Trong phiên xét xử sơ thẩm vụ đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Tiên Phong, BIDV và Sacombank, gây thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng tại TAND TP HCM, ông Trần Bắc Hà – nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban Quản lý rủi ro tín dụng đầu tư tại Hội sở chính của BIDV được tòa triệu tập với vai trò nhân chứng và người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan. Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà vắng mặt, không cử người đại diện đến tòa tại buổi xét xử ngày 8/1.
Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật – Giám đốc Văn phòng luật sư hợp danh Đông Nam Á cho rằng, tòa án có thể thực hiện biện pháp cưỡng chế áp giải theo quy định Luật Tố tụng Hình sự 2015.
Về thông tin ông Trần Bắc Hà vắng mặt do đang điều trị bệnh ung thư gan, theo luật sự Thuật, tòa án có thể yêu cầu cảnh sát tư pháp xác minh thông tin này. Nếu ông Trần Bắc Hà ốm nằm viện, tòa án có thể xem xét hoãn xét xử tới khi nào ông Hà có thể đi lại hoặc quyết định lấy lại, bổ sung lời khai. Trường hợp ông Trần Bắc Hà ốm nặng, không qua khỏi, tòa án có thể công nhận, sử dụng lời khai cũ để xét xử.
Theo luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, áp giải và dẫn giải là một biện pháp cưỡng chế trong hoạt động tố tụng hình sự, được áp dụng trong các trường hợp bị can, bị cáo, người làm chứng cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án mà không có lý do chính đáng, gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, áp giải có thể áp dụng đối với: Bị can, bị cáo trong trường hợp đã được triệu tập nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng; Người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị buộc tội.
Dẫn giải có thể áp dụng đối với: Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.