Vẫn có trường bao che cho tham nhũng, tiêu cực
Sáng 4/9, Ban Nội chính T.Ư phối hợp với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư tổ chức Tọa đàm khoa học: “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong phòng, chống tham nhũng – Vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhấn mạnh: “Người đứng đầu có vị trí, vai trò rất quan trọng, đôi khi có ý nghĩa quyết định đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan trong đó có công tác PCTN”.
"Chỉ khi nào, ở đâu người lãnh đạo gương mẫu đi đầu, kiên quyết đấu tranh PCTN thì ở đó tham nhũng ít xảy ra và ngược lại, ở đâu người đứng đầu có biểu hiện buông lỏng, không muốn và không dám chống tham nhũng, nói không đi đôi với làm thì ở đó tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, phức tạp", ông Học nhấn mạnh.
Theo Phó Ban Nội chính Trung ương, những chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác PCTN thời gian qua, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong PCTN. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã rất kiên quyết, kiên trì chỉ đạo phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
Tuy nhiên, ông Học cũng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá rằng, ở nhiều nơi, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong PCTN chưa được phát huy tốt, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu.
Vẫn có tình trạng người đứng đầu chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng; có trường hợp nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí bao che cho trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Nghiêm trọng hơn, nhiều người đứng đầu đã thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng bị phát hiện xử lý.
Cũng theo ông Học, thời gian qua số vụ tham nhũng được chỉ đạo phát hiện, xử lý trong nội bộ cơ quan, đơn vị chưa phản ảnh đúng thực trạng tình hình tham nhũng. Qua sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy, từ 2016 đến nay đã phát hiện 1.121 vụ án với 2.473 bị can tham nhũng. Trong đó, chỉ có 38 vụ với 44 người có hành vi sai phạm liên quan đến tham nhũng được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ.
Càng những ông giàu có thì lại càng tham
PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, suy cho cùng là người đứng đầu có làm hay không, có thực hiện hay không là vấn đề quan trọng.
Phản biện lại ý kiến của một đại biểu nói rằng phải tăng lương, ông Phúc thẳng thắn nhận xét: Càng những ông của cải giàu có nhiều lại càng tham nhũng chứ có phải anh ít lương tham nhũng đâu”.
"Hôm qua xem tivi, tôi xem hình ảnh Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ TP.HCM đến đoạn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rất gay gắt: Các anh cứ nói cơ chế, tôi không tán thành đổ cho cơ chế”, ông Phúc đặt vấn đề: "Cũng cơ chế sao có người làm tốt, có nơi không tham nhũng? Tôi nghĩ rằng mọi nghị quyết, quy định, mọi lý luận đều phụ thuộc vào người đứng đầu thực hiện như thế nào trong thực tiễn".
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, vai trò của người đứng đầu trước hết là vai trò của “người cầm cờ”. phải gương mẫu đi đầu. Nếu “người cầm cờ” không đi đầu trong PCTN thì cơ quan, đơn vị đó sẽ có những vấn đề nhất định.
Qua việc xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức vụ, người đứng đầu vừa qua, ông Thực cho rằng, đều vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhiều nội dung nguyên tắc phải đưa ra bàn, quyết định tập thể nhưng cá nhân lại quyết định trước. Theo quy định dự án phải đấu thầu thì lại cho chỉ định thầu.
“Những việc làm đó đều cho thấy bóng dáng của chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, sân trước, sân sau”, ông Thực nói và cho rằng, cần phải xây dựng được những cơ chế kiểm soát quyền lực, qua đó mọi đối tượng đều không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng.