Năm 2012, ca nương Bạch Vân được phong Nghệ sĩ ưu tú, đó là danh hiệu cao quý mà nhà nước phong tặng cho chị với những nỗ lực gìn giữ ca trù. Nhưng để ca trù được công chúng biết nhiều như bây giờ là cả một chặng đường gian nan.
Bạch Vân gần như độc hành trên con đường chông gai thử thách này mà mỗi lần nhắc tới, chị bảo như có 'ma nhập vào người', buộc chị phải làm nghề này để 'trả nợ kiếp trước'.
Gặp NSƯT Bạch Vân, không ai nghĩ chị là một ca nương nức tiếng Hà Thành bởi vẻ ngoài giản dị. Chỉ có đôi mắt là ánh lên niềm say mê mỗi khi nhắc tới ca trù. Khuôn mặt tươi rói chị kể những lần xuôi ngược đi tìm những nghệ nhân ca trù đã ẩn khuất và cả những lần nhịn đói chầu chực, nghe chửi rát tai chỉ để nghệ nhân hát vài câu về ca trù.
Đi buôn lấy tiền 'nuôi' ca trù
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống học văn, đọc sách. Bố chị ngâm thơ và có thể đọc Truyện Kiều xuôi ngược. Mẹ chị là người có giọng hát rất hay. Vì vậy Bạch Vân cũng yêu sách, văn chương từ nhỏ. 5 tuổi, khác với chúng bạn chỉ biết rong chơi, Bạch Vân thường ngồi lì vài giờ đồng hồ trong nhà chỉ để đọc sách.
Lớn lên, Bạch Vân học Nhạc viện Hà Nội, Trường ĐH Văn hóa. Thế nhưng, chỉ sau một lần nghe ca trù, cô gái mới ngoài hai mươi ấy đã quyết gắn cuộc đời mình với ca trù, bỏ mặc ngoài tai lời khuyên can của gia đình. Chị nói biết lúc đó theo ca trù là khổ, là cô độc nhưng chị không nghĩ nó lại khổ đến vậy. Càng khó khăn, chị lại càng quyết tâm đưa phận mỏng ca trù đến gần hơn với công chúng.
Hầu hết những nghệ nhân ca trù đều bị quên lãng và tản đi làm những công việc khác nhau. Danh cầm Chu Văn Du là thợ giặt và thợ sơn vôi, bà Quách Thị Hồ đi gánh nước thuê, cụ Nguyễn Thị Chúc đi bán hàng xén và làm ruộng, bà Kim Ðức chuyển sang hát chèo, cụ Phó Ðình Kỳ đàn hay như thế nhưng về làm ở hợp tác xã sơn mài... Mỗi người một cuộc sống, một nơi chốn khác nhau nhưng Bạch Vân cất công đi và tìm thấy họ.
Để có tiền trang trải cho những chặng đường kiếm tìm nghệ nhân gian nan như vậy, Bạch Vân từng có thời gian đạp xe đạp mấy chục cây số đi buôn hoa quả.
Chị bảo, đường xa thăm thẳm, nhiều lúc nửa đêm vẫn một mình một bóng lạch cạch giữa đường nhưng chị vẫn không nề hà gì, miễn sao buôn bán có tiền để có kinh phí tìm được người hát ca trù còn đang sống. Lăn lộn hàng chục năm như thế, Bạch Vân mới phục sinh được ca trù trước nguy cơ tàn lụi.
Với Bạch Vân kể cả có 2 người ngồi nghe, chị cũng say sưa hát
Từng tự tử, bỏ chồng con vì ca trù
Năm 1991, khi đã được công nhận là ca nương, Bạch Vân thành lập CLB Ca trù Hà Nội trên phố Bích Câu. Thời gian đầu, chị tự bỏ tiền túi ra để tổ chức các buổi biểu diễn miễn phí, đích thân đến mời và đưa đón các nghệ nhân tới biểu diễn. Các cụ ở xa chị phải lo đưa rước, ăn ở, tiền tàu xe cho các cụ.
