TPO- Các tổ hợp pháo binh chiến trường Việt Nam hoàn toàn có khả năng ngăn chặn và đánh thiệt hại nặng, bẻ gãy mọi cuộc tấn công quy mô lớn bằng tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới hạng nặng của đối phương.
Bước vào thế kỷ 21, các cường quốc quân sự trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước nằm trong khối quân sự NATO đều phát triển mạnh các loại vũ khí tiến công tiên tiến.
Hiện nay trên đất liền, lực lượng tấn công đột phá chủ lực vẫn là xe tăng, xe thiết giáp. Nga có khoảng 22.800 xe tăng các loại có thể sử dụng, trong đó có 6.500 xe tăng từ T-72M đến T-80, T-90S đang nằm trong biên chế sẵn sàng chiến đấu, xe tăng hạng nhẹ lội nước loại PT-76 là 150 chiếc, xe bộ binh cơ giới bánh xích các loại như BMP, BMD có khoảng 15.000 chiếc (6.000 chiếc trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu), xe bộ binh cơ giới hạng nhẹ có khoảng 9.900 chiếc trong đó có khoảng 6.400 chiếc đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu). Hỏa lực pháo binh đi cùng như pháo binh tự hành cũng có số lượng rất lớn.
Mỹ sở hữu hơn 6.300 xe tăng M1 Abrams trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, xe bộ binh cơ giới Bradley là 6.724 chiếc, xe bộ binh M113 là 6.000 xe, xe trinh sát hỏa lực Stryker là 4.187 chiếc , thiết giáp hạng nhẹ lưỡng cư LAV-25 khoảng 1.500 xe, Xe đổ bộ lưỡng cư AAV-7A1 khoảng 1.311 chiếc.
Trung Quốc có khoảng 9.800 xe tăng; trong đó có 5.000 xe tăng T54/59, 2.400 xe tăng lội nước PT-76, 1.200 xe tăng T62/63, 800 xe tăng chủ lực T72, loại xe tăng mới ZTZ: 1.500 Type 96 và 500 Type 99. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có 5500 xe bộ binh chiến đấu bánh xích và bánh hơi. Quân đội Trung Quốc cũng sở hữu một số lượng rất lớn các loại pháo tự hành SU 80, 100, 130 mm và 152 mm.
Trong chiến tranh xung đột cường độ cao như các cuộc chiến tranh hiện đại gần đây, đặc biệt là các cuộc tấn công vào Afghanistan trong chiến dịch Tự do bền vững, cuộc tấn công vào Iraq mang tên Tự do cho Iraq và cuộc chiến trang Nam Ossetia cho thấy, tất cả các nước khi tham gia tấn công đều sử dụng một số lượng rất lớn các loại xe tăng, xe bọc thép kết hợp với hỏa lực dữ dội từ nhiều vùng không gian chiến trường trên không, trên biển. Các cuộc tập trận của các nước, gần đây nhất như cuộc tập trận của Nga tháng 7.2013 có sự tham gia đến 1.000 xe tăng chiến đấu.
Như vậy có thể thấy trong các cuộc xung đột cường độ cao thông thường có sự tham gia của các loại vũ khí chính xác nhằm tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng các loại vũ khí phương tiện chiến tranh của đối phương. Vấn đề giải quyết chiến trường thông thường được giao cho lực lượng tăng thiết giáp hiện đại, bộ binh cơ giới và đổ bộ đường không bằng các phương tiện vận tải (máy bay trực thăng, máy bay vận tải đổ bộ). Cuộc chiến tranh được coi là thành công hay gây tranh cãi về kết quả của nó phụ thuộc vào sự hiện diện và khả năng giải quyết chiến trường của tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới.
Các cường quốc quân sự đều cố gắng phát triển những chiếc xe tăng hiện đại nhất, với giáp thép bảo vệ dày, vũ khí hạng nặng, các trang thiết bị thân xe hiện đại và có khả năng chống lại mọi đòn tấn công của vũ khí diệt tăng như các loại tên lửa chống tăng có điều khiển và súng phóng lựu chống tăng, pháo diệt tăng, mìn chống tăng các cỡ. Các đơn vị xe tăng thường được yểm trợ bởi một lực lượng hùng hậu máy bay trực thăng chiến đấu, xe bộ binh cơ giới và xe hỏa lực đi cùng nhằm quét sạch các hỏa điểm phục kích diệt tăng trên đường đi của nó.
