“Theo tố tụng, khi xét thấy cần thiết, Thủ trưởng điều tra cấp trên có thẩm quyền lấy hồ sơ vụ án lên hoặc do tính chất đặc biệt nào đó sẽ do cơ quan điều tra nhận định, xem xét. Sau đó, nếu Cơ quan ANĐT - Bộ công an xem xét, khởi tố bị can thì vụ việc sẽ do VKSND Tối cao phê chuẩn”, nguồn tin thông tin.
Trước đó, sáng cùng ngày, đại diện Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự, liên quan tới những bất thường trong kỳ thi tốt nghiệp 2018 tỉnh Hòa Bình.
Trong khi đó, chiều 2/8, ông Nguyễn Đức Lương – Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết, thực hiện công văn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hòa Bình tiến hành rà soát lần nữa khâu coi thi, chấm thi.
Ông Lương cho biết, ngày 28/7, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình phát hiện một số dấu hiệu bất thường, thiếu logic trong khâu chấm thi trắc nghiệm. Sở GD&ĐT Hòa Bình nhận định, một số vấn đề này cần phải báo cáo trưởng ban chỉ đạo thi của tỉnh, Bộ GD&ĐT và Công an tỉnh Hòa Bình.
Ngay sau đó, ngày 30/7, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã vào cuộc để xác minh điều tra, làm rõ những dấu hiệu này.
Cơ quan điều tra đã mời 5 cán bộ trong tổ chấm thi trắc nghiệm để xác minh, làm rõ. Trong đó, có ông: Nguyễn Quang Vinh - Trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, là tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm; ông Nguyễn Khắc Tuấn - chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục; ông Đỗ Mạnh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT nội trú huyện Lạc Thủy.
Danh tính hai cán bộ bị cơ quan công an mời lên làm việc còn lại ông Lương từ chối cung cấp.
“Cơ quan công an tỉnh Hòa Bình và Bộ Công an đang xác minh và hiện chưa có kết quả. Sở GD&ĐT đang chờ kết luận của cơ quan công an”, ông Lương nói.
Trước câu hỏi của Tiền Phong: Việc phân công nhiệm vụ tới 5 cán bộ tổ chấm thi chắc nghiệm được Sở GD&ĐT Hòa Bình thành lập, quyết định ra sao? Ông Nguyễn Đức Lương cho biết, Sở có quyết định thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm, giao ông Nguyễn Quang Vinh làm tổ trưởng và toàn quyền quyết định, phân nhiệm vụ tới từng tổ viên. Tuy nhiên, nhiệm vụ cụ thể từng người những khâu nào, ông Lương không trả lời.
Khi phát hiện tổ chấm thi có vấn đề chỉ 2/3 lãnh đạo Sở GD&ĐT ở nhà nên không có giao ban, họp mà chỉ báo cáo tới Bộ GD&ĐT và Công an tỉnh Hòa Bình để vào cuộc.
Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình, những vấn đề được phát hiện liên quan tới việc chấm thi trắc nghiệm, liên quan tới công nghệ thông tin, máy tính. Do không am hiểu nghiệp vụ về công nghệ nên ông không nắm rõ cụ thể vấn đề là gì.
Nghi vấn điểm thi bất thường ở Hòa Bình được đặt ra khi kết quả phân tích điểm thi của tỉnh Hòa Bình cho thấy, với 27 trong tổng số 8.900 thí sinh dự thi môn toán đạt từ 9 điểm trở lên, chiếm 0,3%, Hòa Bình chỉ xếp sau Hà Giang (điểm giả, công bố lần đầu), còn vượt xa các tỉnh khác về tỷ lệ thí sinh đạt mức điểm này. Cụ thể, tỷ lệ này của Hòa Bình cao gấp 5 lần tỷ lệ chung của cả nước (là 0,06%), gấp 3 lần ở Hà Nội (là 0,1%), gấp hơn 7 lần ở TP.HCM (là 0,04%) và Nam Định.
Nếu xét điểm thi theo khối chính (A00, A01, B00, C00, C03, D01), trong 324 thí sinh cả nước được tổng điểm 27, Hà Giang có 67, Sơn La 26, Hòa Bình 22 em.
Ở tổ hợp C03 (Toán, Ngữ văn, Lịch sử), cả nước có 10 thí sinh được 27 điểm trở lên, Hòa Bình có 2 thí sinh.