Sáng 20/4, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Phùng Anh Lê (nguyên Trưởng Công an quận Tây Hồ, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội) về tội “Nhận hối lộ”.
Tại phần làm thủ tục, thư ký phiên tòa thông báo vắng mặt nhiều người liên quan, trong đó có hai luật sư bào chữa của ông Phùng Anh Lê.
Bị cáo Lê cho hay, việc vắng mặt hai luật sư sẽ ảnh hưởng đến quá trình tranh luận.
Ngoài ra, ông Lê còn đề nghị triệu tập thêm bị án Vũ Công Ngọc, Nguyễn Đức Châu, Lê Đình Trung, ông Phùng Văn Bảy và nguyên Trưởng Công an quận Tây Hồ Mai Trọng Thắng, Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ Phạm Quý Hải, để đối chất trực tiếp, làm rõ những tình tiết trong vụ án.
“Nếu những người này hôm nay không có mặt, tôi đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa”, ông Phùng Anh Lê nói.
Trước ý kiến của ông Lê, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, các bị án đều có đơn xin xét xử vắng mặt, họ không kháng cáo và giữ nguyên lời khai trong quá trình điều tra nên không cần thiết phải triệu tập tới phiên tòa.
Ngoài ra, xét thấy trường hợp vắng mặt của một số cá nhân khác không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Đây là phiên tòa phúc thẩm mở lần 2, do đó, Viện kiểm sát đề nghị tòa tiếp tục làm việc.
Sau khi hội ý, HĐXX chấp nhận việc những người nêu trên có đơn xin vắng mặt và giữ nguyên lời khai và ông Phùng Văn Bảy đã có lời khai liên quan bản ghi âm, quá trình xét xử, tòa sẽ công bố các nội dung liên quan. Do đó, tòa phúc thẩm quyết định tiếp tục phiên xử.
Bị cáo Phùng Anh Lê tại tòa. |
Giữa tháng 8/2022, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Phùng Anh Lê 7 năm 6 tháng tù về tội "Nhận hối lộ".
HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng Cảnh sát hình sự Công an Tây Hồ) 10 tháng 20 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam); bị cáo Lê Đình Trung lĩnh 4 tháng 12 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam), cả hai được trả tự do tại tòa; riêng bị cáo Vũ Công Ngọc (cựu Đội phó Hình sự Công an quận Tây Hồ) bị tuyên 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Cả ba bị cáo nêu trên đều bị tuyên án về tội "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”.
Về dân sự, HĐXX buộc ông Phùng Anh Lê nộp lại số tiền đã nhận hối lộ để sung công quỹ Nhà nước.
Bản án sơ thẩm xác định, sau khi đối tượng Nguyễn Hữu Tài (trú quận Ba Đình) ra đầu thú về hành vi cùng đồng phạm bắt giữ, đánh một người vay nợ. Tài sau đó bị Công an quận Tây Hồ tạm giữ khuya 22/9/2016.
Nhận được tin, người thân của Tài đã nhờ ông Phùng Văn Bảy (chú họ của bị cáo Lê) gặp ông Lê để nhờ giúp đỡ cho nghi phạm này không bị xử lý hình sự.
Khi gặp chú họ, cựu đại tá Phùng Anh Lê đã đề nghị phải đưa 110 triệu đồng để cho Tài và phía bị hại hòa giải. Sau đó, người thân của Tài đã chuẩn bị tiền và vay mượn thêm, rồi chuyển cho ông Bảy để người trung gian này chuyển cho ông Lê.
Sau khi ông Bảy gặp và để tiền tại phòng làm việc của ông Lê rồi ra về, bị cáo đã yêu cầu Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc mang hồ sơ vụ việc liên quan Nguyễn Hữu Tài đến để xem. Lúc đó, Tài đã được đưa vào nhà tạm giữ của Công an quận Tây Hồ.
Đêm 22/9/2016, ông Lê chỉ đạo cấp dưới đến nhà tạm giữ đưa Tài ra ngoài, cho viết cam đoan rồi thả về.
Tại phiên sơ thẩm, ông Lê phản bác cáo trạng buộc tội và đem cả tính mạng của mẹ đẻ ra “thề độc” thể hiện sự bản thân “trong sáng”.