Các xe tăng như M1A1 Abraham, T-90S hoặc T-80 cải tiến sâu, Type -99, Merkava đều được trang bị giáp phản ứng nổ và bổ sung thêm là hệ thống đánh chặn chủ động nhằm vô hiệu hóa mọi đòn tấn công từ mọi phía của các phương tiện diệt tăng. Với phương án tấn công với số lượng lớn xe tăng (cấp lữ đoàn hoặc sư đoàn) lên đến 300 – 400 xe trên một hướng tấn công chính với sự phối hợp mạnh mẽ và chi viện hỏa lực của các phương tiện chiến đấu mặt đất hoặc trên không, khả năng ngăn chặn một cuộc tấn công dường như là không thể.
Điểm yếu của hàng 'khủng'
Sự phát triển của vũ khí chính xác, trong đó có đạn có điều khiển, những kết quả của nó trong các cuộc chiến cường độ thấp, đã dẫn đến tình trạng coi thường các loại đạn pháo không điều khiển thông thường. Chính vì vậy, trong các nguyên mẫu của các loại xe tăng hiện đại, hầu như không nghiên cứu khả năng bị chính các loại đạn pháo thông thường tấn công.
Các đơn vị xe tăng, xe thiết giáp và bộ binh cơ giới khi tiến hành đột phá các tuyến phòng ngự, đặc biệt là phòng ngự biên giới, nơi các khu vực phòng thủ đã chuẩn bị trước một cách chắc chắn các trận địa đa dạng phương tiện hỏa lực, đa tầm của các loại vũ khí phòng ngự, trong đó có các trận địa của pháo binh chiến trường, ngay cả trong điều kiện sử dụng vũ khí thông thường – các loại pháo binh có từ những năm 1950 của thế kỷ trước hoàn toàn có đủ khả năng chặn đứng và tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng các tập đoàn tăng thiết giáp hùng mạnh bằng cách đánh sở trường, phát huy tối đa sức mạnh của pháo binh chiến trường với ứng dụng của công nghệ trinh sát, truyền thông kết hợp giữa tương đối hiện đại và hiện đại.
Trên các khu vực địa hình có giới chật hẹp như các thành phố thị trấn, các khu vực thung lũng hoặc đường hành tiến giữa địa hình phức tạp, xe tăng, xe bộ binh chiến đấu hiện đại rất dễ dàng trở thành mục tiêu của các cụm pháo binh tầm xa các cỡ nòng trong các đòn tấn công, phản kích với hỏa lực tập trung, mật độ lớn và dày đặc trên một diện tích hẹp. Trong những trường hợp như vậy, thực tế sẽ là một thảm họa cho tăng thiết giáp hiện đại, khi những phương tiện hiện đại này không còn khả năng cơ động, không có khả năng khai hỏa hoặc thông tin liên lạc trong một khu vực diện tích chiến trường hẹp.
Pháo binh chiến trường như các loại pháo nòng dài cỡ 122mm, 130mm, 152 mm, các tổ hợp pháo phản lực BM – 21, khi được trang bị các loại đạn hỗn hợp đa năng, trong đó có đạn có điều khiển, đạn nổ thông thường. Kết hợp với các phương tiện trinh sát hiện đại như các đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu dẫn bắn quang hồng ngoại, laser, quang điện tử, âm thanh, các máy bay UAV trinh sát không người lái và có một trận địa bố trí hỏa lực rộng khắp, bí mật và có khả năng tập trung hỏa lực và cơ động hỏa lực cao hoàn toàn có thể chặn đứng một cuộc tấn công của các sư đoàn bộ binh cơ giới hạng nặng và tăng thiết giáp. Không những thế, còn có thể đánh thiệt hại nặng binh lực và sinh lực đối phương, dành thắng lợi trong chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc.
Đánh giá thực tế về hiệu quả của pháo binh nói chung và đạn pháo thông thường nói riêng, là một yếu tố quan trọng của việc lên kế hoạch và triển khai các hoạt động chiến đấu. Số lượng và các chủng loại pháo binh chiến trường, các loại đạn sử dụng và tiêu chuẩn tiêu hao, thời gian thực hiện nhiệm vụ chiến đấu – các chỉ số này có ý nghĩa rất lớn hình thành cơ cấu biên chế tổ chức và quân số của lực lượng bộ binh, xe tăng, các đơn vị công binh tham gia chiến đấu để thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật và chiến dịch. Những tham số về khả năng của pháo binh chiến trường ảnh hưởng đến năng lực chiến đấu của các đơn vị binh chủng hợp thành.
Hoàn toàn không có gì bí mật trong giai đoạn hiện nay, các nhiệm vụ chiến đấu đều được hoàn thành bởi hỏa lực pháo binh-tên lửa kết hợp với lực lượng trinh sát pháo binh chiến trường, hỏa lực pháo binh chiến trường và hỏa khí đi cùng đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu các ổ hỏa lực của bộ binh và hỏa điểm của hỏa khí địch ngay cả trong trường hợp hỏa lực của địch ẩn nấp trong các công sự vững chắc, kiên cố hoặc trong các khu nhà chung cư kiên cố của thành phố.
Kinh nghiệm của quân đội Nga trong các chiến dịch tiêu diệt các lực lượng phiến quân Chechnya giai đoạn 1999 – 2000 cho thấy, các cụm binh lực binh chủng hợp thành lần đầu tiên áp dụng phương pháp tấn công tiêu diệt địch tầm xa bằng hỏa lực pháo binh theo nguyên tắc “trinh sát – hỏa lực” . Nghĩa là các lực lượng bộ binh cơ giới và tăng thiết giáp không tiến hành các cuộc chiến đấu tiếp cận đội phương. Các mục tiêu bị phát hiện đều phải bị tiêu diệt bằng hỏa lực pháo binh, tên lửa và không quân, chứ không phải bằng các lực lượng bộ binh và tăng thiết giáp trong các đơn vị binh chủng hợp thành. Quân đội Nga đã tổ chức và tiến hành các trận tập kích hỏa lực quy mô lớn bằng những phương tiện tác chiến đa tầm của tập đoàn quân, với những đòn tấn công hỏa lực quyết liệt và mang tính hủy diệt đã bẻ gãy ý chí và tinh thần của các lực lượng phiến quân cũng như khả năng chiến đấu. Chính giải pháp đó đã giảm đi rất nhiều lần tổn thất về binh lực, sinh lực của các đơn vị binh chủng hợp thành, tăng thiết giáp và lực lượng đổ bộ so với các cuộc chiến đã tiến hành trước đây.
Trong các cuộc chiến tranh nửa cuối thế kỷ 20 đã có rất nhiều lần các đòn tấn công của pháo binh tầm xa chiến trường từ các trận địa được ngụy trang kín đáo đã thành công trong việc đánh chặn những đợt tấn công đột phá tuyến phòng ngự của tăng – thiết giáp đối phương. Cho đến ngày nay, nếu nghiên cứu tiến trình phát triển của tăng – thiết giáp, khả năng phòng thủ bảo vệ và lớp giáp (giáp phản ứng nổ chủ động, giáp tổng hợp….thậm chí cả các hệ thống phòng thủ tích cực ) cũng không tăng thêm được khả năng tự bảo vệ của tăng thiết giáp trước những đòn tấn công hỏa lực quy mô lớn, có độ chính xác cao của pháo binh chiến trường có cỡ nòng lớn.
Những vấn đề này đã được minh chứng bằng các cuộc chiến tranh có sử dụng rộng rãi pháo binh và tăng thiết giáp. Đó là các cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel, Iraq-Iran, Ethiopia-Somalia, Angola. Các trang thiết bị lắp đặt phía bên ngoài của tăng thiết giáp hoàn toàn không thể bảo vệ được trước những đòn tấn công hủy diệt của các đầu đạn cỡ nòng lớn của pháo binh chiến trường. Ngoài ra trong giai đoạn hiện nay, sức công phá của các loại đạn pháo cũng tăng cường rõ rệt, cỡ đạn phổ biến hiện nay của các nước trong khối quân sự NATO là 155 mm, ở Nga và các nước nhập khẩu vũ khí từ Nga, cỡ đạn tiêu chuẩn cơ bản của pháo binh chiến trường cũng là 152 mm.
'Gót chân Asin' và lối đánh Việt Nam
Trong thời gian còn tồn tại sự đối đầu giữa Liên Xô và NATO, các hai bên đều tiến hành các nghiên cứu kỹ lưỡng sử dụng pháo binh trong các mô hình chiến đấu và tác chiến với nhiều loại mục tiêu khác nhau. Có một sự khác biệt thú vị giữa các tiêu chuẩn xác định số lượng đạn cụ thể cho một loại mục tiêu. Các chuẩn NATO và SSSR hoàn toàn gần như trùng khớp với nhau đối với các mục tiêu không giáp bảo vệ như (bộ binh, các công trình hậu phương chiến trường, các đoàn xe vận tải, radars ….) nhưng lại khác nhau rất nhiều đối với các mục tiêu tăng thiết giáp – đặc biệt là xe tăng. Ví dụ như tiêu chí tiêu hao đạn 152 mm nổ phá – mảnh để vô hiệu hóa xe (BTR và BMP) n là 2,8 lần nhỏ hơn so với tiêu chí tiêu hao đạn 155 mm nổ phá – mảnh của NATO.
Người Mỹ đã tập trung nghiên cứu nguyên nhân khiến các tiêu chí tiêu hao đạn lại khác nhau đến thế và phát hiện một điều. Khái niệm chế áp xe thiết giáp được hiểu là gây ra sự cố phá hoại, hỏng hóc khiến cho phương tiện chiến đấu không thể thực hiện được nhiệm vụ tác chiến được giao. Cũng theo tiêu chí này, tiêu hao đạn pháo để chế áp xe tăng cũng chỉ hơn tiêu chí tiêu hao đạn pháo cho xe bộ binh cơ giới không nhiều. Các tiêu chí chế áp của người Mỹ được xây dựng dựa trên mô hình phá hoại và hỏng hóc, thu thập trong các thử nghiệm vào năm 1972 với yêu cầu để chế áp được xe tăng, thiết giáp là phải bắn trúng mục tiêu (đạn trúng xe đối phương) điều đó làm tăng cơ số đạn tiêu hao lên nhiều lần, đồng thời chính bản thân các tiêu chí hỏng hóc cũng khác nhau. Tiêu chí được sử dụng trong lực lượng vũ trang Xô Viết chỉ có hai: Gây hỏng hóc không thể hoàn thành được nhiệm vụ và phá hủy hoàn toàn. Trong quân đội Mỹ và Anh sử dụng một số các tỷ lệ hỏng hóc và phụ thuộc vào số lượng thời gian cần có để phục hồi năng lực tác chiến của phương tiện: dưới 30 phút, từ 30 phút đến 1h , lớn hơn 1h...
Vào năm 1988 bộ tư lệnh lực lượng pháo binh chiến trường Mỹ quyết định xem xét lại các tiêu chuẩn phá hủy hoặc vô hiệu hóa các mục tiêu tăng thiết giáp và tiến hành hành loạt những thử nghiệm, một phần các thử nghiệm đó được thực hiện theo tiêu chí của hồng quân Xô Viết. Kết quả của những thử nghiệm đó được xác định là tiêu chuẩn và được sử dụng trong các cuộc chiến tranh cho đến tận ngày nay.
Thử nghiệm thứ nhất được thực hiện với khẩu đội pháo 155mm SAU M109 theo tiêu chuẩn điều hành hỏa lực và tiêu hao đạn pháo tương tự như 152 mm. Các mục tiêu được sử dụng là hình mannikin (người giả - bộ binh), các xe vận tải quân sự Mỹ, xe bộ binh cơ giới М113, xe chỉ huy và tham mưu tác chiến М577, xe tăng М48. Bắn vào các mục tiêu đã nêu được tiến hành liên tiếp 3 loạt đạn dồn dập với số lượng là 56 đạn nổ phá mảnh thông thường với với các loại kíp nổ va chạm và kíp nổ phi tiếp xúc với tỉ lệ (50:50). Tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu bộ binh và xe vận tải quân sự rất gần so với tiêu chuẩn cũ của quân đội Mỹ nhưng tỷ lệ phá hủy và vô hiệu hóa tăng thiết giáp cao hơn nhiều, đạt đến 67%.
Mặc dù không xác định được một phát bắn nào đánh trúng mục tiêu xe tăng hoặc thiết giáp, nhưng mảnh của đạn pháo 155 mm gây hư hại nặng nề cho xe tăng và thiết giáp: xuyên phá qua các lớp giáp mỏng, phá hủy và gây cháy nổ trang thiết bị bên trong thân xe, sát thương kíp lái, phá hủy hoặc gây hư hại nặng băng xích, kính ngắm và các thiết bị quan sát, một xe bộ binh cơ giới M113 đã bốc cháy. Những thử nghiệm nói trên đã hoàn toàn khẳng định sự đúng đắn của các tiêu chuẩn pháo binh Liên Xô, nhưng quan trọng hơn, nó xác định điểm yếu của tăng thiết giáp trước pháo binh tầm xa bắn từ các trận địa pháo bắn gián tiếp.
Xe chỉ huy thiết giáp bị hủy hoại bởi các mảnh đạn pháo 155mm.
Vị trí các mảnh đạn pháo gây hỏng hóc các trang thiết bị ngoài thân xe. |
Lần thử nghiệm thứ hai tiếp theo kéo dài 7 tháng và đặt mục tiêu nghiên cứu tính chất cũng như khả năng phá hủy của đạn pháo 155 mm khi bắn trúng các loại xe tăng, xe thiết giáp.
Trong quá trình nghiên cứu, Mỹ đã đi đến kết luận rằng hiệu quả cao nhất của đạn pháo nổ phá mảnh là các vụ nổ trên không (với các kíp nổ phi tiếp xúc). Mảnh đạn pháo chắc chắn sẽ phá hủy theo tiêu chí chế áp và vô hiệu hóa hoàn toàn các loại xe tăng và xe thiết giáp. Mảnh đạn gây hư hại nghiêm trọng nòng pháo, phá hủy hầu hết các bộ khí tài, trang thiết bị bên ngoài thân xe, gây hư hại nặng cho các thiết bị như kính ngắm và kính quan sát quang học, phá hủy hệ thống làm mát động cơ, phá hủy các thành phần của hệ thống chuyển động.
Xe tăng "Centurion" bị thiệt hại nặng nề khi đạn pháo 155 mm nổ gần.
Đạn pháo 155 mm phá hủy hoàn toàn xích và các thiết bị bên ngoài thân xe. |
Giai đoạn thử nghiệm thứ ba được coi là giai đoạn thử nghiệm lớn nhất, các chuyên gia người Mỹ đã tiến hành xây dựng một trận địa phòng ngự vững chắc tăng cường do một trung đội bộ binh cơ giới hạng nặng, được bố trí trong các công sự tiêu chuẩn và hào giao thông, các xe tăng, xe bộ binh cơ giới hỏa khí đi cùng được nằm trong các công sự che chắn vững chắc. Để đảm bảo 50% tiêu diệt mục tiêu trong trận địa phòng ngự vững chắc, tiểu đoàn lựu pháo 155 mm (24 khẩu pháo) đã bắn 2.600 quả đạn nổ phá mảnh với các kíp nổ tiếp xúc và phi tiếp xúc. Thực tế đã tiêu diệt và phá hủy hoàn toàn trận địa theo đúng như các tiêu chuẩn đã đặt ra của quân đội Xô Viết.
Một điều đặc biệt làm người Mỹ vô cùng ngạc nhiên là một nửa số xe tăng và xe bọc thép nằm trong các công sự kiên cố không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ do bị hư hỏng và phá hủy nhiều trang thiết bị do những yếu tố phá hoại khác nhau của đạn pháo. Các tính toán và thống kê không đề cập đến các hiệu ứng như chớp lửa đạn pháo, khói, bụi, phá hoại độ chính xác của kính ngắm do sai lệch đường ngắm, những chấn động tâm lý và tinh thần cũng như sự suy giảm các giác quan và sự thuần thục của các kíp xe dưới ảnh hưởng của sóng xung kích và âm thanh dữ dội của tiếng nổ.
Những nghiên cứu tính năng kỹ chiến thuật của pháo binh trong điều kiện tác chiến cụ thể được tiến hành thường xuyên. Vào cuối những năm 1970, quân khu vùng Baltic-Liên Xô đã tiến hành cuộc diễn tập sử dụng hoàn toàn một cơ số đạn theo biên chế của cụm pháo binh chiến trường cấp sư đoàn, được sự yểm trợ và chi viện hỏa lực của không quân tập đoàn quân và không quân chiến trường tiến hành bắn chuẩn bị cho tấn công, bắn chi viện cuộc tấn công và yểm trở thọc sâu vào tuyến phòng ngự theo dự kiến của một lữ đoàn bộ binh cơ giới hạng nặng thê đội I của trận địa phòng ngự một sư đoàn bộ binh cơ giới của Mỹ.
Trong biên chế của cụm pháo binh chiến trường cấp sư đoàn có các tiểu đoàn pháo xe kéo và pháo tự hành SAU (D-30, 2S1, 2S3, 2S5), MLRS (BM-21 và 9P140). Súng cối hạng nặng 2B11. Đạn sử dụng là loại đạn nổ phá mảnh với các kíp nổ khác nhau (nổ phá – nổ phá mảnh, nổ phá định hướng, kíp nổ phi tiếp xúc), các loại đạn chứa đầu đạn nổ sát thương thứ cấp (đạn cassets). Kết quả cho thấy, các trận địa chốt của các trung đội trên thê đội bị phá hủy và tiêu diệt hoàn toàn. Cấp độ phá hủy các chốt phòng ngự cấp trung đội ở thê đội II là 90%, chốt phòng ngự đại đội của thê đội II cấp tiểu đoàn là – 70%. Mục tiêu được sử dụng là các mục tiêu tiêu chuẩn theo điều lệnh kỹ chiến thuật pháo binh chiến trường, trong đó các bia mục tiêu 3D giả định tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới. Tổng số đợt diễn tập có nhiều nghìn bia thử nghiệm được bố trí trên toàn bộ chiều sâu và bình diện của trận địa phòng ngự cấp sư đoàn bộ binh cơ giới hạng nặng cho đến tận trạm điều hành hậu cần kỹ thuật trong tuyến phòng ngự cấp sư đoàn.
