> Làm 100 năm bằng 1 năm lương GĐ Cty thoát nước
> “Sếp công ích”: Vì sao lương khủng?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam. Ảnh: Công Khanh |
Gần đây, dư luận quan tâm thông tin lương của Giám đốc Công ty Thoát nước Đô thị TPHCM 2,6 tỷ đồng/năm, Giám đốc Công ty chiếu sáng Công cộng 2,2 tỷ đồng/năm…, trong khi người lao động bị tước đoạt nhiều quyền lợi trong thời gian dài. Tại phiên họp báo thường kỳ tháng 8/2013 do Văn phòng Chính phủ tổ chức, phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam đặt câu hỏi về việc một số lãnh đạo doanh nghiệp công ích ở TPHCM nhận lương cao bất thường.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, về lương trong DN công ích, đặc biệt là lương của viên chức nhà nước quản lý trong DNNN được quy định rất chặt chẽ, cẩn thận.
Năm 2007, chúng ta có Nghị định 86, quy định về vấn đề này. Năm 2012, chúng ta có Bộ luật Lao động, khi Bộ luật có hiệu lực và sau khi có Nghị quyết TƯ 6 thì Chính phủ ra Nghị định 50 và Nghị định 51 vào giữa năm 2013 quy định chặt chẽ cách hạch toán lương, mức lương của viên chức quản lý trong DNNN.
Trong đó, mức cao nhất là Chủ tịch Hội đồng thành viên của tập đoàn kinh tế là 36 triệu đồng/tháng và có quy định cuối năm thành tích tốt, lợi nhuận cao thì thưởng thêm nhưng không quá 0,5 lần mức lương.
Nếu mức lương của các DN công ích như báo chí phản ánh mà không đúng thì phải xử lý, đó là thẩm quyền của UBND địa phương, bộ ngành được giao quản lý DN. Hiện nay, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực này có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ tiền lương ở các DN thuộc phạm vi quản lý và ai làm không đúng thì phải xử lý.
Không xử lý nghiêm, hậu quả nghiêm trọng
Báo Tiền Phong: Gần đây, trong ngành Y tế có vụ chấn động “nhân bản” mẫu xét nghiệm huyết học tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Là Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng bình luận gì về vấn đề này?
Theo tôi, khó tìm lời bình luận ngắn để nói đầy đủ về sự việc này. Tất cả chúng ta đều không thể chấp nhận những tiêu cực như vậy. Đây là vấn đề liên quan sức khỏe của con người, thậm chí là tính mạng.
Dù vụ đó, theo báo chí và các báo cáo, chưa có hệ lụy liên quan sức khỏe hay tính mạng cụ thể của ai, nhưng những sai phạm như vậy nếu không chấn chỉnh, không xử lý nghiêm, sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Với tư cách cá nhân, tôi cũng rất đau xót vì đó là vấn đề đạo đức xã hội, vì đồng tiền mà bất chấp tất cả. Bộ Y tế đã báo cáo, có biện pháp chấn chỉnh.
Khi có thông tin liên quan sự việc cụ thể, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đều có những chỉ đạo và không chỉ là chỉ đạo xử lý vụ việc cụ thể đó như thế nào, mà từng Bộ từng ngành phải xem xét lại toàn bộ hệ thống chủ trương liên quan có đúng không.
Ví dụ trong trường hợp này, chủ trương xã hội hóa phải đi kèm quy định như thế nào, việc tổ chức thực hiện những chính sách ban hành của các cấp bên dưới có nghiêm túc không. Đây là sự việc buồn, đáng tiếc.
Các đồng chí quản lý bên Bộ Y tế lấy đây là sự việc để chấn chỉnh lại hệ thống. Tuy nhiên, trách nhiệm không chỉ của các cơ quan Trung ương mà là vai trò của các cấp, vai trò của nhân dân thông qua báo chí cũng rất quan trọng. Nhiều sự việc báo chí phát hiện, từ đó các cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc, không chỉ xử lý vụ việc mà còn chấn chỉnh một cách có hệ thống.
N.C.KHANH ghi