PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Đào tạo 9.000 tiến sĩ, đừng làm một nhát mà nghìn tỷ đổ đi

 PGS.TS Nguyễn Văn Nhã
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã
TPO - PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – Nguyên Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc Gia Hà Nội cho rằng đào tạo 9.000  tiến sĩ ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước thì khâu đầu tiên và quan trọng là tuyển chọn, mà phải chọn được “hạt giống thật, đừng chọn hạt giống lép”  không lại phí phạm.

Liên quan dự thảo đề án chi 12.000 tỷ đồng đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ của Bộ GD&ĐT,  PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – Nguyên Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc Gia Hà Nội cho rằng, tập trung đào tạo tiến sĩ để góp phần đổi mới giáo dục sư phạm là đúng vì ta đang thiếu những máy cái, những người đầu tàu, họ sẽ lan tỏa để đào tạo ra lớp giáo viên có chất lượng sau này, nên cần phải nhân rộng. Đây là chủ trương đúng. Hàng nghìn tiến sĩ ở nước ngoài sẽ đào tạo ra hàng vạn người có chất lượng. Nhưng điều khó nhất là làm thế nào, lộ trình triển khai ra sao?

12.000 tỷ chưa phải là nhiều?

PV: Mục tiêu của đề án là nâng cao tỷ lệ tiến sĩ  trong số giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. Nhiều người không tin về mục tiêu này và 12.000 tỷ là con số lớn. Ông ý kiến thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ về sư phạm là đúng vì chúng ta đang thiếu lực lượng giảng viên đại học (ĐH) có chất lượng cao.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Việt Nam hiện nay đang đào tạo tiến sĩ “giấy” nhiều quá, điều đó là cũng đúng. Nhưng là bao nhiêu %, có phải tiến sĩ giấy tất cả không? Nếu 100% là giấy cả thì tốt quá, cho một cái lệnh hủy vứt đi là xong vì tất cả bằng giấy mà. Nhưng nếu nó chỉ khoảng 20% là tiến sĩ giấy còn 80% là tiến sĩ thật thì hãy từ từ. Không thể mang giải pháp kiểu võ đoán ra mà thành công được!

Bộ GD&ĐT cần thuyết minh với Chính phủ cụ thể và rõ ràng về đội ngũ được đào tạo TS sau đề án này chất lượng sẽ như thế nào? thời lượng đào tạo bao lâu, ở những đâu? và cuối cùng cung cấp cho đất nước lực lượng ấy là lực lượng gì? Họ trở thành nhà khoa học chính xác chưa hay trở thành nhà khoa học khởi sự? Nếu là đào tạo tiến sĩ là những con người tài năng, thành những tổng công trình sư, kỹ sư tâm hồn thì chi phí cho đào tạo sẽ là vô giá, 12.000 tỷ cũng không phải là nhiều.

PV: Có ý kiến cho rằng không nên dùng tiền ngân sách để đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài vì nhiều người ở lại không về nước? Ý kiến của ông về vấn đề này?

Không, đừng nghĩ thế. Đấy mới là phần nổi của tảng băng mà thôi. 

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã từng trả lời khi có nhiều sinh viên hỏi về việc nhiều tiến sĩ giỏi sau khi học xong không về nước. Bác Triết có nói thế này: Bạn về nước luôn bạn vẫn yêu nước nhưng bạn chỉ là tiến sĩ. Nhưng bạn ở lại bạn chịu khó học kinh nghiệm của nước họ để trở thành người tài, thành danh sau này phục vụ đất nước được nhiều hơn thì vẫn là yêu nước.

Vậy nếu gửi đi đào tạo 500 người mà chỉ 200 hay 300 người về nước ngay, chưa chắc đã là Đề án thất bại. Cần đợi khoảng 15 năm nữa, lứa tiến sĩ ngày ấy đi về. Khi đó họ trở thành tổng công trình sư, chủ tịch tập đoàn, những nhà khoa học cỡ tầm trên thế giới thì mới đánh giá được. 

PV: Vậy ông đồng ý với việc dùng ngân sách nhà nước để đào tạo tiến sĩ trong nước và nước ngoài?

