'Phải sắp xếp lại các DN con, cháu của Vinashin'

'Phải sắp xếp lại các DN con, cháu của Vinashin'
'Phải tổ chức lại sản xuất, trong đó sắp xếp lại các doanh nghiệp con, cháu của Vinashin là việc làm hết sức cần thiết. Thậm chí còn phải xem xét lại cả phương hướng sản xuất', Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.

>Khó thu hồi 1.000 tỉ thiệt hại từ vụ Vinashin
>Nợ xấu đã mua 'không liên quan Vinashin'
>'Ông lớn' đồng loạt bỏ bớt công ty 'con, cháu'

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh. Ảnh: Nguyễn Hưng (VnExpress)

Ông trao đổi với báo chí bên lề phiên thảo luận của các đoàn đại biểu Quốc hội sáng nay (24/4) về vấn đề kinh tế xã hội và tái cơ cấu Vinashin.

Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) phát hành 600 triệu USD trái phiếu quốc tế để tái cấu trúc khoản nợ doanh nghiệp tự vay trước đây khiến nhiều người băn khoăn về nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ khi mà cân đối ngân sách đang khó khăn. Ý kiến của Phó thủ tướng về vấn đề này thế nào?

Trước hết phải khẳng định không có chuyện chuyển nợ từ Vinashin sang Chính phủ, mà là Chính phủ bảo lãnh để doanh nghiệp có điều kiện vay vốn trả nợ, có thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh, tích luỹ và có nguồn tự trả nợ. Bảo lãnh của Chính phủ như sự cam kết để các nhà đầu tư quốc tế yên tâm tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Còn Vinashin phải tự chịu trách nhiệm, tự làm ăn để trả nợ, cũng giống như bao khoản bảo lãnh khác thôi.

Tất nhiên trong trường hợp doanh nghiệp khó khăn không trả được nợ, Chính phủ phải có trách nhiệm với tư cách người bảo lãnh, chứ hoán đổi nợ không có nghĩa chuyển hẳn nợ của Vinashin sang Chính phủ.

Trong phương án tái cấu trúc các khoản nợ của Vinashin, nợ trong nước sẽ được xử lý thế nào?

Nợ trong nước của Vinashin cũng đã có phương án xử lý. Các tổ chức tín dụng trong nước đồng ý tái cơ cấu theo hướng xoá nợ 70%, 30% còn lại doanh nghiệp phải phát hành trái phiếu để trả.

Khi toàn thị trường đang có khăn như hiện nay, liệu có khả thi khi Vinashin muốn phát hành trái phiếu để huy động vốn trả nợ và có nguồn tiếp tục sản xuất kinh doanh?

Theo lẽ thông thường, doanh nghiệp chỉ phát hành theo nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh và khả năng hoàn vốn của mình. Nếu doanh nghiệp làm ăn tốt, có dự án khả thi, có thể trả được nợ, nhà đầu tư sẽ cân nhắc và quyết định có mua trái phiếu hay không. Bản thân Vinashin cũng phải cân nhắc sẽ phát triển sản xuất thế nào, quy mô tới đâu để cân nhắc có cần thiết phát hành hay không, hay vay vốn dưới hình thức nào.

Thực tế thời gian qua, dù thị trường khó khăn, nếu doanh nghiệp có dự án đầu tư hiệu quả, trái phiếu phát hành vẫn có người mua. Ngay cả các doanh nghiệp đang phải tái cơ cấu cũng vẫn có nhà đầu tư quan tâm, xem xét và mua lại.

Chính phủ đánh giá triển vọng của Vinashin thời gian tới sẽ thế nào, thưa Phó thủ tướng?

Sau quá trình tái cơ cấu, bước đầu kết quả sản xuất kinh doanh tại Vinashin đã tốt hơn, nhiều khoản nợ đã được xử lý. Nhưng nhìn chung sẽ vẫn còn khó khăn do tình hình chung của ngành vận tải biển thế giới. Nếu thị trường khá hơn, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp được triển khai hiệu quả, nợ nần giảm xuống thì triển vọng của Vinashin vẫn tốt. Tất nhiên, để đạt được điều đó, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.

