Ông Vũ Mão: “Đổi mới, đổi mới nhiều hơn nữa”

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
TP - “Bây giờ cần phải đổi mới, đổi mới nhiều hơn nữa và đổi mới có chiều sâu. Đây là những vấn đề đặt ra cho Đại hội XII của Đảng ta. Bài học của Đại hội VI là vậy, dám nhìn thẳng vào sự thật”, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ với Tiền Phong về những thành quả và những vấn đề cần rút ra sau 30 năm đổi mới. 

Bài học của Đại hội VI vẫn còn tươi nguyên

Nhìn lại cách đây hơn 30 năm, giai đoạn 1980-1986 (trước đổi mới), ông Vũ Mão cho rằng, đây là thời kỳ rất khó khăn của đất nước. Sau đại thắng Mùa Xuân năm 1975, chúng ta hi vọng khi đất nước được độc lập, thống nhất sẽ phát triển mạnh mẽ, bạn bè quốc tế sẽ ủng hộ; song thực tế chúng ta lại phải đối mặt với quá nhiều khó khăn. Không bao lâu sau, tập đoàn Pôn Pốt đánh vào biên giới Tây Nam, tàn sát nhân dân ta. 

Trong khi chúng ta đưa quân sang giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng thì đến năm 1979 Trung Quốc đưa quân tấn công 6 tỉnh biên giới Phía Bắc của nước ta. Việc làm chính nghĩa và trong sáng của chúng ta vấp phải sự hiểu lầm của nhiều nước thế giới. Họ không hiểu bản chất của vấn đề và tuyên truyền xuyên tạc với luận điệu Việt Nam xâm lược Camphuchia; mà đã là xâm lược thì phải bị trừng phạt, và lệnh cấm vận của Mỹ, của nhiều nước trên thế giới đưa ra khiến chúng ta gặp muôn vàn khó khăn.

Không chỉ vậy, thời điểm đó động lực để phát triển sản xuất không có, nông dân chán nản bỏ ruộng đất. Người dân thiếu lương thực nghiêm trọng, thậm chí nhập lương thực từ bên ngoài vào cũng không đủ, phải ăn khoai, sắn, bo bo rất khổ cực. 

Đến năm 1985 lại có sai lầm về chính sách Giá - Lương - Tiền, khiến lạm phát phi mã, đồng tiền mất giá. Có thể nói nền kinh tế của chúng ta trước khi bước vào Đại hội VI đã xuống tận đáy, mà thực chất là khủng hoảng. Nếu không kịp thời đưa ra giải pháp thì vô cùng nguy hiểm. Không còn cách nào khác, chúng ta phải tự cứu lấy mình.

Ông Vũ Mão: “Đổi mới, đổi mới nhiều hơn nữa” ảnh 1

Nhà ga Quốc tế T2 Nội Bài. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nhìn thẳng vào sự thật

Nhìn lại lịch sử của đất nước, ông Vũ Mão rút ra một chân lý, cứ vào những thời điểm khó khăn nhất chúng ta lại càng vững vàng và tỉnh táo, sáng suốt, thấy những khiếm khuyết, khó khăn của mình và dám nhìn thẳng vào sự thật. Khẩu hiệu lúc đó là: Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật để đổi mới, tiến lên. Phải đổi mới toàn diện, nhưng trước hết là đổi mới tư duy, rồi tích cực đổi mới kinh tế. Tinh thần của Đại hội VI là đồng tâm nhất trí, tìm tiếng nói chung để vượt qua thách thức. 

“Bài học kinh nghiệm của chúng ta là bài học về tinh thần Đại đoàn kết, đồng tâm nhất trí. Dẫu có khó khăn đến mấy, chúng ta quyết tâm phát huy sức mạnh nội tại, sức mạnh dân tộc để vươn lên”, ông Mão nhìn nhận. Với tinh thần đổi mới đó, từ một nước thiếu ăn chúng ta đã tiến lên đủ ăn, đến những năm 1990 đã có lương thực xuất khẩu. Trong lĩnh vực công nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chủ, kích thích phát triển sản xuất, tạo bầu không khí phấn khởi.

“Công tác cán bộ là quyết định, luân chuyển cán bộ là cần thiết nhưng cũng phải làm sao cho trong sáng. Tránh để xảy ra tư tưởng thường trực trong các cán bộ được luân chuyển là đi vài năm rồi quay về sẽ được cơ cấu vào các chức vụ cao hơn. Tình hình bây giờ là như thế. Ngày xưa chúng tôi xác định đi là chỉ biết đi, cái gì đến thì nó sẽ tự đến, thế thôi”. 

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội 

Ngoài rút hết quân khỏi Campuchia, chúng ta cũng mở mũi đột phá, tiếp cận với bạn bè quốc tế bằng cách sửa lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980. Từ khái niệm kẻ thù, chúng ta đã hướng tới tương lai, nhấn mạnh Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Chúng ta đã xây dựng Hiến pháp năm 1992 với một tinh thần cởi mở hơn, dân chủ hơn và được giới trí thức miền Nam rất quan tâm. Rồi một nguyên tắc cơ bản của dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền là nguyên tắc suy đoán vô tội, tức khi chưa bị tòa tuyên án thì người đó chưa có tội. Giới trí thức miền Nam coi đó là hai dấu son cơ bản.

Sau 30 năm đổi mới, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng được nâng lên, từ bị bao vây cấm vận đã đi vào hội nhập quốc tế, điển hình chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế. Riêng trong lĩnh vực hoạt động Quốc hội, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện các nước Đông Nam Á - AIPO, hay gần đây là Đại hội đồng IPU 132. Những kết quả ấy đã tạo dấu ấn Việt Nam rất rõ nét, bạn bè quốc tế cảm phục. 

Ông Vũ Mão: “Đổi mới, đổi mới nhiều hơn nữa” ảnh 2

Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tiếp tục đổi mới

Đánh giá trong 30 năm đổi mới, chúng ta đã có bước phát triển, tình hình đất nước ổn định. Tuy nhiên, ông Vũ Mão cũng thẳng thắn cho rằng, so sánh khu vực và quốc tế, chúng ta vẫn thuộc loại trung bình thấp. Tốc độ để phát triển vẫn còn chậm, cổ phần hóa không những chậm mà hiệu quả thấp. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn không hiệu quả, dù chiếm tài sản quốc gia lớn, nhưng đóng góp cho ngân sách lại chưa tương xứng. Nghiêm trọng nhất là nạn tham nhũng, làm xói mòn niềm tin trong nhân dân.

Theo ông Vũ Mão, sau 30 năm đổi mới, chúng ta phải nhìn lại những bài học kinh nghiệm từ Đại hội VI, tiếp tục đổi mới với chất lượng cao hơn. “Lý luận của Đại hội VI chưa có nhiều nhưng chúng ta vẫn có được nhiều kết quả, bởi có niềm tin và quyết tâm. Bây giờ chúng ta phải tạo ra được không khí như Đại hội VI, dám nhìn thẳng vào sự thật,  nói đúng sự thật. Phải nghiêm túc nhìn ra khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, từ đó khắc phục và đưa đất nước đi lên”, ông Vũ Mão nêu.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Mão, vấn đề muôn thủa của một xã hội, của một Đảng là vấn đề dân chủ, kèm theo công khai minh bạch. Ông cho rằng, cái này còn nhiều việc cần phải làm. Chúng ta cũng kê khai tài sản nhưng cách làm còn chiếu lệ, mang tính thủ tục, chưa thực chất. Chúng ta cần học tập một cách thực chất cách làm của Singapore trong việc kê khai tài sản, phải rất rõ ràng, minh bạch.

Ngoài ra, Đại hội nhiệm kỳ tới cũng cần tiếp tục đổi mới tư duy để nhận thức đầy đủ hơn về Nhà nước pháp quyền để xây dựng một xã hội văn minh. Chúng ta cần nhận thức sâu sắc về nền kinh tế thị trường để phát huy những mặt tốt, khắc phục những mặt trái, đừng để cho đạo đức con người xuống cấp. Tránh tình trạng nghiên cứu hời hợt.

Một vấn đề rất quan trọng là phải coi trọng một cách đích thực vị trí của nông nghiệp và nông thôn. Đất nước ta cần coi nông nghiệp là nền tảng để phát triển, đi lên trên nền tảng ấy. Kiên quyết không để vị thế nông nghiệp thấp kém như hiện nay, không để hơn 70% nông dân chịu cảnh đời sống khó khăn, sống ở mức nghèo khó.

“Đây là những vấn đề theo tôi sẽ được đặt ra ở Đại hội XII sắp tới”, ông Vũ Mão chia sẻ. 

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.