Ở nước ngoài khi đào tạo họ có các nguồn kinh phí chính. Một là nguồn kinh phí của quốc gia, nhưng hạn hẹp và không đủ. Hai là, nguồn kinh phí của đại gia tài trợ hoặc biếu, tặng.  Ba là, kinh phí từ gia đình, bản thân tự bỏ ra nghiên cứu.  

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay ta chưa có nhiều đại gia như ĐH Havard (Mỹ)  chẳng hạn. Ở họ những nhân tố sau khi thành danh họ quay lại tài trợ Nhà trường hàng triệu đô la nên các trường đó thường có hai nhà lãnh đạo trong Ban Giám hiệu: một người chuyên đi tìm tài chính (Funraising), một người chuyên đi tìm người giỏi (heathunting) để họ tìm ứng viên trên khắp thế giới, cho học bổng. Họ có khi cho học bổng 100%, tự nhiên các trường đó có sinh viên giỏi. Và sau tiền lại đổ về đấy. 

Trong khi các nhà khoa học ở Việt Nam thường vẫn trông chờ nguồn tài trợ của nhà nước. Cho nên, nhà nước đặt hàng, nhà nước cấp cho tiền nhưng khi nghiệm thu đề tài, thì rất nhiều đề tài lại bị xếp vào ngăn kéo. Đó là một vấn đề!.

Trường nhiều tiến sĩ chắc chắn level cao hơn

PV: Có ý kiến cho rằng, thay việc chi tiền cho đi đào tạo thì các cơ quan trả lương cao hoặc tạo ra điều kiện làm việc thuận lợi để các tiến sĩ trong nước cũng như nước ngoài có trình độ đến làm việc ở các trường đại học Việt Nam? Ý kiến của ông về vấn đề này?

Đó là hai việc khác nhau, đừng nhầm lẫn. Để nâng cao trình độ tiến sĩ đâu phải chỉ có nâng lương là xong. Phải mua những máy cái để xúc, đào, san lấp thì mới làm đường đẹp được chứ.
Người ta hay nói: Để đến Rome đâu phải một con đường. Đừng nghĩ chỉ có một con đường. Chúng ta có thể thu hút nhiều tiến sĩ đang làm việc ở nước ngoài về bằng rất nhiều cách. 

Sao lúc nào mình cũng nghĩ đến ngân sách nhà nước? Ngân sách nhà nước chỉ là một kênh, kênh chủ đạo. Người dân đưa con đi học nước ngoài hồi xưa chỉ lác đác tầm 2 con số trở xuống, nhưng giờ con số đã là hàng nghìn thì phải có chính sách thu hút người tài một cách hấp dẫn và khoa học. Mà sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, là quốc sách hàng đầu. Cho nên, đã huy động món tiền lớn của nhà nước phải trình Quốc hội đề án “ra tấm ra món” là đúng.

PV: Nhiều người tỏ ra băn khoăn tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ cao có phải biểu hiện của giáo dục tốt?khi mà chất lượng đào tạo tiến sĩ chưa được cao?

Tỉ lệ tiến sĩ trên tổng giảng viên là quan trọng nếu ở đấy có các nhà khoa học trình độ cao thực sự, nếu ở đấy không có cảnh cơm chấm cơm. Nếu ở đấy toàn là thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư thật thì tự nó có phông văn hóa cũng như phản ánh tầm vóc của trường đó.

Theo cách đánh giá định tính truyền thống, để tìm hiểu một trường đại học hãy đến thăm thư viện, để biết làng quê đó sống ra sao hãy đến thăm chợ. Nhưng điều đó có đi đến… chung kết chưa thì câu trả lời là chưa. 

Như vậy, để đánh giá chất lượng đào tạo một nhà trường không dễ dàng, đánh giá trong thì cũng phải đánh giá ngoài. Như  nhìn thấy thư viện trường bị sập xệ đã bảo ngay trường ấy vớ vẩn, chợ làng chỉ bán toàn ngô khoai thì bảo làng đó nghèo luôn. Ta không thể đánh giá như thế được. 

