Bị phạt tù, nguyên phó Thống đốc nói ‘không biết oan hay không’

Nguyên phó Thống đốc Đặng Thanh Bình tại tòa chiều nay. Ảnh: Tân Châu
Nguyên phó Thống đốc Đặng Thanh Bình tại tòa chiều nay. Ảnh: Tân Châu
TPO - Kháng cáo bản án sơ thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đặng Thanh Bình nói rằng: "Tôi không biết kêu oan hay không, bản án sơ thẩm quá nghiêm khắc"

Chiều nay (5/12), phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại TPHCM, xử vụ “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tổ giám sát NHNN đặt tại Ngân hàng Đại Tín (Trustbank, sau là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam VNCB và nay là CB) theo kháng cáo của 5 bị cáo, trong đó có kháng cáo của ông Đặng Thanh Bình, sang phần xét hỏi.

Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), ông Đặng Thanh Bình nói rằng sau nhận được bản án, ông nhận thấy nội dung bản án sơ thẩm chưa đúng nên kháng án. Khi HĐXX hỏi ông Bình là bản án sơ thẩm xử ông có oan không, ông Bình trả lời là: “Tôi không biết kêu oan hay không, trong đơn kháng cáo tôi đã nêu một số chứng cứ để đánh giá trách nhiệm của tôi. Tôi có thiếu sót nhưng thiếu sót đó cần xem xét, bản án sơ thẩm quá nghiêm khắc”.

Ông Đặng Thanh Bình cũng trình bày về hành vi ‘bút phê’ của mình vào các tờ trình. Theo ông Bình là ông có bút phê rất rõ ràng, nhưng tài liệu ban hành công khai ‘hình như thiếu một phần bút phê của tôi’ – Ông Bình nói tại tòa.

Theo cựu phó Thống đốc, tại bút phê vào tờ trình 1340 ông phê rằng: “Áp dụng như ngân hàng thành lập mới” – ý nghĩa lời phê này, ông Bình giải thích rằng, khi thành lập mới không sử dụng vốn vay – NHNN có 30 ngày xác minh tiền vay hay cổ đông. Về bút phê tiếp theo có nội dung: “Việc kiểm tra vốn góp sẽ được kiểm tra sau này” – theo ông Bình, vì chỉ có quy định cổ đông chịu trách nhiệm về vốn mà không có quy định khác, nên ông phê như vậy nhằm để xem xét ‘hậu kiểm’ sao cho làm đúng với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là các nhà đầu tư phải có năng lực tài chính… Trình bày tới đây, ông Bình nói mình đã cố gắng làm hết trách nhiệm của mình.

Bị phạt tù, nguyên phó Thống đốc nói ‘không biết oan hay không’ ảnh 1 5 bị cáo tại tòa. Ảnh: Tân Châu

Trả lời HĐXX, bị cáo Hà Tấn Phước (nguyên Tổ trưởng tổ giám sát, phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Long An – bị án sơ thẩm tuyên phạt 2 năm tù) nói rằng trình tự bản chất vụ việc sai phạm nêu trong bản án sơ thẩm là đúng, tuy nhiên có những  nhận định đánh giá HĐXX chưa đề cập.

Các bị cáo Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra NHNN Chi nhánh tỉnh Long An – bị án sơ thẩm tuyên 2 năm 6 tháng tù); Phạm Thế Tuân (nguyên tổ phó Tổ giám sát, nguyên Phó Giám đốc VietcomBank Chi nhánh TPHCM, án sơ thẩm tuyên 1 năm tù) và Ngô Văn Thanh, nguyên Phó phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ VietcomBank, thành viên Tổ giám sát, án sơ thẩm tuyên 1 năm 6 tháng tù) - cũng thừa nhận nội dung bản án sơ thẩm và đồng xin cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo.

Bản án sơ thẩm quy buộc ông Bình với tư cách người được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, vụ Pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo đề án của Chính phủ, trong đó có VNCB. Ông Bình đã ký tờ trình gửi Chính phủ về phương án tái cơ cấu VNCB và đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương. Theo phương án tái cơ cấu và chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện) sang cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (do ông Phạm Công Danh làm đại diện) thì VNCB được xếp loại ngân hàng yếu kém và cần thiết phải có cơ chế giám sát đặc biệt, mọi giao dịch trên 5 tỷ đồng phải có sự đồng ý của tổ giám sát.

 Ông Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh, tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và nắm giữ ngân hàng, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội, VNCB vào năm 2014 vốn chủ sở hữu âm hơn 18.000 tỷ đồng, nợ phải trả là hơn 38.000 tỷ đồng.

 Theo án sơ thẩm thì hậu quả này có trách nhiệm của ông Bình và 4 bị cáo trong vụ án. Việc không xem xét dân sự cả 5 bị cáo vì ông Phạm Công Danh đã ‘gánh’ khi các cấp tòa đã tuyên buộc ông Danh phải chịu trách nhiệm phần thiệt hại rồi.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.