'Hiệp sĩ' Bình Dương: 'Quyết chống tội phạm đến cùng'

TPO - Sau sự cố đội hiệp sĩ TP.HCM gặp nạn khi bắt cướp, nhiều người dân lo lắng đó sẽ là nỗi khiếp sợ khiến các đội hiệp sĩ nản chí, chùn bước. Để hiểu hơn về con đường hành hiệp trượng nghĩa của hiệp sĩ, PV Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện với hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải, người nổi tiếng săn bắt cướp ở Bình Dương.

Anh cho biết hiện tại đang hoạt động cho đơn vị nào và đội gồm bao nhiêu người?

Tôi là Nguyễn Thanh Hải, hiện đang là đội trưởng đội phòng chống tội phạm tại tỉnh Bình Dương. Hiện toàn đội có trên 10 thành viên, cộng tác viên đang thường xuyên hoạt động.

Vừa qua, một đội hiệp sĩ tại TP.HCM gặp nạn, theo anh nguyên nhân nào khiến đồng nghiệp rơi vào tình huống trên?

'Hiệp sĩ' Bình Dương: 'Quyết chống tội phạm đến cùng' ảnh 1 Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải (áo trắng) trao đổi với PV Tiền Phong

Ngay sau khi xảy ra vụ việc khiến 5 hiệp sĩ thương vong tại TP.HCM, các anh em đã gọi báo cho hiệp sĩ Bình Dương biết. Khi nhận được tin, vì đồng cảm với đồng nghiệp, chúng tôi đã khẩn trương đến với tâm thế sẵn sàng hỗ trợ những gì có thể. Hiện tại, chúng tôi đang quyên góp tiền để đến hỗ trợ cho anh em hiệp sĩ TP.HCM gặp nạn bởi hầu hết họ đều có hoàn cảnh khó khăn. Theo tôi, đội hiệp sĩ TP.HCM để xảy ra sự cố trên có thể là do chủ quan, thiếu cảnh giác. Có thể hiệp sĩ chỉ nhắm vào 1 đối tượng đang cướp xe để khống chế mà lơ là các đối tượng khác nên bị tấn công bất ngờ.

Trong quá trình hoạt động, hiệp sĩ Bình Dương có được huấn luyện nghiệp vụ hoặc hỗ trợ công cụ để trấn áp tội phạm?

Ở Bình Dương, nhóm hiệp sĩ chúng tôi được sự quan tâm sâu sắc từ phía chính quyền, công an nên hoạt động hiệu quả. Hàng năm, chúng tôi được công an tỉnh bồi dưỡng 2 lần cả về nghiệp vụ bắt cướp, võ thuật vừa được tuyên truyền tính pháp lý nên trong quá trình săn bắt cướp tránh được những tình huống xấu. Tôi khẳng định, từ khi đội hiệp sĩ Bình Dương ra đời đến nay đang hoạt động thượng tôn pháp luật, làm việc vì cái tâm với mục đích duy nhất là bảo vệ an ninh trật tự và tài sản người dân.

'Hiệp sĩ' Bình Dương: 'Quyết chống tội phạm đến cùng' ảnh 2 Anh Hải trong một lần cùng các hiệp sĩ Bình Dương bắt tên cướp giật tài sản người đi đường

Sau vụ việc hiệp sĩ TP.HCM bị cướp sát hại, anh và các thành viên khác trong đội có sợ hãi hoặc có cảm giác chùn bước trước tội phạm có tính chất nguy hiểm không?

Tôi khẳng định chúng tôi không nản chí, chùn bước trước bất kỳ một tội phạm nào. Sau khi biết tin các đồng nghiệp ở TP.HCM gặp nạn khi bắt cướp, anh em chúng tôi càng có quyết tâm hơn. Tâm trạng của chúng tôi là căm thù tội phạm hơn chứ không có chuyện chùn bước, sợ hãi. Các thành viên trong đội sau khi biết tin hiệp sĩ TP.HCM gặp nạn đã nói với tôi rằng xin được thường xuyên tuần tra hơn để loại bỏ loại tội phạm cướp giật. Tôi thấy các hiệp sĩ đều tỏ ra bức xúc và hăng hái hơn chứ không có biểu hiện chùn bước trước tội phạm.

Trong quá trình hoạt động, đội hiệp sĩ Bình Dương gặp phải những khó khăn gì? Anh có thể chia sẻ tình huống nguy hiểm nào khiến anh phải đối mặt và đáng nhớ nhất?