Nhưng rõ ràng, trường nào có nhiều TS, PGS, GS phải hơn trường không có TS, GS. Còn tốt hay không chưa biết, nhưng chắc chắn trường có nhiều hơn TS, GS là trường có level (trình độ) cao hơn.

Đừng chọn hạt giống lép

PV: Đề án chi 12.000 tỷ đồng đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ của Bộ GD&ĐT, theo ông yếu tố nào là quan trọng nhất?

Đề án phải có một bộ tổng tham mưu, những người có tránh nhiệm đó phải rất giỏi để lựa chọn được những người ưu tú của thế hệ trẻ nếu không sẽ trộn đánh đồng gạo nếp, gạo tẻ, gạo nương, toàn là gạo quý nhưng cho vào nồi này vứt đi hết. Muốn thành công đối tượng phải tương đương nhau theo các tiêu chí xét chọn. Nếu lứa này lấy từ gạo nương, lứa khác là gạo Hải hậu trộn vào sẽ hỏng luôn. 

Thứ hai, những hạt giống quý này phải có môi trường để phát triển. Môi trường có tốt, hạt giống mới nảy mầm. Hạt giống được rắc đều khắp muôn nơi nhưng mảnh đất nào có điều kiện thì mới nảy nở được. 

Tại sao các đề án đào tạo chưa thành công, khâu ban đầu đều bắt đầu từ chọn hạt giống. Cũng có thể hạt giống tốt nhưng môi trường không tốt: không có nước, không đủ ánh sáng, không có gió thì chỉ thất bại mà thôi.

PV: Vậy sau khâu tuyển chọn, đề án cần làm gì để tránh đi lại “vết xe đổ” của đề án 911 trước đây, tránh gây lãng phí ngân sách, thưa ông?

Ta phải rà soát ngay từ ban đầu, chặt khúc ra từng công đoạn. Một đề án lớn thế này phải biết chặt khúc nó ra. 

Thứ nhất, là đề án phải nói rõ được thí điểm thế nào và định thí điểm ở đâu, vùng nào để đảm bảo thành công. Phải thật sự khả thi, thuyết phục được Quốc hội, Chính phủ đầu tư lớn. Đừng làm một nhát mà “xôi hỏng bỏng không”.

Thông thường, một vấn đề lớn là phải thận trọng. Một tư tưởng lớn nghìn tỉ thì nhà nước phải để ý. Chúng ta đã từng đầu tư một nhát mà không ai chịu trách nhiệm, rồi nhà nước lại đứng ra trả nợ. Một lúc hàng nghìn tỉ thất bại đổ đi. Mồ hôi nước mắt của dân đấy.

Tốt nhất làm thí điểm một pilot. Muốn làm một con đường quốc lộ chạy dọc bờ biển từ địa đầu Miền bắc đến mũi Cà Mau thì làm thử một đoạn, họp hội thảo rút kinh nghiệm thật kỹ lưỡng, xong tính ra có thể nhân rộng được thì hãy nhân rộng.Từng việc phải tốt thì mới đến việc sau được, mắt xích đầu tiên mà đã hỏng, gỉ, thì cả chuỗi sau có nguy cơ vứt. 

Quan điểm của tôi, nếu đã là đào tạo ra đội ngũ chất lượng cao, giống như tổ chức chuyến tàu tốc hành, ngay khi lên tàu thì phải tuyển chọn chặt chẽ người lên. Việc lựa chọn phải vô cùng kĩ, qua nhiều lần kiểm tra, có thể qua tầng này dễ nhưng bạn sẽ chết dở ở cửa đằng sau. Những hạt giống nhân tài theo tôi phải chọn rất kĩ , “ngâm vào đủ 3 sôi 2 lạnh, chịu được bão tuyết” rồi mới cho lên tàu.

Ngoài ra, đề án phải viết thấu đáo và đươc thẩm định, khi thẩm định phải khách quan. Đó là điều kiện tối thiểu để tránh đề án lại xếp xó. Đừng để nó thất bại nữa.

Nếu cấp thử cho 10 tỷ hay 100 tỷ đào tạo một lứa tiến sĩ được test- kiểm tra trước đã, thấy chất lượng tốt, mới cho nhân rộng lên tới chục ngàn tỷ.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.