Phải tôn trọng tính tự chủ của người thầy
Không chỉ đề xuất sớm bãi bỏ các chỉ tiêu thi đua, phong trào vô bổ, hình thức; ông và các cộng sự còn đề xuất cải tổ để trao trả quyền tự chủ sư phạm cho nhà giáo và nhà trường. Cụ thể hơn về tự chủ sư phạm là như thế nào thưa ông?
PGS Trần Hữu Quang: Giáo viên chủ động về phương pháp, tổ chức giảng dạy của mình, chẳng hạn như tự chuẩn bị bài giảng, được quyền phân phối giờ giấc uyển chuyển, tránh bị can thiệp quá nhiều vào lớp học, chủ động trong các mối quan hệ tương tác với học sinh, có thể phối hợp với lớp khác trong một số giờ thực tập, hay kể cả quyền chọn lựa SGK.
Để tôn trọng và vun trồng được mối quan hệ sư phạm cốt lõi "thầy – trò" thì không gì khác hơn là phải tôn trọng tính tự chủ của người thầy.
Việc giảng dạy của giáo viên hiện nay đang chịu sự quản lý Nhà nước trực tiếp của Bộ GD-ĐT chủ yếu trong 3 khâu: Chương trình, phân phối chương trình và SGK.
Đã đến lúc Nhà nước cần mời gọi các nhà giáo cũng như các nhà nghiên cứu về giáo dục tham gia vào (chứ không phải chỉ mời họp “góp ý”) quá trình xây dựng lại một nền triết lý giáo dục mới, để từ đó có thể cải tổ lại bộ chương trình cũng như cải tổ hệ thống giáo dục hiện hành một cách căn bản.
Cũng không thể không đặt ra vấn đề cải tổ phương thức quản trị nhà trường cũng như chính sách quản lý giáo dục và chính sách tài chính giáo dục.
Trở lại vụ việc “231 cái tát” đang “nóng” những ngày qua, cô Thủy có giải thích lối hành xử của mình là do áp lực của thi đua. Một số người cũng vội kết luận là do bệnh thành tích trong giáo dục. Nhưng có lẽ, vụ việc này có nguyên nhân sâu xa hơn mà chính cô giáo có thể không tự thấy được, có thể là từ thói áp đặt, chuyên chế của nền giáo dục không thực sự trân trọng những giá trị con người. Như vậy, nút gỡ ở đây không chỉ là gỡ những vòng kim cô do áp lực của bệnh thành tích, mà phải gỡ ở chính đường hướng, triết lý của nền giáo dục…
PGS Trần Hữu Quang: Đúng như vậy.
Trong lĩnh vực giáo dục, cái “vòng kim cô” kìm kẹp trên đầu trên cổ nhà giáo không phải chỉ là bệnh hình thức, bệnh thành tích hay bệnh giả dối, vốn được tạo ra bởi các chỉ tiêu và các phong trào thi đua, mà còn do những mối quan hệ áp đặt, khống chế và "trói tay" nhà giáo.
Mối quan hệ giữa nhà giáo với các cấp quản lý giáo dục hiện nay cũng gần tương tự như giữa cấp dưới với “cấp trên” trong kỷ luật quân đội vậy (một thí dụ khá điển hình là vụ các cô giáo bị điều động đi “tiếp khách” ở Hà Tĩnh cách đây 2 năm).
Trường hợp cô giáo với “231 cái tát” ở tỉnh Quảng Bình suy cho cùng cũng chỉ là hệ quả, là nạn nhân của một guồng máy giáo dục mà phóng viên Vietnamnet đã gọi khá chính xác là “chuyên chế”.
Nói như vậy không phải là để bênh vực hay biện minh cho những “cái tát”, mà là cần làm sao để nhìn nhận cho thấu đáo cái bối cảnh và căn nguyên sâu xa khiến dẫn đến vụ việc đau lòng như vậy.
Để con người có thể sống được với nhau trong xã hội hiện đại, thì một trong những chiều kích căn bản là sự tin cậy lẫn nhau. Trong môi trường sư phạm, điều này lại càng mang tính cốt tử.
Nếu thầy không tin trò, không tôn trọng trò, thì làm sao có thể đòi hỏi trò phải tin thầy được, tôn trọng thầy được? Cùng lắm thì chúng chỉ sợ thầy.
Mà ta biết là sự sợ sệt hay sợ hãi luôn luôn bộc lộ một mối quan hệ bệnh hoạn và bất cân xứng giữa con người với nhau.
Hơn nữa, nếu thầy không tin trò, thì làm sao bắt được học trò phải tin nhau?
Quan hệ thầy - trò trước hết phải là một mối quan hệ tin cậy, thương yêu. Có như vậy, nhà giáo mới đào tạo ra được những đứa trẻ biết tin nhau, thương nhau, để rồi khi lớn lên, chúng biết tin vào người khác và thương yêu người khác trong xã hội, chứ không phải lúc nào cũng chỉ biết nghi kỵ người khác và giành giật với người khác để làm giàu như ta thường thấy hiện nay!
Tôi rất thấm thía lời của một cô giáo trên một tờ báo: “Điểm thi đua mà chi, thành tích mà chi, bởi đó chỉ là ảo, còn tình yêu thương là thật. Trường học là nơi nuôi dưỡng con người, chứ không phải tạo ra thật nhiều điểm số".
Phóng viên: Cởi trói hay bỏ chỉ tiêu thi đua hay xác định lại triết lý giáo dục là những việc của người quản lý, tạo môi trường... Thế còn chính các thầy cô thì cần chuẩn bị tâm thế để đón nhận "cởi trói", hay đón nhận những quan điểm giáo dục tiến bộ ra sao để dẹp đi được những nguyên nhân gây ra hành vi không tôn trọng học trò?
PGS Trần Hữu Quang: Chúng tôi cho rằng, đối với cấp giáo dục phổ thông, sứ mệnh của nhà giáo trước hết là làm sao dạy cho học sinh biết cách học để làm người, chứ không phải học để trở thành công cụ, dù của bất cứ ai hay bất cứ điều gì.
Học để trở thành một người tử tế, trung thực, có tư duy độc lập...
Không thể chỉ đòi hỏi về phía cá nhân nhà giáo, mà còn đòi hỏi sự chuyển đổi của cả hệ thống giáo dục hiện hành: từ mối quan hệ mang tính áp đặt một cách máy móc và gò bó giữa Bộ, Sở và Phòng GD-ĐT với nhà trường, giữa ban giám hiệu với giáo viên... cho tới ngay nội dung SGK hiện nay vốn vẫn còn mang nặng tính chất áp đặt và chính trị hóa.
Nói vắn tắt, cần dân sự hóa hệ thống giáo dục và nhà trường, bên cạnh việc trả lại quyền tự chủ sư phạm cho nhà giáo như đã nói trên. Đó mới đúng là “cải tổ một cách căn bản và toàn diện”.
Xin cảm ơn ông.