Phân hiệu tại Thanh Hóa sớm trở thành Trường Y trực thuộc ĐH Y Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khóa 1 ngành Bác sĩ Y khoa của Phân hiệu Thanh Hóa, Trường Đại học Y Hà Nội đã chính thức bế giảng. Khóa học này có thể nói là “vạn sự khởi đầu nan” đối với sinh viên và Nhà trường.

Theo PGS. TS Phạm Thị Lan, Phó giám đốc Phân hiệu Trường ĐH Y Hà Nội tại Thanh Hóa, Phân hiệu được thành lập năm 2014 nhưng 2 năm sau mới tuyển sinh khóa đầu tiên.

Phân hiệu tại Thanh Hóa sớm trở thành Trường Y trực thuộc ĐH Y Hà Nội ảnh 1

Ảnh:NH

Vạn sự khởi đầu nan

Năm 2016, Phân hiệu tuyển sinh khóa 1 với 120 thí sinh trúng tuyển ngành Y khoa, mức điểm chuẩn là 24 điểm (điểm chuẩn ngành này tại cơ sở trường chính năm đó là 27 điểm). Nhưng chỉ có 78 thí sinh nhập học.

Vì nhiều lý do khác nhau, sau 6 năm đến lễ bế giảng năm nay có 73 tân bác sĩ tốt nghiệp.

Trong 6 năm qua, khoảng cách điểm chuẩn tại Phân hiệu với cơ sở chính giảm dần. Năm 2021, với mức điểm chuẩn ngành Y đa khoa là 27,75 (cơ sở chính là 28,85), Phân hiệu Thanh Hóa trở thành một trong những cơ sở có điểm chuẩn chuyên ngành Y đa khoa cao thứ 4 cả nước (sau cơ sở chính Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y dược TPHCM và khoa Y dược ĐH Quốc gia Hà Nội).

PGS Phạm Thị Lan chia sẻ, thời kỳ đầu, Phân hiệu thiếu thốn trang thiết bị, đại đa số bộ môn phải mang thiết bị từ cơ sở chính hoặc mượn của trường CĐ Y của tỉnh để giảng dạy. Nhưng dần dần, với sự đầu tư cơ sở vật chất của UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện sinh viên được học tập trong điều kiện thuận lợi, có đầy đủ mô hình, phòng thực tập, thực hành tiền lâm sàng, giảng đường, thư viện với trang thiết bị hiện đại, đảm bảo đúng quy chuẩn của từng môn học.

Cơ sở thực hành bao gồm các bệnh viện lớn trên địa bàn Thanh Hóa, giáo viên hướng dẫn lâm sàng thuộc các bộ môn của Trường ĐH Y Hà Nội, cùng một số giáo viên thỉnh giảng tại các bệnh viện thực hành.

PGS Phạm Thị Lan thông tin tham gia giảng dạy cả lý thuyết và thực hành là đội ngũ thầy cô thuộc các bộ môn của Trường ĐH Y Hà Nội. Từ nội dung đào tạo, phương pháp tổ chức giảng dạy đến lượng giá, đánh giá sinh viên đều thực hiện như học tại Trường ĐH Y Hà Nội.

Theo PGS Phạm Thị Lan, đào tạo ngành Bác sĩ Y khoa có thể nói là “khốc liệt” nhất trong các ngành của khối trường Y dược. Trong số 73 sinh viên tốt nghiệp năm nay chỉ có 1 sinh viên đạt loại Giỏi, chiếm 1,4%; còn 74% sinh viên đạt loại Khá; 23,3% đạt Trung bình khá và có 1 sinh viên xếp loại Trung bình.

Phát biểu tại buổi lễ, tân bác sĩ Lê Ngọc Thắng không khỏi bùi ngùi nhớ về những ngày đầu mới nhập học. Phân hiệu khi ấy mới thành lập, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, sinh viên cũng chỉ vừa mới biết tới, nên Phân hiệu không phải là ước mơ, là mục tiêu mà những sinh viên như Thắng cố gắng phấn đấu suốt 12 năm học để đạt được. Lúc đó Thắng và các bạn lại là lớp duy nhất ở Phân hiệu nên vừa làm anh, làm chị lại vừa làm em.

Phân hiệu tại Thanh Hóa sớm trở thành Trường Y trực thuộc ĐH Y Hà Nội ảnh 2

Lời thề thiêng liêng của sinh viên Y khoa trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: NH

“Cảm giác muốn từ bỏ lại càng lớn hơn. Vậy nên chúng em của những ngày tháng đầu tiên là những sinh viên nhiều chán nản, ít ý chí và không tình yêu với nơi mà mình đã lựa chọn. Có một câu nói trong thời gian đó của thầy Nguyễn Hữu Tú mà chúng em thuộc lòng: “Phân hiệu mới thành lập, vẫn còn rất nhiều khó khăn, các em là khóa đầu tiên nên phải thật cố gắng!” Vâng lời thầy nhưng chúng em cũng chưa biết mình sẽ phải cố gắng như thế nào”, Thắng chia sẻ.

Giờ đây, Thắng và các tân bác sĩ không chỉ tự tin rằng mình là những sinh viên giỏi nhất, nhưng đủ tự tin và tự hào rằng mình đã là những sinh viên đủ dũng cảm, nhiều ý chí nhất.

Xây dựng Trường Y trong tương lai gần

Tại buổi lễ bế giảng, lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa đều bày tỏ quyết tâm hướng tới việc xây dựng một trường ĐH Y trong tương lai gần tại địa phương này.

Theo GS. TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, để có được khóa bác sĩ đầu tiên của một phân hiệu do Trường ĐH Y Hà Nội cấp bằng, trong 6 năm qua, hơn 10.000 lượt thầy cô giáo vượt hành trình 300 km vào ra giảng dạy tại Thanh Hóa.

“Không thể kể hết những khó khăn vất vả của các thầy cô, những người đã cần mẫn đi gieo những hạt giống đầu tiên ở một nơi khá xa, chăm sóc mỗi ngày và 6 năm mới được thu hoạch”, GS Tú chia sẻ.

Cũng theo GS Nguyễn Hữu Tú, cơ hội phân hiệu trở thành một trường ĐH y trực thuộc Trường ĐH Y Hà Nội giờ đang là một tương lai gần, dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bày tỏ lời cảm ơn các thầy cô Trường ĐH Y Hà Nội đã nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác giảng dạy tại phân hiệu trong 6 năm qua, đưa phân hiệu trở thành một cơ sở đào tạo Y khoa uy tín bậc nhất trong cả nước.

Về phía địa phương, tỉnh Thanh Hóa cũng đã ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho phân hiệu, ban hành chính sách hỗ trợ hoạt động...

Ông Tùng cũng đề nghị lãnh đạo Phân hiệu Trường ĐH Y Hà Nội tại Thanh Hóa tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học theo đúng yêu cầu chương trình đào tạo của Trường ĐH Y Hà Nội, phối hợp tốt với UBND tỉnh, các sở, ngành, cơ sở y tế của địa phương, tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực y tế, đội ngũ giảng viên, xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất tại phân hiệu, từng bước xây dựng phân hiệu thành trường ĐH Y trong giai đoạn tiếp theo.

MỚI - NÓNG