Petrolimex trần tình việc “lỗ vẫn lương khủng”

Ông Trần Ngọc Năm
Ông Trần Ngọc Năm
TP - Năm 2011, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ hơn 1.400 tỷ đồng nhưng lương bình quân công ty mẹ vẫn khá cao, 20,96 triệu đồng mỗi tháng.

> Petrolimex lỗ, lương công ty mẹ 20,96 triệu đồng

Cơ chế tiền lương ở tập đoàn này có gì bất thường? Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex, trả lời Tiền Phong.

Quỹ lương riêng cho lãnh đạo

Kiểm toán nhà nước cho biết, năm 2011 Petrolimex lỗ kinh doanh xăng dầu 2.604 tỷ đồng nhưng tiền lương bình quân của khối công ty mẹ rất cao, lên tới 20,96 triệu đồng/người/tháng. Ông có bình luận gì về con số này?

Những số liệu về lương tại công ty mẹ Petrolimex do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố là chính xác. Nhưng cũng cần phải hiểu, công ty mẹ điều hành hoạt động trong hệ thống của mình trong phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh xăng dầu, chúng tôi còn có 24 công ty cổ phần và 2 công ty TNHH tại nước ngoài. Tổng biên chế tại công ty mẹ là hơn 200 người.

Tại công ty mẹ, phần lớn là cán bộ lãnh đạo, chất lượng lao động cao, mang tính chuyên gia. Nên hệ số lương, theo quy định của nhà nước, được trả ở đây đã cao rồi.

Trong phần lương này chúng tôi thực hiện theo đơn giá được liên bộ: Công Thương, Tài chính và Lao động TB&XH duyệt cho cả hệ thống xăng dầu gồm công ty mẹ và các đơn vị thành viên.

Khi có đơn giá, tập đoàn sẽ có quy chế về vấn đề tiền lương cho công ty mẹ bao nhiêu và công ty con bao nhiêu. Còn lại với cán bộ là thành viên HĐQT, ban Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐTV, ban giám đốc các công ty bên dưới có quỹ lương riêng do liên bộ giao.

Năm 2011, do điều kiện kinh doanh lỗ nên chúng tôi không quyết toán hết đơn giá tiền lương. Nếu theo đúng đơn giá tiền lương thực hiện đúng theo tình hình thực tế được duyệt thì chúng tôi còn được quyết toán hơn 40 tỷ đồng nữa.

Xác định kinh doanh khó khăn nên chúng tôi thống nhất trong lãnh đạo chỉ quyết toán bằng đúng mức lương kế hoạch, không hưởng thêm phần gia tăng đáng lẽ được hưởng.

Quỹ lương dành riêng cho lãnh đạo cụ thể là bao nhiêu?

Để chính thức thì chúng tôi phải lấy con số cụ thể. Khi đã cung cấp thì không thể tự mình nói được. Còn KTNN không tách ra phần này mà họ chỉ tính bình quân công ty mẹ.

Còn trong cơ cấu tiền lương do liên bộ giao có tách ra làm hai phần. Một phần quỹ lương của các lãnh đạo và một phần theo đơn giá. Về nguyên tắc, đến kết thúc năm, doanh nghiệp được quyết toán theo đơn giá đó.

Có thể hiểu trong bất cứ tình hình kinh doanh thế nào, các chức danh lãnh đạo nói trên vẫn được hưởng quỹ lương riêng nói trên theo mức tuyệt đối.

Như sang năm 2012, với công ty mẹ chúng tôi chủ động xây dựng đơn giá tiền lương giảm 10% so với năm trước. Qua kết quả thực hiện thực tế, khả năng chúng tôi giảm thêm 5% nữa. Như vậy, so với năm 2011, quỹ tiền lương công ty mẹ sẽ giảm 15%.

Đơn giá tiền lương cho ngành xăng dầu được phê duyệt dựa trên những tiêu chí nào?

Bộ LĐTB&XH căn cứ theo lao động định biên. Trong toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu của tập đoàn có khoảng 17 nghìn lao động. Đơn giá cũng căn cứ theo năng suất lao động, sản lượng và giá bán dự kiến.

Ví dụ, nếu giao đơn giá tiền lương tính theo nghìn đồng/doanh thu thì căn cứ vào dự kiến giá bán. Một chỉ tiêu nữa tính theo lợi nhuận mà lợi nhuận nhiều năm nay áp dụng cơ chế bù lỗ do có sự can thiệp nhất định của cơ quan quản lý.

Về nguyên lý, nếu kinh doanh bình thường không bị can thiệp bình ổn giá, khi sản lượng tăng, lợi nhuận sẽ tăng lên.

Lương Chủ tịch Petrolimex hơn 50 triệu đồng/tháng

Năm 2011 Petrolimex lỗ hơn 1.400 tỷ đồng nhưng tiền lương vẫn tăng 1,6% so với 2010. Điều này có gì bất thường không?

 “Như tôi bây giờ được khoảng 40 triệu đồng/tháng còn Chủ tịch HĐQT cũng chỉ khoảng 50 triệu đồng/tháng”. 

Chúng ta cần nhìn nhận khách quan về bản chất tiền lương hiện nay. Tính toàn ngành, chúng tôi có 1,7 vạn lao động tham gia trong hệ thống kinh doanh xăng dầu, với mức lương bình quân chỉ hơn 6,6 triệu đồng/người/tháng. Còn ở công ty mẹ có hơn 200 con người nên thấy nó cao, trong khi xăng dầu có yếu tố độc hại, phải bán hàng liên tục gần như 24/24.

