Quốc kỳ của các thành viên NATO trước trụ sở tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: CNN) |
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vấn đề đưa hai nước Bắc Âu này vào NATO đã được bàn tới trong cuộc họp giữa các ngoại trưởng NATO vào tuần trước, với sự tham dự của cả Thuỵ Điển và Phần Lan.
Một trong những yêu cầu chủ chốt của Nga khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine là NATO phải dừng mở rộng về phía đông và kết nạp thêm thành viên mới, cáo buộc liên minh này đe doạ an ninh của Nga. Ngược lại, NATO tăng cường ủng hộ Ukraine và đang chuẩn bị đón thêm thành viên mới.
Dư luận ở cả Thuỵ Điển và Phần Lan về việc tham gia NATO đã thay đổi đáng kể sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Một cựu thủ tướng Phần Lan nói với CNN rằng bước đi này “liên quan khá chặt chẽ với sự kiện 24/2”.
Ngày 8/4, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết quốc hội nước này dự kiến sẽ bàn về việc tham gia NATO trong vài tuần tới, và bà hy vọng việc bàn bạc sẽ kết thúc “vào giữa mùa hè năm nay”.
“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có những cuộc thảo luận thận trọng, nhưng chúng tôi sẽ không tốn thời gian cho tiến trình này, vì tình hình đang rất nghiêm trọng”, bà Marin nói.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn SVT vào cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Thuỵ Điển Magdalena Andersson không loại trừ khả năng trở thành thành viên NATO.
Thuỵ Điển đang đánh giá lại chính sách an ninh. Quy trình này dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 5, sau đó chính phủ sẽ thông báo quan điểm của họ, một quan chức Thuỵ Điển nói với CNN.
Đại sứ Phần Lan tại Mỹ Mikko Hautala nói rằng hai nước đang phối hợp chặt chẽ với nhau, nhưng mỗi bên sẽ ra quyết định độc lập.
Ngày 7/4, Điện Kremlin tuyên bố họ sẽ phải “tái cân bằng tình hình” nếu Thuỵ Điển và Phần Lan gia nhập NATO.
“Chúng tôi sẽ phải khiến sườn phía tây trở nên phức tạp hơn để đảm bảo an ninh của chúng tôi”, phát ngôn viên Dmitry Peskov nói với Sky News.
Phần Lan hứng 2 vụ tấn công mạng và cáo buộc một máy bay Nga xâm phạm không phận trong ngày 7/4. Hai quốc gia này có chung đường biên giới dài gần 1.300km.