Với các điểm chốt cấp trung đội của hệ thống phòng thủ mỗi khẩu pháo hạng nặng cơ 152 mm cần bắn 4 viên đạn pháo cho đến khi xe tăng, thiết giáp tấn công tiến đến tuyến an toàn hỏa lực. Khi xe tăng, thiết giáp và bộ binh cơ giới đã vượt tuyến an toàn hỏa lực pháo binh chuyển sang bắn đạn casset cho đến khi tăng, thiết giáp tiến đến tuyến thực hiện nhiệm vụ thứ nhất. Kết quả sát thương, phá hủy của chế độ bắn dọn đường đáp ứng những tiêu chuẩn tiêu diệt mục tiêu theo từng chủng loại. Từ đó đưa các chuẩn tiêu diệt mục tiêu và số lượng đạn tiêu hao vào điều lệnh tác chiến của lực lượng pháo binh chiến trường.
Từ những kinh nghiệm thực tế chiến đấu, có thể đưa ra những kết luận về vấn đề sử dụng pháo binh chống tăng, thiết giáp trong điều kiện chiến trường Việt Nam:
• Khi đầu đạn 155/152-mm bắn trúng mục tiêu ở phần trên thân xe và tháp pháo sẽ tiêu diệt bất cứ một loại tăng thiết giáp nào. Nếu đầu đạn nổ phá mảnh nổ trong bán kính 30 m so với mục tiêu có khả năng gây sự cố hỏng hóc cho xe tăng, thiết giáp và tạm thời không có khả năng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
• Các loại xe tăng, thiết giáp hiện đại đều có thể bị loại khỏi vòng chiến đấu, gây hỏng hóc hoặc mất khả năng hoàn thành nhiệm vụ ngay cả khi đang ở trong trận địa phòng ngự kiên cố, đặc biệt là các loại đạn nổ trên không và đạn nổ tiếp xúc.
Trong các cuộc xung đột vũ trang có cường độ cao và cường độ trung bình, với quan điểm đánh nhanh, rộng, quy mô lớn với sự tham gia của các quân binh chủng chủ lực, lực lượng tấn công sẽ sử dụng số lượng lớn tăng thiết giáp hiện đại làm nhiệm vụ chủ công, đột phá bình diện trận địa phòng ngự và tấn công vào sâu trong tuyến phòng thủ nhằm mở rộng kết quả chiến đấu, đồng thời bao vây chia cắt, phá hủy và tiêu diệt binh lực trên các trận địa phòng ngự. Lực lượng pháo binh chiến trường khi tác chiến ngăn chặn địch, để tiêu diệt và vô hiệu hóa lực lượng tăng thiết giáp cần thiết phải triển khai hỏa lực ngăn chặn tăng thiết giáp khi đối phương bắt đầu tiến đến tuyến triển khai lực lượng tấn công, tập trung mạnh nhất ở khu vực cửa mở đột phá tuyến phòng ngự, trên các tuyến đường hành tiến vào sâu trong khu vực phòng thủ và nơi quân địch co cụm, chuẩn bị chuyển sang phòng ngự tạm thời.
Hỏa lực tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa khả năng chiến đấu của tăng thiết giáp phải tiến hành dồn dập trên quy mô lớn trong khu vực tập trung với nhiều loại đạn pháo điều khiển chính xác và đạn pháo nổ phá thông thường. Để thực hiện tốt nhiệm vụ vô hiệu hóa lực lương tăng thiết giáp bằng pháo binh chiến trường, cần sử dụng năng động, hiệu quả mô hình “trinh sát – hỏa lực – cơ động” với sự tham gia của các phương tiện tác chiến điện tử hiện đại như các hệ thống chỉ huy, điều hành tác chiến, các hệ thống phương tiện trinh sát, chỉ thị mục tiêu và dẫn bắn hiện đại như trinh sát âm thanh, trinh sát quang – điện tử và trinh sát radars.