Có thời điểm khó khăn, chị định nhảy từ tầng 3 xuống tự vẫn, may có đồng nghiệp kéo áo lại. Chính những lần sống chết với ca trù ấy mà CLB của chị được giữ lại cho tới ngày nay.
Mải mê theo đuổi ca trù, 44 tuổi chị mới lấy chồng. Chồng chị, anh Nguyễn Bá Hải khi đó đang tu ở chùa Một Cột. Con mắt tinh đời và tâm hồn nhạy cảm khiến cho chị ngay từ ánh mắt đầu tiên khi nhìn thấy anh Hải, chị biết anh không thể tu hành.
Chị nhận ra anh là người có năng khiếu đàn và đưa anh đến nhà các nghệ nhân, tìm thầy dạy đàn cho anh để hai người có thể ngồi chung một chiếu hát.
Khi công việc ổn định, chị mở thêm quán cơm chay mang tên mình. Nhưng đam mê ca trù vẫn níu chân chị. Bạch Vân đi nhiều đến độ có con chị cũng không dám giữ lại bởi lúc đó chị sợ sẽ không có nhiều thời gian dành cho ca trù.
Còn anh Hải vì mải mê kinh doanh nên không còn yêu ca trù nữa. Hai lý do đó khiến Bạch Vân quyết định viết đơn ly dị dù hai người cưới nhau chẳng được bao lâu. "Nếu yêu Bạch Vân là phải yêu ca trù, còn không thì chia tay", Bạch Vân tâm sự về quyết định chia tay.
Làm bạn với chó, mèo
Bước lên chiếu hát, dù lòng nặng trĩu nỗi lo làm sao đủ tiền để trả cho tay đàn, tay trống, dù viêm họng đến độ tưởng chừng như không hát nổi nhưng khi tiếng phách vang lên, chị lại đắm mình vào bài hát.
Nhưng khi bước xuống chiếu hát, chị lại quay về với thực tại cơm áo gạo tiền. Trở về nhà lúc nửa đêm là chuyện thường ngày, nhưng cũng chỉ ngủ được vài tiếng, khoảng 3h sáng, chị lại hì hục xô chậu để hứng nước sinh hoạt. Chị giặt quần áo ngay trong đêm vì nếu đợi đến sáng mai, nước không chảy mà chị thì không có dụng cụ để dự trữ.
Dành hết thời gian cho ca trù, Bạch Vân tranh thủ nấu nồi cơm ăn 3 ngày, kho nồi trám ăn dần cả tuần. Cuộc sống của chị nơi căn gác nhỏ cô đơn chỉ có chó, mèo làm bạn. Chị sống tình cảm nên chó mèo chị nuôi cũng rất tình cảm với chị. Chúng thường được chị cưng nựng nên rất hay làm nũng, đồ ăn thức uống nếu bỏ ra đĩa không nỉ non chúng ăn, chúng cũng chả thèm ăn.
Có thời điểm, chó mèo cùng đẻ lên tới gần 40 con, chị không có thời gian chăm hết nên đem cho. Nhưng cho ai chị cũng bắt làm giấy cam kết phải chăm sóc cẩn thận và không được thịt. Cứ nuôi vậy bao giờ chúng già quá mà chết đi thì thôi.
Nhận mình là người quá thẳng tính nên thiệt thòi cả trong công việc với tình duyên. Nhưng chị nói tính mình thế rồi không thể bỏ được, mà nhờ tính thẳng thắn vậy mới có ca trù như ngày hôm nay.
Bạch Vân là mây trắng, mây trắng thì chẳng có gì, chỉ một cơn gió là tan vào không trung - chị bảo thế. Nhưng chị quả quyết rằng, dù số phận có nghiệt ngã, dù chị cô độc không chồng không con nhưng chẳng có cơn gió nào làm tan được tình yêu ca trù của chị.
Dù cuộc sống hiện tại có cô độc, công việc bảo tồn ca trù vẫn còn nhiều thách thức nhưng chị tạm hài lòng với những gì mình đã làm được bởi 'ông Trời không cho ai toàn diện hết'.
Theo Tình Lê