Ôtô Trung Quốc sẽ xâm chiếm thị trường phương Tây?

TPO - Sau một thập niên phát triển, bằng việc mua lại công nghệ và đánh giá các phương pháp sản xuất của nước ngoài, các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang có tham vọng xâm nhập thị trường ôtô Mỹ và châu Âu.

Những cải tiến trong thiết kế, công nghệ và chiến lược tiếp thị xe của các công ty như Geely, GAC Motor và Great Wall Motor đã giúp cho những công ty này có được thị phần lớn hơn trong nước và tăng khả năng cạnh tranh khi xâm nhập các thị trường ở châu Âu và Mỹ. Theo Reuters, giấc mơ thiết lập được một chỗ đứng trong các thành trì phương Tây giờ đã không còn xa với các hãng xe Trung Quốc.

Alain Visser - phó Chủ tịch cấp cao của Lynk & Co (một thương hiệu mới do Geely thành lập) nói rằng: "Những nhà sản xuất ôtô phương Tây đã quá kiêu ngạo. Chúng ta nghĩ rằng mình đang dẫn đầu thế giới nhưng mọi chuyện có thể sẽ rất khác trong tương lai gần.”

Visser cũng nói với Reuters hồi đầu tháng này rằng: "Trung Quốc đang vượt qua các tập đoàn phương Tây với một tốc độ nhanh chóng.”

Ôtô Trung Quốc sẽ xâm chiếm thị trường phương Tây? ảnh 1 Ôtô Trung Quốc xâm chiếm thị trường phương Tây không còn xa.

Hangzhou Geely - hãng sở hữu Volvo Cars, Lotus và sản xuất những chiếc taxi ở London đã nhắm đến việc bán ôtô ở châu Âu vào năm 2019 và Mỹ vào năm 2020. Thương hiệu Lynk & Co được thành lập ở Thụy Điển với Volvo sẽ là mũi nhọn của cuộc tấn công.

Geely dự định chỉ bán những chiếc xe "xanh" - xe hybrid thông thường, xe hybrid plug-in và tất cả các loại xe điện. Đồng thời, hãng sẽ chủ yếu bán thông qua các cửa hàng sở hữu trực tiếp và các đại lý trực tuyến hơn là thông qua các đại lý truyền thống. Khách hàng cũng có thể thuê xe thông qua mô hình thuê bao tương tự như Netflix (NFLX.O) và Spotify.

GAC Motor - công ty con của tập đoàn Guangzhou Automobile Group hợp tác với Honda Motor, Toyota Motor và Fiat Chrysler tại Trung Quốc và có khả năng đánh bại Geely tại thị trường Mỹ vào cuối năm 2019. Nhưng khác với Lynk & Co, GAC có tiềm năng bán hàng thông qua mạng lưới phân phối truyền thống của các cửa hàng bán lẻ được nhượng quyền thương mại tại đây.

Các nhà sản xuất Trung Quốc phải mất nhiều năm nỗ lực để có được ngày hôm nay và chắc chắn rằng sẽ có những cuộc xung đột mạnh với những đối thủ trong ngành.

Jeff Cai - Giám đốc cấp cao của JD Power & Associates có trụ sở tại Bắc Kinh nói rằng: "Một trở ngại lớn tại các thị trường như Mỹ là thành kiến của người tiêu dùng đối với hàng hoá Trung Quốc. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hầu hết người tiêu dùng Mỹ nghĩ rằng Trung Quốc là nước thứ ba trên thế giới sản xuất các mặt hàng chất lượng thấp".

Bên cạnh đó, ôtô nhập từ Trung Quốc có thể sẽ làm tăng tỷ lệ suất siêu của hàng Trung Quốc sang Mỹ, vấn đề vốn đã tồn tại trong quan hệ kinh tế hai nước.

MỚI - NÓNG