Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác Đoàn, anh có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc tập hợp thanh niên?
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay đối với tổ chức Đoàn là công tác tập hợp thanh niên. Chúng ta đang quá coi trọng công tác lãnh đạo, mà quên nhiệm vụ chính của tổ chức Đoàn là vận động tập hợp thanh niên.
Đừng xơ cứng nữa, đã đến lúc phải đổi mới: phải có những chương trình hành động mới, cởi mở hơn, phù hợp hơn. Phải luôn trăn trở làm sao để TN đến với mình.
Muốn TN đến với mình thì mình phải đến với TN. Mà người đến với TN, không ai khác chính là đội ngũ cán bộ Đoàn. Phải xóa bỏ ngay hiện tượng “quan Đoàn” - ngồi chờ thanh niên đến với Đoàn.
Bằng những hoạt động cụ thể đáp ứng được nguyện vọng tâm lý của tuổi trẻ, khi TN thấy hay, thấy phù hợp với lợi ích sát sườn thì họ sẽ đến với Đoàn. Khi họ đã đến với Đoàn rồi, thì các chương trình hành động phải luôn đổi mới để cuốn hút, khơi dậy tình đoàn kết, lý tưởng cách mạng của TN.
Thay đổi cách nói và nội dung nói
Hiện nay, một số cán bộ Đoàn mắc “bệnh” nói hay, phát biểu hay nhưng thiếu thực tế. Theo anh, đây có phải là “bệnh” cần chữa trị không?
PGS.TS Nguyễn Lân Trung là người có nhiều năm gắn bó với công tác Đoàn trong cương vị Bí thư Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện, ông là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy viên Đoàn chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. |
Đó là hậu quả của sự xa rời thực tế mà người ta hay gọi là “lý thuyết suông”.
Tình trạng càng nói càng xa rời thực tế là hệ quả của tư tưởng rập khuôn, máy móc, nói theo kiểu thuyết giảng. Anh nói xong mà chính anh cũng chẳng hiểu mình nói gì thì làm sao có thể nhận được sự lắng nghe của mọi người.
Đừng tập hợp TN đến để nói cho TN cái mà họ đã biết, với ngôn từ của những bản báo cáo khuôn mẫu với những cụm từ: mặc dù, tuy nhiên hay một là… hai là. Nói phải đi đôi với làm, anh nói hay nhưng anh không làm được làm sao anh có đủ uy tín để đảm nhiệm các cương vị khác.
Cán bộ Đoàn phải có bản lĩnh
Theo anh, phương thuốc nào để chữa trị hiệu quả “căn bệnh” này?
Bài tham gia chuyên mục xin gửi về hienkedh@gmail.com hoặc báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội |
Theo tôi, vấn đề ở đây thuộc về trình độ, uy tín của cán bộ Đoàn. Nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ Đoàn là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài những tố chất cần có trình độ hiểu biết, bản lĩnh chính trị, năng khiếu văn nghệ... cán bộ Đoàn phải là người đã từng kinh qua thực tế, phải đi lên từ cơ sở. Phải hiểu được tâm tư nguyện vọng của TN, xem TN đang quan tâm hiện nay là gì.
Thực tế hiện đang đòi hỏi Đoàn phải đổi mới hoạt động: Không những thay đổi cách nói mà phải thay đổi cả nội dung nói. Không nên tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị cho TN một cách máy móc, khô cứng.
Hãy lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức cho TN vào những hoạt động cụ thể, phù hợp với nhu cầu, lợi ích của giới trẻ.
Cụ thể là những hoạt động như: sinh hoạt văn hóa- văn nghệ, vấn đề hướng nghiệp dạy nghề, trang bị tri thức, tiếp thu khoa học kỹ thuật ...
Văn Dũng
Thực hiện