Phẫn nộ thịt heo “ngậm” thuốc an thần

Người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là thịt heo chích thuốc và heo thường Ảnh: L.N
Người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là thịt heo chích thuốc và heo thường Ảnh: L.N
TP - Sau heo “ăn” chất tạo nạc từ người chăn nuôi, đến lượt heo được người giết mổ chích cả thuốc an thần để cho thịt đẹp và dai hơn.

> Thịt bẩn, xử lý không xuể

Đầu độc heo

Khi Tổ kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh TPHCM ập vào cơ sở mổ heo lậu của ông Bùi Anh Hiến, 31 tuổi, ở C5A/30U tổ 5, ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, phát hiện 2 con heo đang được giết mổ không đảm bảo vệ sinh, không nguồn gốc rõ ràng.

Không chỉ phát hiện heo lậu, tổ kiểm tra còn thu được 19 lọ thuốc an thần có tên Prozil, trong đó 16 lọ đã sử dụng, 3 lọ đang sử dụng và 1 ống xi lanh nhựa đang đựng thuốc an thần.

Chín con heo đang nhốt trong chuồng tại cơ sở này trong tình trạng lừ đừ sau khi được chích thuốc. Ông Hiến thừa nhận, số heo này vừa được tiêm loại thuốc Prozil để sáng hôm sau đưa ra mổ.

Không chỉ ở Bình Chánh, lò mổ heo lậu của ông Dũng ở ấp Đông, xã Thơi Tam Thôn, huyện Hóc Môn vừa bị lực lượng chức năng phát hiện đang chích thuốc an thần Prozil cho heo.

Ông Dũng, làm nghề mổ lợn từ 3 năm nay thừa nhận thường xuyên chích thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ để thịt đỏ tươi. Vì nhu cầu của các thương lái muốn thịt heo tươi đẹp, dẻo dai và bắt mắt để dễ bán nên ông Dũng phải chích.

Khi được hỏi chuyện chích thuốc an thần cho heo, ông Hoàng N., chủ trang trại heo trên 500 con ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai cho biết, chỉ chích thuốc mỗi lần heo xuất chuồng.

“Trước mỗi lần xuất chuồng, lái heo thường yêu cầu mình chích thuốc an thần để heo ngủ li bì dễ bề vận chuyển”- ông N. nói.

Một chủ trang trại nuôi heo khác ở phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai nói: “Heo được chích loại thuốc này trước ngày giết thịt không chỉ giúp thịt luôn tươi, dẻo, đỏ mà còn tăng trọng lượng cho heo do chúng ít vận động”.

Nhiều thương lái cho biết, miếng thịt heo ra tới chợ, heo ít nhất được chích 2 lần thuốc an thần. “Một lần trước, lúc vận chuyển để heo ngủ li bì. Sau khi về lò giết mổ, nó được chích tiếp để màu thịt đỏ tự nhiên hơn chứ không phải đỏ đậm như heo dùng chất tạo nạc”- một thương lái bật mí.

Theo các thương lái, vì lợi nhuận, không ít người nuôi thúc heo mau lớn bằng chất tăng trọng bị cấm sử dụng như salbutamol, clenbuterol. “Nhiều nơi họ còn dùng loại thuốc tích nước có gốc corticoid, dexamethason cho heo uống để mau lớn, tăng cân”- ông Hoàng N. nói.

Nguy hiểm

Tại các cửa hàng bán thuốc thú y, loại thuốc an thần prozil fort được bán tràn lan với công dụng ghi rõ: Tác động lên hệ thần kinh trung ương, chống co giật do động kinh, an thần và giảm đau cho gia súc.

Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được ngành thú y chỉ định dùng cho các trường hợp heo nái quậy phá trong khi sinh, heo nái đẻ cắn con hoặc heo bị mẩn ngứa, dị ứng…

Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, ngoài chức năng chống động kinh và giảm đau trong mổ cho động vật, thuốc này lại có tác dụng phụ làm cho thịt heo hồng tươi và dẻo dai nên đây là lý do khiến nhiều lò mổ sử dụng bừa bãi, sai chỉ định.

“Bất cứ là thuốc gì, khi tiêm cho heo thì ít nhất 14 ngày heo mới loại thải hết. Theo quy định, sau thời gian này heo mới được giết mổ”- ông Thảo nói. Theo ông Thảo, khi chích kháng sinh hay prozil cho heo, nếu dư lượng thuốc chưa được cơ thể heo đào thải hết, sẽ xâm nhập vào cơ thể người khi họ ăn thịt này.

Một bác sĩ chuyên về nội thần kinh của BV Nguyễn Tri Phương TPHCM, cho biết một số bệnh nhân là người già có bệnh liên quan đến thần kinh cũng được chỉ định dùng thuốc này. Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc liên quan an thần đều phải có chỉ định của bác sĩ.

Nói về việc dùng thuốc an thần này để tiêm cho lợn, bác sĩ này cho biết: “Chắc chắn sẽ tác động đến sức khỏe nếu người tiêu dùng ăn thịt có tồn dư thuốc”. “Nếu ăn phải thịt heo được tiêm thuốc an thần dễ gây rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến tim mạch, run chân tay, thay đổi huyết áp, nhức đầu và chóng mặt”- bác sĩ này nói.

Theo bác sĩ Trần Văn Ký- Văn phòng phía Nam của Hội khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm VN thì nếu người tiêu dùng liên tục ăn thịt heo có chứa thuốc an thần, ngày ngày tích tụ trong người sẽ gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật như ung thư xương, tác hại đến thần kinh gây ra các hội chứng đãng trí, trầm uất và run tay chân.

Ông Nguyễn Công Trí- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, do các loại thuốc thú y được bày bán công khai và mua dễ dàng mà không có sự kiểm soát nào nên người chăn nuôi lạm dụng.

“Vì lợi trước mắt mà họ bỏ qua sức khỏe người tiêu dùng. Chúng tôi phản đối cách làm ăn này”- ông Trí nói.

Phân biệt thịt heo “thuốc” và heo thường

Theo thạc sĩ Lê Thị Thu Hà- Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam thì người tiêu dùng có thể nhận biết được thịt có chứa thuốc an thần khi nhìn thấy miếng thịt này có màu thịt đỏ tươi như thịt bò, miếng thịt ướt, khi chế biến thịt tiết ra nhiều nước. Còn thịt có chất tạo nạc thì miếng thịt đỏ sậm, nạc gần như dính vào da, khi sờ lên bề mặt có cảm giác như ứ nước bên trong, trên da có thể xuất hiện đốm đỏ. Còn bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai- Phó chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM cho biết, nên chọn mua miếng thịt có màu hồng, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều… vì đây là thịt an toàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.