Phạm Huỳnh Tam Lang: Cái tên đi vào huyền thoại

Phạm Huỳnh Tam Lang: Cái tên đi vào huyền thoại
Cái tên Phạm Huỳnh Tam Lang đã là huyền thoại, được tạc vào quá khứ bởi thứ bóng đá đầy chất nghệ sĩ cho dù người ta biết đến như một trung vệ lừng danh Á châu.

Nhắc tới cái tên Tam Lang, người yêu bóng đá Việt không thể không nhớ tới hình bóng lồng lộng của người hùng Merdeka 1966, của một bảng vàng trong đội hình các ngôi sao châu Á. Nhắc tới cái tên Tam Lang, người ta không thể quên hình ảnh người thuyền trưởng chèo lái con tàu mang tên Cảng Sài Gòn vượt phong ba đem về cho làng cầu Sài Gòn 4 chức vô địch quốc gia. Trên sân cỏ, ông là tượng đài sừng sững, thách thức cả thời gian và lịch sử, cả quả khứ lẫn tương lai.

Cái tên Phạm Huỳnh Tam Lang đã là huyền thoại, được tạc vào quá khứ bởi thứ bóng đá đầy chất nghệ sĩ cho dù người ta biết đến như một trung vệ lừng danh Á châu.

Cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Huỳnh Tam Lang có lẽ cần đến vài cuốn sách, có thể dựng thành phim bởi ông mang trên mình cả những biến cố lớn lao của một thời đoạn lịch sử không thể nào quên của dân tộc lẫn bóng đá Việt.

Phạm Huỳnh Tam Lang sinh ngày 14/2/1942 tại Gò Công, Tiền Giang, Việt Nam. Cha ông là liệt sĩ chống Pháp, hi sinh năm 1945. Khi còn là học sinh, ông thi đấu cho đội tuyển của trường Trung học Petrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong). Năm 1957, lúc mới 15 tuổi, ông vào thi đấu ở đội Ngôi Sao Chợ Lớn. 

Bóng đá đã tạo ra số phận và sự nghiệp của Phạm Huỳnh Tam Lang. Vì đam mê khiến anh bỏ dự định vào đại học để chuyển sang sự nghiệp bóng đá. Năm 1960, khi 18 tuổi, Tam Lang được gọi vào đội tuyển miền Nam. Ông sớm chiếm được vị trí trong đội hình chính thức và dần giữ vai thủ quân của đội tuyển miền Nam. Năm 1993, Phạm Huỳnh Tam Lang được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam

Trước đó, năm 1966, Tam Lang trong vai trò trung vệ đội trưởng của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, ông cùng đội tuyển đã giành được cúp Merdeka. Trong năm này, ông và cựu danh thủ Đỗ Thới Vinh đã được mời vào đội tuyển "Ngôi sao châu Á". Ở cấp câu lạc bộ, Tam Lang từng chơi cho các đội bóng lừng danh thời bấy giờ như AJS (Association de la Jeunesse sporttive) và Cảng Sài Gòn. Năm 1981, Ông được ngành TDTT Thành phố Hồ Chí Minh cử đi tu nghiệp lớp huấn luyện viên quốc tế tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Kết thúc khóa học, Tam Lang nhận được bằng huấn luyện viên bóng đá loại ưu.

Trên cương vị HLV, Tam Lang giành phần lớn sự nghiệp của mình ở đội Cảng Sài Gòn và giành được nhiều danh hiệu quan trọng nhất trong lịch sử của đội này. 

Ông góp công lớn mang về cho đội bốn chức vô địch vào các mùa bóng: 1986, 1993-1994, 1997, 2001-2002 và hai danh hiệu vô địch Cúp quốc gia 1992 và 2000, cùng hàng chục ngôi vô địch ở các giải bóng đá khu vực phía Nam. Ông cũng nhiều lần được các huấn luyện viên nước ngoài mời vào vị trí trợ lý huấn luyện viên của đội tuyển Việt Nam. ông cũng đảm nhận vai trò huấn luyện viên đội tuyển ở các giải SEA Games và Tiger Cup.

Năm 2003, sau khi đội bóng Cảng Sài Gòn bị xuống hạng, Tam Lang cũng chính thức giã từ sự nghiệp huấn luyện viên, kết thúc 28 năm nắm đội Cảng Sài Gòn. Ông đã tạo ra một thời kỳ lịch sử quan trọng của đội bóng này. Sau khi rời Cảng Sài Gòn, Tam Lang được mời về với Câu lạc bộ bóng đá Thành Phố Hồ Chí Minh để huấn luyện cho các cầu thủ trẻ. Lứa cầu thủ trẻ tài năng này đã thăng hạng nhất ngay sau đó.

Nhưng đáng nhớ nhất với ông chính là nỗi đau khi Cảng Sài Gòn rớt hạng năm 2003, một năm sau ngày đoạt chức vô địch. Sau lúc đưa Cảng Sài Gòn đến với chức vô địch thứ ba trong lịch sử CLB, ông xin rút để giữ chân cố vấn kỹ thuật nhưng lãnh đạo không đồng ý. Đến lúc rớt hạng thì trách nhiệm trút hết lên đầu và ông bị quy kết là nguyên nhân chính khiến CLB rớt hạng. 

Trong cuộc đời mình ông cũng không bao giờ quên thất bại cay đắng trong ba năm liền của bóng đá VN khi làm trợ lý cho HLV Alfred Riedl ở Tiger Cup 1998, SEA Games 1999 và Tiger Cup 2000. Đó là những cột mốc mà chúng ta đánh rơi chức vô địch ngay trong tầm tay. Tất nhiên buồn nhiều mà vui cũng nhiều, vui nhất là việc ông đã giúp bóng đá nước nhà có được những cầu thủ tài hoa, đi lên bằng chính tài năng bẩm sinh như Lư Đình Tuấn, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Văn Khải...

Ông Tam Lang từng bộc bạch: “Bóng đá đã giúp tôi thành danh. Qua bóng đá tôi may mắn được nhiều người biết đến. Nhiều khi cần làm một việc gì đó tự nhiên có người yêu quý giúp đỡ. Những cổ động viên, những khán giả yêu mến đôi khi gặp trên đường mọi người nhận ra, "ới" một tiếng - niềm hạnh phúc mà với tôi không gì sánh được”.

Theo Theo Lao Động, Sài Gòn Giải phóng
MỚI - NÓNG