Pháp bất vị thân

Pháp bất vị thân
TP - Nước Pháp trong những ngày cuối năm 2011 đã chứng kiến một sự việc chưa từng có tiền lệ. Lần đầu tiên một cựu tổng thống bị đưa ra xét xử và kết án.

Cựu tổng thống Pháp bị kết án

Theo cáo trạng của một tòa án ở Pháp, cựu Tổng thống Jacques Chirac bị kết án 2 năm tù treo vì tội dàn dựng lập những hợp đồng lao động “ma”, dùng tiền của Tòa thị chính Paris mà ông làm thị trưởng trong thời gian từ năm 1977-1995 (trước khi đắc cử tổng thống) để trả cho các nhân viên làm việc cho chiến dịch tranh cử của mình. Tổng số tiền bị ông Chirac chiếm dụng lên tới 1,8 triệu USD.

Nắm giữ cương vị tổng thống Pháp từ năm 1995-1997, ông Chirac là một trong những vị tổng thống được lòng dân nhất trong lịch sử nước Pháp. Từ những ngày đầu dấn thân vào chính trường, ông đã nhanh chóng tạo dựng được uy tín của mình với hình ảnh một chính trị gia xuất sắc và nhiệt huyết. Người dân Pháp ghi nhận 12 năm cầm quyền của ông đã để lại nhiều dấu ấn lớn với nhiều thành công về mặt kinh tế và chính trị. Chính vì vậy, mặc dù đã rời nhiệm sở khá lâu nhưng sức ảnh hưởng của ông đối với đất nước vẫn còn rất lớn. Thậm chí, theo báo chí Pháp, sự yêu mến của công chúng dành cho ông sau khi rời nhiệm sở còn tăng lên kể cả khi một vụ bê bối liên quan đến các quan hệ cá nhân của ông bị phanh phui.

Trở lại với vụ việc xảy ra thời ông làm thị trưởng Paris. Văn phòng của ông Chirac đã bác bỏ hoàn toàn các lời buộc tội song lại nói rằng sẽ không kháng cáo. Ông không ra hầu tòa vì lý do sức khỏe. Dù không xuất hiện trong vai trò bị cáo song hình ảnh vị tổng thống tài hoa này trong lòng người dân Pháp đã bị sứt mẻ ít nhiều. Sau khi phiên tòa kết thúc, con gái nuôi của ông Chirac đã thừa nhận lời kết án đối với cựu tổng thống là nỗi đau lớn của gia đình. Những ngày về hưu yên bình của ông đã không còn trọn vẹn.

Đối với những nhà hoạt động chống tham nhũng, bản án đối với ông Chirac đã là chiến thắng của công lý. Họ cho rằng tòa án đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến giới hoạt động chính trị. Pháp bất vị thân. Tất cả những người phạm tội, dù là dân thường hay tổng thống, sớm hay muộn đều sẽ bị luật pháp sẽ xét xử. Đó là bằng chứng của của một quốc gia dân chủ và có hệ thống pháp lý minh bạch.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG