Phán quyết của toà về quyền lợi nhà đầu tư trong vụ cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phiên xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán”, xảy ra tại Tập đoàn FLC vừa khép lại, ngoài án phạt tù với 50 bị cáo, HĐXX cũng phán quyết về quyền lợi của nhà đầu tư (là bị hại hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan).

Nhà đầu tư được bồi thường khoản nâng khống

Theo nhận định của tòa, hơn 25.800 nhà đầu tư là những người bỏ tiền mua cổ phiếu ROS mà không biết ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm dùng thủ đoạn gian dối nâng khống giá trị để chiếm đoạt tiền của mình.

Hành vi phạm tội của ông Quyết và đồng phạm đã hoàn thành ngay sau khi chiếm chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng. Do đó, hơn 25.800 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS bán ra lần đầu được xác định là bị hại là có căn cứ.

Phán quyết của toà về quyền lợi nhà đầu tư trong vụ cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết ảnh 1

Nhóm bị cáo tại tòa.

Ngoài ra, tòa cũng xác định có hơn 63.000 nhà đầu tư đang còn sở hữu cổ phiếu ROS, các nhà đầu tư này không mua trực tiếp của phiếu của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bán ra đợt đầu, không bị các bị cáo lừa trực tiếp nên không được xác định là bị hại. Tuy nhiên, họ là những người đang sở hữu cổ phiếu ROS bị nâng khống giá trị nên cần đưa vào vụ án với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để xem xét bảo đảm quyền lợi.

Khi tuyên án phần dân sự, HĐXX cho rằng để đảm bảo công bằng, ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm phải bồi thường cho nhà đầu tư số tiền bị chiếm đoạt trên giá trị nâng khống của mỗi cổ phiếu đã bán, tương ứng khối lượng cổ phiếu các bị hại còn đang nắm giữ.

Cụ thể, HĐXX xác định trong 5 lần tăng vốn khống của Công ty Faros có 1.197 tỷ đồng là vốn góp thực và hơn 3.100 tỷ đồng là vốn góp khống. Với khối lượng 430 triệu cổ phiếu đã phát hành theo vốn điều lệ gần 4.300 tỷ đồng (trong đó giá trị nâng khống là 3.100 tỷ). Như vậy mỗi cổ phiếu ROS được niêm yết phát hành có 72,15% nâng khống.

Theo HĐXX, với giá cổ phiếu ROS được chào bán trên thị trường thời điểm đó là 10.000 đồng. Điều này tương đương trên mỗi cổ phiếu các bị cáo bán cho bị hại mua đầu tiên đã nâng khống 7.215 đồng, các bị cáo sẽ phải đền bù 7.215 đồng này cho mỗi cổ phiếu bán cho bị hại, nhân với khối lượng cổ phiếu bị hại đang sở hữu.

Với hơn 63.000 nhà đầu tư được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, HĐXX cho rằng số tiền tăng vốn lần 6 và lần 7 có tổng vốn điều lệ 5.675 tỷ đồng (trong đó, số vốn có thật của Faros là 2.573 tỷ đồng, vốn khống là hơn 3.100 tỷ đồng). Như vậy, tỷ lệ vốn khống trên tổng vốn điều lệ là 54,66%. Quy ra trong mỗi cổ phiếu ROS mệnh giá 10.000 đồng sẽ có 5.466 đồng là vốn khống.

Các bị cáo phải bồi thường phần giá trị nâng khống 5.466 đồng cho người liên quan.

Trường hợp bị hại và người liên quan nếu chưa có yêu cầu bồi thường trong vụ án này, HĐXX dành quyền khởi kiện cho họ khi có yêu cầu.

Phán quyết của toà về quyền lợi nhà đầu tư trong vụ cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết ảnh 2

Toàn cảnh buổi tuyên án.

Sung công Nhà nước gần 700 tỷ đồng thu lợi bất chính

Ở hành vi thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, phía Tòa án cho hay, Bộ Tài chính kết luận chưa có căn cứ xác định thiệt hại cho các nhà đầu tư với 5 mã nêu trên... bởi các mã cổ phiếu giao dịch trong thời gian dài không thể xác định nhà đầu tư đã bán cổ phiếu cho ai và mua cổ phiếu của ai.

Trong khi đó, kết luận giám định cho biết, trong giai đoạn nhóm ông Quyết thao túng thị trường chứng khoán, có nhà đầu tư giao dịch có lãi, có người lỗ nhưng giá trị cổ phiếu thua lỗ do nhiều nguyên nhân như: Thị trường; thao túng giá; yếu tố chủ quan của bản thân nhà đầu tư.

Từ những phân tích trên, HĐXX kết luận không có căn cứ xác định yêu cầu bồi thường của nhà đầu tư về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán" của nhóm ông Quyết.

Tuy nhiên, HĐXX vẫn buộc ba anh em ruột ông Quyết phải nộp số tiền hưởng lợi bất chính tổng 684 tỷ đồng để sung công quỹ. Các nhà đầu tư muốn bồi thường có thể khởi kiện dân sự.

MỚI - NÓNG