Phượng 'râu' dùng tiền mua chuộc cán bộ để buôn lậu gỗ thế nào?

Phượng “râu” tại phiên xét xử sơ thẩm
Phượng “râu” tại phiên xét xử sơ thẩm
TP - Lợi dụng việc vận chuyển gỗ hợp pháp trục vớt qua đấu giá, Phan Hữu Phượng (tức Phượng “râu”, SN 1968, trú tại thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) dùng nhiều thủ đoạn đưa hàng ngàn mét khối gỗ lậu đi tiêu thụ. Nhiều cán bộ kiểm lâm, công ty lâm nghiệp đã nhận tiền của ông trùm gỗ lậu này.


Ngày 17/9, TAND tỉnh Đắk Nông xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa - Nhận hối lộ”. Ngoài Phượng “râu”, còn có 24 bị cáo khác hầu tòa.

Mua chuộc bằng tiền

Theo cáo trạng, năm 2017, Phan Hữu Phượng và Nguyễn Thanh Kiệt - Giám đốc Cty Thảo Trúc (huyện Cư Jút) trúng đấu giá hơn 640 m3 gỗ các loại từ nhóm II đến nhóm VI do Vườn Quốc gia Yok Đôn trục vớt, với giá hơn 2,4 tỷ đồng. Ngày 29/3/2017, Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn hoàn tất việc đóng dấu đối với toàn bộ số gỗ hợp pháp nói trên. Tuy nhiên, lợi dụng việc vận chuyển gỗ hợp pháp, Phượng và Nguyễn Hoàng Trang (người của Cty Thảo Trúc) đã bàn bạc, lập kế hoạch vận chuyển gần 1.000m3 gỗ bất hợp pháp đưa về “đại bản doanh” ở thị trấn Ea T’Ling để tiêu thụ.

Để đưa gỗ lậu đi qua các trạm kiểm lâm, Phượng và Kiệt đã đưa tiền cho Trang để “bồi dưỡng” Bùi Văn Khang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn. Khang chia cho hai phó hạt trưởng Ninh Văn Vịnh và H’Lan Niê Buôn Dap mỗi người 15 triệu đồng; tổ đóng dấu 20 triệu đồng; Hà Thăng Long - một phó hạt trưởng khác 60 triệu đồng… Riêng Lê Quang Thái - Đội trưởng Đội KLCĐ và PCCCR số 1 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông nhận gần 250 triệu đồng…

Phượng đã chỉ đạo Phan Hữu Quyền (em trai) và Lê Văn Chinh trực tiếp chỉ đạo việc khai thác, mua bán gỗ bất hợp pháp trong khu vực Vườn Quốc gia Yok Đôn. Quá trình vận chuyển, Trang được giao nhiệm vụ mở sổ theo dõi, ghi chép khối lượng, chi phí khai thác, vận chuyển, tiền chung chi cho các cá nhân trong các cơ quan, đơn vị có liên quan, lập các bảng kê lâm sản để Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn xác nhận và áp tải xe vận chuyển gỗ từ Vườn Quốc gia Yok Đôn về huyện Cư Jút…

Ngày 27/4/2018, Bộ Công an và Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp bắt quả tang 2 xe ô tô tải biển số: 61L-3057 và 61C-072.70 đang chở 44,905 m3 gỗ các loại từ nhóm IIA đến nhóm V không có giấy tờ hợp pháp. Từ đó, phanh phui cả đường dây khai thác và buôn bán gỗ trái phép, cùng hành vi đưa-nhận hối lộ.

Tại phiên xét xử, các bị cáo Nguyễn Lợi (cán bộ Cty Đắk Wil) khai đã nhận hối lộ 3 lần, với tổng số tiền 15 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Lợi chia cho một số anh em tại trạm. Bị cáo Nguyễn Tấn Bình (Nguyên Trạm trưởng Trạm Kiểm soát số 10, thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn) thừa nhận nhận tiền của Phượng “râu” hai lần, mỗi lần 5 triệu đồng. Bị cáo Bùi Đăng Hiệp (Trạm trưởng Trạm Kiểm soát số 1, Cty Đắk Wil) khai rằng, cấp dưới của mình là Phạm Văn Hồng có nhận 8 triệu đồng từ đường dây gỗ lậu Phượng “râu” để “bồi dưỡng anh em sinh hoạt ăn uống”.

Chi cục trưởng kiểm lâm nhận 9m3 gỗ lậu

Khoảng tháng 4/2017, Bùi Văn Khang đặt vấn đề với Nguyễn Hoàng Trang để mua 12 lóng gỗ tròn Cà chít (dài khoảng 8m - 9m, đường kính 35 - 40cm) giúp cho bà H’Thi là vợ ông Y Sy H’Đớk- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk làm nhà.

Cuối tháng 4/2017, Phượng nói với Trang và Vũ Trọng Lâm điều khiển xe ô tô cẩu tải BKS 48C - 043.39 chở gần 9m3 gỗ lậu (trị giá hơn 72 triệu đồng) đến nhà để “biếu” ông Y Sy H’Đớk (tại số 119 Buôn Pu, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk). 

Tuy nhiên, “hành vi của bà H’Thi và ông Y Sy nhận gỗ không có giấy tờ kèm theo của Khang cho là vi phạm các quy định về quản lý lâm sản nhưng chưa đến mức phải xử lý bằng pháp luật hình sự”, cáo trạng nêu.

Chiều 18/9, sau khi nghe vị đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với Kiệt (từ 9 đến 11 năm tù); Phượng “râu” (từ 6 đến 8 năm tù)…, nhiều bị cáo đã khóc nghẹn, xin giảm hình phạt để được sớm trở về với gia đình. Ngày 19/9, tòa sẽ tuyên án.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.