cổ phần và hơn 329 tỷ đồng tiền lãi phát sinh, chi phí liên quan việc mua bán.

Tại tòa, luật sư Vũ Xuân Nam đề nghị HĐXX cho giải mật một số tài liệu được đóng dấu “Mật” liên quan vụ án và nếu không, cần xét xử kín khi làm rõ những tài liệu này. Luật sư Nam cũng đề nghị triệu tập đại diện Văn phòng Chính phủ, một nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư... Sau hội ý, chủ tọa cho biết sẽ tiếp tục đề nghị cơ quan chức năng giải mật các tài liệu được đóng dấu “Mật”, “Tuyệt mật” trong vụ án nhưng không thể xét xử kín. Ngoài ra, tòa án sẽ phối hợp với công an nhằm triệu tập những người vắng mặt bao gồm bà Nguyễn Thị Thu Huyền - con gái bị cáo Nguyễn Bắc Son. Lý do, ông Son khai đã đưa cho con gái 3 triệu USD nhận hối lộ nhưng bà Huyền phủ nhận.

Xét xử vụ AVG: Ông Trương Minh Tuấn nói gì về tiền “cảm ơn” ảnh 1 Bị cáo Nguyễn Bắc Son

“Nếu không ký quyết định 236 thì không có quà ấy”

Tại tòa, bị cáo Trương Minh Tuấn khai báo đầu tiên và cho biết, thời điểm phạm tội bản thân đang là Thứ trưởng Bộ TT&TT. Ông Tuấn khẳng định không phụ trách việc Mobifone mua AVG nhưng được giao việc cụ thể mỗi khi Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son duyệt như ký công văn 44 gửi Bộ Công an đưa danh mục dự án vào tài liệu “Mật”, ký báo cáo thẩm định, ký quyết định 236 đồng ý cho Mobifone đầu tư vào AVG...

Ông Tuấn nói: “Trong số 55 văn bản của dự án, tôi ký 5 văn bản trong đó 3 văn bản Bộ trưởng duyệt giao ký, 2 văn bản trình Bộ trưởng xong mới ký. Khi phê duyệt chủ trương mua bán, tôi không được biết... Khi lên làm Bộ trưởng, tôi lấy lại hồ sơ mới biết”. Về việc đồng ý cho Mobifone mua cổ phần AVG, ông Tuấn nói: “Tôi không biết nội dung văn bản 236 trước khi ký. Khi có bút phê của Bộ trưởng và Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, tôi sang gặp Bộ trưởng nói trách nhiệm không phải của tôi nhưng Bộ trưởng có bút phê đồng ý quyết định này, giao đồng chí Tuấn ký... Không thuộc trách nhiệm của tôi nhưng Bộ trưởng giao ký tôi vẫn ký”.

Được hỏi nhận thức hành vi của mình, bị cáo Trương Minh Tuấn khai về thẩm quyền, dự án Mobifone mua AVG có mức đầu tư lớn hơn 5.000 tỷ đồng nên phải được sự đồng ý chủ trương của Thủ tướng Chính phủ nhưng các bị cáo bỏ qua việc xin phép. “Tôi ký 236 mới dẫn tới hệ quả như ngày nay nhưng tôi chỉ biết ký, sau đó thực hiện thế nào tôi không được biết. Tôi tham gia ký các văn bản đều theo chỉ đạo của Bộ trưởng là ông Nguyễn Bắc Son... Tôi nhận trách nhiệm về việc ký văn bản 236. Năm 2018, tôi chỉ đạo Mobifone đàm phán với anh Phạm Nhật Vũ hủy mua bán. Khi anh Vũ trả hết tiền, tôi ký quyết định hủy  quyết định 236”.

Về hành vi nhận hối lộ, bị cáo khai: “Vũ có đến phòng làm việc của tôi chúc mừng tôi trúng cử và chúc Tết. Tới chiều tối, tôi mới mở ra thì thấy 200 nghìn USD... Lúc đó, tôi nghĩ là quà mừng của Phạm Nhật Vũ khi tôi lên Bộ trưởng bởi rất nhiều người tới chúc mừng tôi sau Đại hội. Sau này, tôi nghĩ nếu mình không ký quyết định 236 chắc không có quà đó nên tôi đã chủ động khai báo và nộp lại cho cơ quan điều tra”.

Tuy nhiên, bị cáo Trương Minh Tuấn không đồng tình việc tài liệu vụ án thể hiện bị cáo Son có hứa hẹn khi yêu cầu ký các văn bản liên quan vụ án. “Ông Son không hề hứa hẹn hoặc ép buộc chỉ đạo tôi thực hiện dự án. Lúc làm việc với cơ quan điều tra có thể hiểu lầm hay này khác nhưng hoàn toàn không có việc đó” - ông Trương Minh Tuấn nói.