Trong quá trình hoạt động, nhờ có sự quan tâm của chính quyền, công an nên thuận lợi trong công việc. Tuy nhiên, đội hiệp sĩ còn có những khó khăn, đó là hiệp sĩ tay không bắt cướp, không được hỗ trợ công cụ. mặt khác, phương tiện dùng để truy bắt cướp vẫn còn thô sơ của mình. Trải qua chặng đường dài săn bắt cướp, tôi đã gặp nhiều tình huống suýt chết trong gang tấc. Nhiều đối tượng cướp xe máy, vận chuyển ma túy đã dùng mã tấu tấn công khi bị tôi truy đuổi. Thậm chí chúng còn dùng kim tiêm tấn công nhưng tôi đã kịp khống chế. Tôi còn nhớ, một lần đi mua đồ ăn sáng thì phát hiện một đối tượng cướp xe. Lúc đó, tôi truy đuổi vật ngã đối tượng. Tuy nhiên, do chủ quan nên tên cướp đã rút dao trong người đâm trúng lưng tôi. Lúc bấy giờ, dù rất đau đớn nhưng tôi vẫn quyết giữ tên cướp không cho chạy thoát. Khi đó, tôi phải nhập viện nhiều ngày.

Kinh nghiệm truy bắt cướp và có lời khuyên gì cho các đồng nghiệp ở các tỉnh, thành khác để hoạt động tốt hơn, tránh được tình huống xấu xảy ra?

Trải qua nhiều năm săn bắt cướp, bản thân tôi gặp rất nhiều tình huống nguy hiểm nên cũng có đúc kết được nhiều ý tưởng để có hướng xử lý tốt hơn sau này. Bắt nhiều đối tượng phạm tội nên tôi có thể dễ dàng nhận định được những đối tượng khả nghi. Lường trước được tình huống nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi tiếp cận tội phạm nên khi truy đuổi tôi thường gọi nhiều anh em hỗ trợ. Khi đã áp sát được đối tượng, tôi cùng với các hiệp sĩ phải ra tay nhanh, khóa tay, cổ chúng không để tội phạm có cơ hội tấn công lại.

'Hiệp sĩ' Bình Dương: 'Quyết chống tội phạm đến cùng' ảnh 3 Đóng góp của hiệp sĩ được công an ghi nhận

Đặc biệt, khi đã khống chế được đối tượng, chúng tôi lục soát nhanh trong người xem có hung khí nào không để thu giữ, đề phòng tình huống bất ngờ xảy ra. Như vụ hiệp sĩ TP.HCM bị sát hại có thể các anh ấy chủ quan hoặc không dứt khoát trong tình huống áp sát, khống chế đối tượng, để chúng có cơ hội tấn công.

Nguyên nhân nào khiến anh và các hiệp sĩ khác dám liều mình bắt cướp dù không được hưởng lương từ việc làm này?

Nói thật, nếu làm vì lương thì chúng tôi sẽ không làm, bởi khi bắt tội phạm rất nguy hiểm. Chúng tôi hành động vì cái tâm, vì cũng từng là nạn nhân. Khi nghe tin nạn nhân cầu cứu, nói rằng vừa mua trả góp chiếc xe máy nhưng bị mất, tôi thấy rất đồng cảm. Từ đó, tôi dùng hết khả năng để tìm cho bằng được. Khi tìm được tài sản bị mất cho nạn nhân, thấy họ vui, chúng tôi rất vui.

'Hiệp sĩ' Bình Dương: 'Quyết chống tội phạm đến cùng' ảnh 4 "Nếu làm vì lương thì chúng tôi sẽ không làm, bởi khi bắt tội phạm rất nguy hiểm. Chúng tôi hành động vì cái tâm, vì cũng từng là nạn nhân mà ra tay giúp người"- hiệp sĩ Hải chia sẻ

Theo anh, đội hiệp sĩ cần hỗ trợ gì để hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn?

Do nạn nhân ở nhiều khu vực khác đến liên hệ cầu cứu hiệp sĩ Phú Hòa (Bình Dương) nên chúng tôi cần các đơn vị ở địa phương khác hỗ trợ nhiệt tình nhằm giúp đỡ người bị hại tốt hơn nữa. Về tính pháp lý, chúng tôi không thể bắt được tội phạm ở địa bàn khác nên cần công an các địa phương hỗ trợ để giúp chúng tôi hoạt động tốt nhất.

Cảm ơn anh!

MỚI - NÓNG