Trong điều kiện phải tác chiến với lực lượng quân sự có ứng dụng công nghệ quốc phòng hiện đại và các phương tiện chiến đấu hiện đại, có khả năng bảo vệ tốt cả về thiết giáp lẫn khả năng TCĐT. Đòn tấn công hỏa lực tiêu diệt tăng thiết giáp phải được tiến hành với số lượng lớn, độ chính xác rất cao (ngay từ loạt đạn đầu tiên) và đa dạng các loại thiết bị gây nổ (tiếp xúc, phi tiếp xúc…), những trang thiết bị dẫn bắn, chỉ thị mục tiêu hiện đại đồng thời phải kết hợp với việc sử dụng các loại đạn có điều khiển và không điều khiển.
Xe bộ binh cơ giới bị phá hủy khi đạn trúng thân xe.
Đòn tấn công hỏa lực của pháo binh chiến trường đặc biệt nguy hiểm đối với các xe bọc thép hạng nhẹ như BTR, BMP, BMD và các loại xe chiến đấu được thiết kế dựa trên các thân xe đó. Thông thường các xe bọc thép hạng nhẹ khi trúng đạn pháo hạng nặng ngay cả trong trường hợp nổ gần, nổ trên không đều dẫn đến phá hủy toàn xe không thể sửa chữa và tiêu diệt toàn bộ lực lượng lính đổ bộ có trên xe.
Các xe tăng và xe bộ binh chiến đấu có thể chịu đựng được đòn tập kích mạnh của pháo binh chiến trường, đặc biệt khi đang nằm trong các trận địa phòng ngự, nhưng xu hướng các trang thiết bị nằm ngoài bị phá hủy là hoàn toàn không tránh khỏi (các hộp giáp phản ứng nổ, các thùng nhiên liệu ngoài, phụ tùng trang bị, khí tài ngoài xe như kính ngắm, kính quan sát, ăn ten, đèn hồng ngoại, các đường ống dẫn dầu, hệ thống làm mát, các loại vũ khí lắp đặt ngoài thân xe như tên lửa chống tăng, súng máy phòng không, những vụ nổ gần có thể dẫn đến hư hỏng hoàn toàn nòng pháo xe tăng hoặc pháo tự hành.
Những điểm yếu trên xe BMPT có thể bị mảnh đạn pháo phá hủy.
Những điểm yếu trên xe tăng có thể bị mảnh đạn pháo phá hủy hoàn toàn. |
Những đòn tấn công dồn dập của pháo binh các cỡ nòng, đặc biệt là pháo nòng dài, pháo phản lực với các loại đầu đạn có các phương pháp kích nổ như: nổ trên không, nổ phi tiếp xúc với các loại đạn cassets với các thành phần sát thương, phá hoại khác nhau theo các phương án hỏa lực theo hành lang ngăn chặn, hỏa lực cơ động theo chiều sâu gây nhiều tổn thất cho tăng thiết giáp hạng nặng và hạng trung. Một điều đáng ngạc nhiên là các xe tăng càng hiện đại như M1A1 Abraham hoặc T-90S hay Type 99 đều có những đặc điểm kỹ chiến thuật rất yếu trước những đòn tấn công dồn dập của pháo binh tầm xa gián tiếp. Những thử nghiệm của các nhà khoa học quân sự Xô Viết trước đây tiến hành trên các mẫu xe hiện đại đều cho thấy, các xe tăng cải tiến sâu lớp T-72M hoặc T-80 đều mất khả năng chiến đấu trong trường hợp nằm trong khu vực hỏa lực dồn dập của các loại đạn casset của pháo binh chiến trường
Khả năng tiêu diệt và vô hiệu hóa tăng thiết giáp của đối phương bằng hỏa lực tập trung của pháo binh chiến trường được xác định bằng tính chất mục tiêu, mật độ hỏa lực trên 1 km2, số lượng pháo binh và súng cối, số lượng đạn cần bắn và thời gian cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ. Trong điều kiện đối phương với lực lượng hùng hậu tăng, thiết giáp, có sự tham gia của các phương tiện tác chiến hiện đại như pháo binh – tên lửa, máy bay chiến đấu các loại. yếu tố bí mật bất ngờ của trận địa hỏa lực, số lượng vũ khí trang bị cần triển khai và khoảng thời gian thực hiện nhiệm vụ tấn công hỏa lực đóng vai trò quyết định hiệu quả tác chiến của pháo binh chiến trường.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là các loại đạn pháo được sử dụng nhằm tấn công các mục tiêu tăng thiết giáp. Để đạt hiệu quả cao nhất, các loại đạn pháo được sử dụng cần bao gồm các loại đạn điều khiển có độ chính xác cao, các loại đạn nổ phá mảnh thông thường, các loại đạn có bộ phận kích nổ trên không, chạm nổ và nổ phi tiếp xúc, các loại đạn casset. Thời gian tiến hành tập kích hỏa lực phụ thuộc vào số lượng mục tiêu trên một đơn vị diện tích, số lượng các loại hỏa lực nhằm đạt được mật độ đầu đạn trên diện tích đó nhằm chế áp, tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa hoàn toàn số lượng mục tiêu.