Theo Luật Lao động, khi làm theo giờ hành chính thì tôi chỉ trả một, ngoài giờ hành chính thì phải trả thêm 30% và phải trả lương theo mức khác vào các ngày cuối tuần, lễ tết. Đối với xăng dầu, những dịp lễ tết mọi ngành được nghỉ nhưng chúng tôi vẫn phải phục vụ bình thường.

Doanh nghiệp kinh doanh lãi và hưởng lương cao là bình thường, nhưng ở đây năm 2011 Petrolimex lỗ mà vẫn hưởng lương cao, ông có thấy bất hợp lý không?

Đã là doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước thì không ai muốn kinh doanh lỗ cả. Chúng tôi rất muốn có lãi để được hưởng cơ chế đúng về tiền lương và được trích lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi để tái đầu tư.

Với doanh nghiệp kinh doanh lỗ, nguồn để đưa vào quỹ đầu tư phát triển không có. Như Petrolimex vốn chủ sở hữu trên 10 nghìn tỷ nhưng tổng tài sản 57 nghìn tỷ, không có lợi nhuận để tích lũy lại.

Còn nếu kinh doanh bình thường, khi có lợi tôi nộp 25% thuế thu nhập doanh nghiệp, còn lại để đưa vào quỹ đầu tư phát triển, động viên khen thưởng cán bộ, nhân viên.

Từ năm 2011 Petrolimex là công ty cổ phần, đặt mục tiêu lợi nhuận để có thể trả 10% cổ tức cho cổ đông, nhưng tình hình kinh doanh như bây giờ, chúng tôi không biết trả lời cổ đông kiểu gì.

Nhà nước có quyền của nhà nước nhưng cổ đông có quyền đòi hỏi dù họ bỏ ra một đồng. Bây giờ nếu theo đúng tinh thần Thông tư 234, chúng tôi có lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, kg.

Với sản lượng bán trên 9 triệu lít/năm, chúng tôi có lãi trên 2.700 tỷ đồng. Sau khi nộp 25% thuế thu nhập doanh nghiệp, tôi còn lại khoảng 2.000 tỷ đồng để bổ sung cho vốn, chi trả cổ tức, thực hiện các nghĩ vụ thỏa ước lao động… Nhưng nay lỗ, do nhà nước kìm giá xăng dầu.

Mức chênh lệch giữa lương công ty mẹ và mức trung bình của người lao động tại các đơn vị thành viên của Petrolimex khoảng hơn 3 lần. Ông đánh giá thế nào về khoảng cách chênh lệch này?

Lương của xăng dầu mới tăng được 3 năm trở lại đây, sau khi liên bộ kiểm tra tiền lương của doanh nghiệp. Sang năm 2009, khi doanh nghiệp có lãi, liên bộ mới đồng ý cho tăng tiền lương.

Trước đây lương của lãnh đạo Petrolimex cũng cực thấp, như tôi hồi đó làm Kế toán trưởng (tương đương hệ số lương phó tổng giám đốc) cũng chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng.

Còn như tôi bây giờ được khoảng 40 triệu đồng/tháng. Còn lương của Chủ tịch Hội đồng quản trị chỉ hơn 50 triệu đồng/tháng.

Theo quan điểm của tôi, với cán bộ lãnh đạo phải có mức lương hợp lý, thỏa đáng mới giữ được người giỏi.

Ngay cả với mức lương hiện nay của chúng tôi, mấy năm qua cần tuyển một phó phòng tài chính có kinh nghiệm, với mức lương khoảng trên 20 triệu đồng nhưng không tuyển được, do những người đủ năng lực để vào được vị trí đó, nếu làm bên ngân hàng thì lương cao hơn nhiều.

Cảm ơn ông.

Mập mờ thu chi người đại diện vốn

Kết quả kiểm toán của KTNN năm 2011 cho thấy, tại Petrolimex, lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2011 theo báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn lỗ 1.423 tỷ đồng gồm: Lỗ của khối kinh doanh xăng dầu là 2.358 tỷ đồng (trong đó lỗ kinh doanh xăng dầu 2.604 tỷ đồng, chủ yếu lỗ do điều chỉnh tỷ giá, tới 1.853 tỷ đồng); lãi của khối các công ty cổ phần, kinh doanh khác và do bù trừ hợp nhất báo cáo tài chính là 935 tỷ đồng.

Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra, sau khi Petrolimex bán cổ phần ra công chúng, số tiền thu được sau khi tăng vốn nhà nước và thanh toán chi phí cổ phần hóa phải nộp về Tổng Công ty Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) là 83,22 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 27-10-2012, công ty mẹ mới tạm nộp 65 tỷ đồng, còn thiếu 18,22 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty mẹ chưa xây dựng quy chế quản lý thu nhập và chi trả thù lao kiêm nhiệm cho người đại diện phần vốn Nhà nước tại các công ty có vốn góp của tập đoàn. Việc thu, chi thù lao kiêm nhiệm cho người đại diện phần vốn nhà nước chưa được thể hiện đầy đủ trên hệ thống sổ sách kế toán của đơn vị, chưa có quy chế, không đúng hướng dẫn.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.