> Đại dự án 7.000 tỷ tốc độ rùa
ông Nguyễn Đắc Thỏa, Trưởng Ban quản lý dự án sông Tích (Sở NN&PTNT). |
Ông Thỏa cho hay, đây là dự án thủy lợi rất lớn nên thời gian vừa qua, Ban quản lý dự án (QLDA) chủ yếu tập trung công tác giải phóng mặt bằng.
Hiện, cơ bản đã hoàn thành được khu vực thuộc xã Thuận Mỹ (huyện Ba Vì), nơi xây dựng cụm công trình cống đầu mối và đào mới dòng kênh để tiếp nước cho sông Tích.
Việc thay đổi vị trí cống đầu mối từ Bến Mắm (thị xã Sơn Tây) sang Thuần Mỹ (Ba Vì), sẽ phải đào mới hơn 12km kênh để tiếp nước sẽ gây nhiều tốn kém hơn cho ngân sách Nhà nước?
Đúng là tăng thêm chi phí nhưng hiệu quả nó lại đạt được. Mục tiêu của dự án là phải lấy nước được từ sông Đà vào sông Tích.
Thay đổi địa điểm đặt cống đầu mối do đề nghị của các địa phương là 7 huyện, thị xã có dự án đi qua gồm: (Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức). Hơn nữa, việc đặt cống đầu mối ở xã Thuần Mỹ sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Tây của huyện Ba Vì.
Bởi theo thiết kế của dự án, hai bên bờ sông Tích sẽ làm đường giao thông nhằm phát triển kinh tế xã hội ở các địa bàn có dự án đi qua.
Ngoài việc gây tốn kém hàng tỷ đồng, thì việc tiếp nước vào sông Tích từ sông Đà cũng rất phức tạp khi phải đào cống rất sâu thì mới lấy nước được?
Về thiết kế, đúng là phải đào một cống đầu mối để điều tiết nước vào phục vụ cho dự án. Còn mùa mưa lũ thì có thể đóng cống lại để đảm bảo phòng lũ.
Hiện nhà thầu mới làm kè đầu mối và một đoạn kênh khoảng 500m. Huyện Ba Vì đã có quyết định thu hồi đất của 941 hộ nên sẽ làm thêm được khoảng 2km nữa.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn 1 đang triển khai vốn chủ yếu chỉ “rót” cho cho việc xây lắp của nhà thầu, trong khi giải phóng mặt bằng và thi công rất ì ạch, thưa ông?
Tổng giá trị gói xây lắp trong giai đoạn 1 của dự án là 2.400 tỷ đồng. Trong năm 2011 đã bố trí vốn cho nhà thầu (Cty CP Bình Minh) trên 200 tỷ đồng.
Ghi nhận hai bên thì khối lượng nhà thầu thực hiện được là 12 tỷ đồng trong phần tạm ứng. Ngoài ra Cty CP Bình Minh đã mua máy móc thiết bị phục vụ cho dự án.
Mới đây, Sở KH-ĐT đã đề nghị cắt bớt một số hạng mục sang giai đoạn 2 để giảm áp lực về vốn cho giai đoạn 1.
Về GPMB, hiện UBND huyện Ba Vì đã phê duyệt quyết định thu hồi đất đến 941 hộ gia đình với 33,7 ha đất. Riêng tổng diện tích đất thu hồi ở xã Thuần Mỹ là 50,2ha trên tổng là hơn 1.000 hộ dân.
Ban GPMB huyện Ba Vì dự trù kinh phí GPMB khoảng 220 tỷ. Đến thời điểm này, chỉ mới tạm ứng tiền GPMB cho dân được 10 ha để lấy mặt bằng khởi công dự án với số tiền là 80 tỷ đồng.
So với kế hoạch, dự án rất chậm tiến độ, gây ảnh hưởng đến nhiều người dân và tăng chi phí lên hàng tỷ đồng?
Trong giai đoạn 1 của dự án, riêng đoạn cống đầu mối ở Thuần Mỹ nếu tiến độ GPMB đạt được theo yêu cầu thì việc thi công cũng đạt được.
Chúng tôi cũng đề nghị lùi tiến độ của dự án theo kế hoạch đề ra 5 năm, nghĩa là thay vì 2015 sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Về tổng mức đầu tư hiện vẫn giữ nguyên cho với phê duyệt ban đầu (gần 7.000 tỷ đồng-PV), sau này trong quá trình thực hiện nếu phát sinh, trượt giá thì TP sẽ có phương án điều chỉnh sau.
Đội hàng tỷ đồng vì thay đổi vị trí cống đầu mối TS. Bùi Nam Sách- Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, Viện là đơn vị tiến hành quy hoạch dự án sông Tích. Trước đây khi tham gia quy hoạch, họ đề nghị làm cống đầu mối ở Bến Mắm (thị xã Sơn Tây) để lấy nước ở sông Hồng. Nhưng có nhiều vấn đề khi triển khai nên tư vấn và chủ đầu tư đã chọn vị trí như hiện nay là ở Lương Phú- Thuần Mỹ (Ba Vì) để lấy nước sông Đà. Các chuyên gia quy hoạch cho rằng, thay đổi vị trí cống đầu mối sẽ tốn kém thêm hàng tỷ đồng. |
Tú Anh - Hoàng Phong
Thực hiện