Xe tăng bị phá hủy hoàn toàn khi trúng đạn pháo 155 mm.
Các nghiên cứu thử nghiệm được thực hiện bởi các cường quốc quân sự như Nga, Mỹ, có số lượng vũ khí hạng năng tương đối lớn, hỏa lực pháo binh chiến trường cơ bản là pháo 155/152mm. Chuyên gia quân sự Mỹ đánh giá khả năng phá hủy mục tiêu của đạn pháo 152 mm Liên Xô tương đương với đạn pháo 155 mm của Mỹ. Theo kết quả thực nghiệm, thì các mảnh đạn của đạn pháo 155 mm có khả năng xuyên phá một lớp thép dày từ 20 – 25 mm. Loại đạn nổ phá thông thường của pháo 152 mm là đạn nổ phá mảnh 3OF25 "Grif." Trọng lượng 43,56 kg, trong đó có 6,8 kg thuốc nổ loại A-IX-2 (hỗn hợp nhôm và geksogen). Vỏ đạn được làm bằng thép C-60, khi phá nổ hình thành khoảng 1.600 mảnh đạn.
Đạn pháo thông thường 152 mm nổ phá mảnh. |
Từ những nghiên cứu cụ thể về khả năng sử dụng pháo binh chiến trường hỏa lực gián tiếp ngăn chặn và tấn công tiêu diệt các tập đoàn tăng thiết giáp, bộ binh cơ giới hạng nặng của cả hai cường quốc Nga và Mỹ, có thể thấy:
Hỏa lực của pháo binh chiến trường, trong điều kiện có hệ thống phòng thủ được chuẩn bị kỹ lưỡng, bí mật và làm tốt công tác ngụy trang, nghi binh bảo vệ lực lượng, cũng như phương án bố trí hợp lý, năng động sáng tạo, theo nguyên tắc đã có từ chiến dịch Điện Biên Phủ “Hỏa lực tập trung, hỏa khí phân tán” với mô hình tác chiến “ trinh sát – hỏa lực – cơ động” các tổ hợp pháo binh chiến trường Việt Nam hoàn toàn có khả năng ngăn chặn và đánh thiệt hại nặng, bẻ gãy mọi cuộc tấn công quy mô lớn tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới hạng nặng của đối phương.
Cần tập trung phát triển hệ thống các phương tiện trinh sát hiện đại, chỉ thị mục tiêu, dẫn bắn cũng như các phương tiện thông tin liên lạc trong điều kiện phức tạp của chiến trường, khi đối phương tiến hành chiến tranh công nghệ cao và chiến tranh điện tử với quy mô lớn.
Lực lượng pháo binh chiến trường ngoài việc hoàn thiện khả năng chiến đấu, giải quyết các bài toán chiến thuật phức tạp trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao với việc địch sử dụng tăng thiết giáp với số lượng lớn kết hợp với VKCX và không quân chiến trường cần phải hoàn thiện khả năng đánh trúng và tiêu diệt đối phương ngay từ viên đạn, loạt đạn đầu tiên. Đồng thời phải có khả năng cơ động rất cao tránh bị tấn công bởi các loại VKCX và bị vô hiệu hóa bởi các loại vũ khí TCĐT.
Trong tương lai gần, cần nghiên cứu và phát triển các loại đạn có điều khiển, dẫn bắn bằng các phương tiện hiện đại như laser, radar mặt đất hoặc quang hồng ngoại. Cũng cần phát triển các loại đạn pháo thông thường có sức hủy diệt lớn như đạn pháo casset với các thành phần sát thương thứ cấp nhằm tăng khả năng phá hủy hoặc vô hiệu hóa các phương tiện tăng – thiết giáp đối phương.
Với ý chí quyết thắng, trí tuệ sáng tạo, tinh thần chiến đấu quả cảm và quyết tâm bảo vệ tổ quốc, pháo binh Việt Nam luôn sẵn sàng đánh thắng chiến tranh tăng thiết giáp hiện đại trong mọi tình huống khi kẻ thù manh động xâm phạm bờ cõi thiêng liêng.
Trịnh Thái Bằng