Mong một giấc mơ

Phận mồ côi

Phận mồ côi
TP - Cha mẹ bỏ ta mà đi. Không gục ngã. Đâu đó, những phận mồ côi vẫn vươn lên mạnh mẽ bằng nghị lực, trong những góc khuất của cuộc đời…

11 giờ 30 trưa, Nguyễn Thị Nga, học sinh lớp 11A6 trường THPT Ngô Gia Tự, Từ Sơn, Bắc Ninh lủi thủi bước vào nhà, im lặng ngồi một góc. “Sao lạ quá, mọi ngày nó vẫn tươi tỉnh, cười nói cơ mà” - Hai ông bà nội tự hỏi.

Nga có khuôn mặt cương nghị, nghiêm khắc duy chỉ đôi mắt buồn không thể giấu, lặng lẽ mở trang sách học trò. Bên trong là hai bức di ảnh của cha mẹ đang mỉm cười nhìn đứa con tội nghiệp.

Bất ngờ cô bé bật khóc: “Bố mẹ ơi sao con lại mồ côi”.

Mong một giấc mơ

Đứa cháu nội nức nở, hai ông bà nội cũng rân rấn nước mắt dỗ dành: “Đừng khóc nữa con! Gắng lên”. Thì ra, trên đường đi học về, một người ác khẩu làm em tủi thân. Nghe ông bà nội nói, như nhớ ra việc gì, Nga bỗng đứng dậy. Nga chạy xuống bếp, thổi lửa nấu bữa cơm trưa cho ông bà nội. Trong làn khói mù mịt vì củi ướt, Nga nhớ lại những kí ức nhỏ nhoi về cha mẹ của mình...

“Mẹ mất lúc em mới ba tháng tuổi. Chỉ nghe ông bà nội nói mẹ rất giống em”- Nga nói. “Mẹ nó bị bệnh tim. Sau một cơn đau co thắt là đi ngay. Trước khi mất, mẹ nó chỉ kịp nhìn đứa con đỏ hỏn đang oa oa khóc, mắt lạc đi, không nói gì được nữa. Mẹ mất thì bố cũng đang nằm viện, cả nhà phải giấu. Gần một tháng sau, đến lúc xuất viện mới biết vợ bỏ lại mình và đứa con thơ”- ông bà nội của Nga kể. Bố bế con đi khắp xóm làng xin sữa.

“Lúc đó em mới học lớp 1 theo ông bà nội đi sắm Tết. Đi chợ về thấy nhiều người tập trung ở nhà mình thì thấy lạ quá. Bố lại bỏ em đi vĩnh viễn”- Nga nhớ như in đó là ba mươi tháng chạp cách đây vừa tròn mười cái Tết. Thương con trai, con dâu bạc mệnh, thương cháu mồ côi lúc quá nhỏ, bà nội Nga khóc đến lòa cả hai mắt.

“Từ ngày cha mẹ mất, em chỉ mong được gặp cha mẹ một lần dù trong giấc mơ. Đã có lần trong giấc mơ thoáng thấy bố nhưng chỉ giây lát. Những lúc như thế em không sao ngủ được nữa. Chưa bao giờ em có một ước mơ ấy một cách trọn vẹn”- Nga nói.

Nương tựa vào nhau

Ngôi nhà mà Nga và ông bà nội ở không biết có nên gọi là nhà. Nó được làm từ bảy mươi năm trước, ẩm, thấp và tối. Tường có chỗ được ghép bằng gỗ đã mục, có chỗ là gạch xây lở loét. Phía trên nóc nhà nhiều mảnh nilon căng ra chống dột lúc trời mưa.

