Bình Dương triển khai hàng trăm điểm tiêm vắc xin cố định và lưu động làm việc cả ngày lẫn đêm, quyết tâm bao phủ vắc xin cho người dân trong tháng 3 này |
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, hiện nay việc đánh giá số ca F0 tử vong chưa rõ ràng. Ông Hiếu cho rằng, nhiều trường hợp tử vong nhưng không hoàn toàn do COVID-19 gây ra. Ông dẫn chứng, trường hợp tử vong rơi vào người lớn tuổi, người có bệnh lý nền nặng, thậm chí người bị đột quỵ… Các trường hợp này khi tử vong, ngành y tế sẽ phải xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Từ đó, họ liệt vào danh sách những trường hợp F0 tử vong nhưng trên thực tế không phải do COVID-19 dẫn đến tử vong.
Đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay, ông Hiếu nhìn nhận biến thể Omicron mới không tăng nặng như Delta trước đó. Việc người dân được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 vẫn có thể mắc COVID-19 nhưng hàm lượng virus nhẹ hơn. Do đó, hầu hết F0 ở mức không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng cần đánh giá đúng tình hình dịch bệnh để đưa ra quyết định chính xác, phù hợp thực tiễn |
Nhận định dịch bệnh COVID-19 đã đi đến cuối đường hầm, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng tới đây nên xem dịch COVID-19 như một bệnh thông thường khác. Theo đó, người dân nào mắc COVID-19 có thể đến điều trị chuyên khoa được hưởng chính sách bảo hiểm y tế hoặc dịch vụ theo yêu cầu. Theo ông Hiếu, việc xem COVID-19 là bệnh thông thường, ngành chức năng và y tế sẽ tập trung nhân lực, vật tư đủ khả năng đáp ứng chuyên sâu, hiệu quả về chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.
Bình Dương tạm ngưng công bố ca mắc COVID-19
Ngày 12/3, đại diện Sở Y tế Bình Dương thông tin, kể từ nay địa phương sẽ tạm ngưng việc công bố số ca mắc COVID-19, điều này phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Theo số liệu thống kê từ ngành y tế Bình Dương, thời gian qua số ca mắc COVID-19 tăng cao nhưng hầu hết F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Đặc biệt, nhiều tuần liên tiếp Bình Dương không ghi nhận ca tử vong.
Nhằm hạn chế tối đa các trường hợp F0 diễn biến nặng và tử vong, ngành y tế Bình Dương đánh giá tình hình từng trường hợp để quyết định phương án điều trị phù hợp. Đội ngũ chuyên môn liên tục đánh giá tình hình để điều chỉnh quy trình điều trị F0. Ngoài ra, ngành y tế bố trí lực lượng túc trực 24/24 nhằm kịp thời xử lý trường hợp F0 có biễn biến.
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, đơn vị đã có công văn gửi Bộ Y tế để xin phân bổ 500.000 liều vắc xin, gồm: Pfizer, Moderna, AstraZeneca để tiêm mũi 3 cho người dân. Bình Dương quyết tâm đến cuối tháng 3 này, bao phủ vắc xin 3 liều cho người dân để tiếp tục triển khai tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Được biết, đến nay Bình Dương đã triển khai tiêm được hơn 6 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 các loại. Để thực sớm bao phủ vắc xin cho người dân theo kế hoạch, Bình Dương bố trí hàng trăm điểm tiêm cố định và lưu động làm việc cả ngày lẫn đêm kể cả ngày thứ 7 và chủ nhật.