Đảng và Nhà nước đã xác định với điều kiện tự nhiên của Việt Nam có bờ biển dài, vùng biển rộng, các ngành kinh tế liên quan đến biển vẫn giữ vai trò quan trọng. Trong đó, công nghiệp đóng tàu về lâu dài vẫn phải duy trì là nòng cốt phát triển. Tất nhiên nòng cốt không có nghĩa Nhà nước làm tất. Trước mắt Nhà nước làm nhưng khi củng cố tốt, sẽ tiến hành cổ phần hoá và chỉ giữ lại một phần cần thiết.

Theo ông, đâu là yếu tố then chốt để Vinashin ổn định và phát triển trong thời gian tới?

Như tôi đã nói, tái cơ cấu doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng. Tái cơ cấu doanh nghiệp nói chung và Vinashin nói riêng đều phải triển khai một cách đồng bộ và toàn diện. Trước hết phải tổ chức lại sản xuất, trong đó sắp xếp lại các doanh nghiệp con - cháu của Vinashin là việc làm hết sức cần thiết. Doanh nghiệp nào không còn hiệu quả phỉa xử lý. Thậm chí còn phải xem xét lại cả phương hướng sản xuất. Ví dụ trước đây Vinashin chủ yếu đóng tàu, giờ có thể phải kết hợp cả đóng tàu và sửa chữa. Cách thức sản xuất ngày xưa là tự bỏ vốn để thực hiện tất cả các khâu thì nay cũng phải tính tới chuyện gia công.

Thứ hai là phải nâng cao quản trị doanh nghiệp qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất và sử dụng vốn. Tiếp đó, yếu tố vô cùng quan trọng là tái cơ cấu nợ. Tài chính tốt, nợ nần giảm xuống, doanh nghiệp sẽ bớt gánh nặng và có thể phục hồi phát triển sản xuất.

Tái cơ cấu nguồn nhân lực cũng là yếu tố cần lưu ý. Phải căn cứ vào nhu cầu, quy mô và phương hướng sản xuất để từ đó xác định doanh nghiệp cần bao nhiêu nhân lực, tổ chức lại thế nào. Sau quá trình đánh giá, phân loại, phải có chính sách đảm bảo quyền lợi của người lao động, tạo điều kiện cho người ta tìm việc làm khác hoặc đào tạo lại phù hợp với nhu cầu sản xuất mới. Chúng ta vẫn phải giữ lại lực lượng nòng cốt hình thành từ nhiều năm nay, từ khi năng lực đóng tàu chỉ ở cỡ vài nghìn tấn thì nay đã lên đến hàng trăm nghìn tấn. Nguồn lực đó vừa giúp củng cố phát triển sản xuất hiện nay và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mở rộng sau này.

Về quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước nói chung, các đại biểu Quốc hội cho rằng tiến hành vẫn chậm chạp. Theo Chính phủ, đâu là nguyên nhân?

Thực ra tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng chúng ta đã tiến hành từ hàng chục năm trước, đặc biệt với Nghị quyết Trung ương 3 Khoá 9 với yêu cầu sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp. Với bối cảnh hiện nay, phát sinh những yêu cầu mới, chúng ta phải thích ứng, cập nhật và tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn.

Trong cả đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp làm mà tất cả các cơ quan phải vào cuộc, chẳng hạn hoàn thiện cơ chế chính sách. Hiện nay các cơ chế chính sách liên quan đến tái cấu trúc doanh nghiệp cơ bản đã được sửa đổi, bổ sung. Quan điểm về sắp xếp hệ thống doanh nghiệp cũng đã được cập nhật. Số lượng doanh nghiệp nắm giữ 100% cũng đã giảm rất nhiều. Trước đây mình quan niệm có những doanh nghiệp Nhà nước phải giữ 100% vốn nhưng giờ không nhất thiết doanh nghiệp nào cũng vậy, chẳng hạn như cảng biển loại một. Nói chung thực hiện đề án tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế cũng như doanh nghiệp có rất nhiều việc phải làm, chứ không thể nhìn vào một vài hiện tượng để nhận xét nhanh hay chậm.

Theo VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.