“Chắc chắn lúc sinh con ra bố mẹ đã hy vọng rất nhiều con sẽ trở thành một đứa con ngoan, một người có ích phải không? Nhưng sao bố mẹ bỏ con đi sớm thế? Chẳng lẽ con sinh ra đã có số phận mồ côi? Không, con không tin vào số phận. Con cũng sẽ không tuyệt vọng. Không còn bố mẹ nữa con càng phải cố gắng để học thành người. Hãy tin ở con bố mẹ nhé” - Nguyễn Thị Nga, lớp 11A6 Trường THPT Ngô Gia Tự (Bắc Ninh).

Trong căn nhà ấy, tròn mười năm nay, từ lúc Nga mất cả cha lẫn mẹ, Nga và ông bà nội nương tựa vào nhau sống qua ngày. Ông nội Nga 83 tuổi, bệnh khớp triền miên bước đi cũng khó. Bà nội Nga 80, sống trong cảnh mù loà nhiều năm nay. “Nó lại trở thành chỗ dựa cho cả hai chúng tôi khi tuổi còn quá nhỏ. Hai thân già sẽ không biết ra sao nếu thiếu nó”- bà nội Nga nói.

Từ việc vặt trong nhà, lo bữa ăn giấc ngủ cho ông bà nội đến việc cấy hái hơn ba sào ruộng - nguồn thu chính của gia đình đều do Nga gánh vác. Nguồn thu ấy quá hạn hẹp, ngay từ năm lớp 5, Nga đã đi học nghề mộc làm thêm sau những giờ học cho xưởng gỗ cạnh nhà.

“Có những lúc bào gỗ, bàn tay tóe máu nhưng không thể không làm” - Nga vừa nói vừa rụt rè đưa bàn tay ngắn, đầy vết chai và vết khứa ngang dọc lòng bàn tay. Mỗi ngày, Nga có thêm 15.000 đồng để nuôi sống mình, ông bà nội và trang trải học hành.

“Đi học về là lao vào làm việc chẳng có lúc nào nguôi tay. Dù khó khăn nhưng chưa bao giờ thấy ngôi nhà có tiếng mắng cháu của ông bà nội hay tiếng cháu cãi ông bà” - Cô Nguyễn Vân Thi, hàng xóm của Nga cho biết.

Góc sáng nhất của ngôi nhà, ngay dưới bàn thờ cha mẹ Nga được ông bà nội dành cho cháu làm góc học tập. Trên chiếc bàn gỗ ọp ẹp mà ông nội Nga tiết kiệm hàng tháng trời mua với giá 22.000 đồng từ năm năm trước được Nga sắp xếp gọn gàng làm bàn học.

Cuốn vở học trò được Nga giữ như báu vật, bọc trong nilon cùng với xấp giấy khen đặt dưới ngăn bàn. Trong cuốn vở là hai di ảnh của cha mẹ Nga. Phía dưới có những dòng chữ nắn nót, tròn trịa chép lại bài hát: Tôi ơi đừng tuyệt vọng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Xứng đáng với lời hứa ấy, liên tục chín năm liền Nga là học sinh xuất sắc của trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tam Sơn. Nga thi vào trường THPT Ngô Gia Tự với 28,5 điểm, một trong những học sinh đầu vào cao nhất. Cũng năm lớp 10 và học kì I lớp 11, Nga đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

“Nhận lớp, tôi chú ý đến Nga vì em có vẻ già trước tuổi và đôi mắt lúc nào cũng buồn, học hết sức nghiêm túc và hầu như rất ít cười. Hỏi mới biết em mồ côi cả cha lẫn mẹ, khó khăn chồng chất mà học vẫn khá mới thấy em nghị lực” - Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, chủ nhiệm lớp của Nga nói.

Một hàng xóm của Nga nói: “Con bé làm quần quật cả ngày mà hôm nào cũng thấy bàn học của nó sáng đèn đến tận khuya”. “Hy vọng em sẽ tiếp tục được học, được làm bác sĩ. Nhưng em đi học ai sẽ lo cho ông bà nội?”- Nga tâm sự. 

>> Kỳ sau: Nương tựa bóng già

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.