Ngày 24/9, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cho biết, đang phối hợp với công an các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận triệu tập gần 20 giám đốc công ty con của công ty cổ phần địa ốc Alibaba (công ty Alibaba), xác minh các giao dịch của các công ty này trong thời gian qua.
Theo điều tra, từ năm 2017 đến tháng 5/2019, công ty Alibaba đã thành lập 22 pháp nhân, sử dụng người thân đứng tên đại diện pháp luật để ký nhiều hợp đồng mua các khu đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận.
Sau khi mua đất, công ty Alibaba tự vẽ ra các dự án “ma” với thời gian sử dụng lâu dài và quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội và bán cho khách hàng. Toàn bộ những khu đất này đều chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cấp phép.
Công ty Alibaba còn kinh doanh qua việc thuê lại đất của khách hàng với giá cho thuê cao và một số quyền chọn khác với lãi suất cao. Tuy nhiên, thực chất đây là hình thức kinh doanh đa cấp thông qua các hợp đồng thỏa thuận chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng quyền chọn nhưng không có sản phẩm thực tế, có dấu hiệu của tội trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm các quy định về sử dụng đất.
Trong số gần 20 tổng giám đốc, giám đốc công ty con của công ty Alibaba được triệu tập, Nguyễn Thái Luyện ngoài là chủ tịch HĐQT Alibaba còn đứng tên tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc ALI, trụ sở đặt tại 97 Lý Triệu, An Khê, Thanh Khê, Đà Nẵng. Ngoài Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện đã bị bắt giữ) còn có một người em trai khác của Luyện là Nguyễn Thái Lực. Lực là tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại địa ốc Xanh (BRVT) và Công ty cổ phần Địa ốc Long Thành ALI (Đồng Nai).
Ngoài ra vợ của Luyện là bà Võ Thị Thanh Mai, phụ trách pháp lý tổng công ty và đứng tên tổng giám đốc hai công ty con khác là công ty Cổ phần Alibaba Law Firm và công ty TNHH Xây dựng Maluna (TPHCM).