Tương tự ông Tuấn, các bị cáo Lê Nam Trà, Cao Duy Hải và Phạm Đình Trọng - nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp Bộ TT&TT cũng cho biết đã thực hiện việc mua bán theo chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son. Sau đó, các ông Trà, Hải có cầm tiền “cảm ơn” của Phạm Nhật Vũ.             

Ông Trương Minh Tuấn nói: “Trong số 55 văn bản của dự án, tôi ký 5 văn bản trong đó 3 văn bản Bộ trưởng duyệt giao ký, 2 văn bản trình Bộ trưởng xong mới ký. Khi phê duyệt chủ trương mua bán, tôi không được biết... Khi lên làm Bộ trưởng, tôi lấy lại hồ sơ mới biết”. Về việc đồng ý cho Mobifone mua cổ phần AVG, ông Tuấn nói: “Tôi không biết nội dung văn bản 236 trước khi ký. Khi có bút phê của Bộ trưởng và Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, tôi sang gặp Bộ trưởng nói trách nhiệm không phải của tôi nhưng Bộ trưởng có bút phê đồng ý quyết định này, giao đồng chí Tuấn ký... Không thuộc trách nhiệm của tôi nhưng Bộ trưởng giao ký tôi vẫn ký”.

Trả lại tiền thất thoát vì thương người nghèo

Đây là nội dung được bị cáo Phạm Nhật Vũ - nguyên Chủ tịch AVG trình bày khi được hỏi lý do hoàn lại tiền bán cổ phần AVG cho Mobifone. Được ngồi trình bày và khai báo với chất giọng khàn đặc của người sức khỏe rất yếu, ông cho biết bản thân hiện không còn là cổ đông của AVG. Tuy nhiên, Phạm Nhật Vũ khẳng định đã bỏ “tiền túi” ra trả lại 8.445 tỷ đồng mua bán cổ phần và đưa thêm cho Mobifone 450 tỷ đồng, không phải 329 tỷ đồng như tài liệu vụ án thể hiện.

Được hỏi lý do trả lại tiền, Phạm Nhật Vũ khai: “Bị cáo thề với trời đất không có ý định chiếm đoạt tiền của Nhà nước, của nhân dân nên từ khi có dư luận đã bàn bạc với gia đình để chuẩn bị, việc này diễn ra một năm trước đó (năm 2017 - PV). Bị cáo trả lại để không bị mang tiếng, chứng minh mình không lấy tiền của Nhà nước. Thứ 3, nhiều lúc bị cáo nghĩ tới người nghèo, nếu còn vụ này mà giúp họ, người ta lại nghĩ mình giúp họ có gì khuất tất. Bị cáo cũng nghĩ người liên quan vụ án sẽ được nhẹ trách nhiệm đi nên mới trả lại”.

Phạm Nhật Vũ tiếp tục trình bày: “Thực ra đây là mua bán chứ không phải vay mượn để tính lãi nhưng Mobifone nói trả không tính lãi, phần lãi sẽ là thiệt hại nên bị cáo mới tính. Qua điều tra, bên công an nói chỉ có 115 tỷ đồng tiền lãi thôi nhưng bị cáo trả 200 tỷ đồng vì Mobifone đề nghị... Sau mọi người lại nói còn chi phí khác, thuê nọ thuê kia bị cáo cũng trả hết”. Nguyên Chủ tịch AVG cũng thừa nhận sau thương vụ đã chi hàng triệu USD “cảm ơn” các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Trương Minh Tuấn và Cao Duy Hải.

Thẩm phán Trương Việt Toàn đặt câu hỏi, bán AVG cho Mobifone có lãi không, tiền đưa cho 4 bị cáo trên lấy từ đâu? Phạm Nhật Vũ đáp: “Bị cáo tính phía bên bán chi ra cũng xêm xêm, không lãi. Tiền bị cáo cảm ơn không phải là tiền lãi từ mua bán, là tiền cá nhân mình đã có từ việc làm ăn khác từ xưa tới nay... Bị cáo đưa tiền vì nghĩ đã đạt mục đích khi rời bỏ AVG đi”.

Hôm nay (17/12), tòa tiếp tục làm việc tuy nhiên, bị cáo Phạm Nhật Vũ được phép điều trị tại bệnh viện, không cần có mặt.         

Bà Kolmakova Ekaterina Valerievna (SN 1980) - vợ bị cáo Phạm Nhật Vũ cũng được triệu tập đến tòa trong tư cách người làm chứng. Tại tòa, bà Kolmakova khẳng định nghe và nói rõ được tiếng Việt nên không cần phiên dịch. 

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.