Ngày 19/11, TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ. Theo cáo trạng, hệ thống các cổng game bài được Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch Cty CNC (Cty bình phong của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50) và Phan Sào Nam - nguyên GĐ Cty VTC trực tuyến, hợp tác xây dựng dưới sự bao che của Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa. Hệ thống này hút gần 43 triệu tài khoản đánh bạc, thu về hơn 9.853 tỷ đồng.
Can thiệp cấp dưới kiểm tra?
Khi được xét hỏi, bị cáo Nguyễn Văn Dương thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cho rằng đã biến CNC thành Cty bình phong của C50 dưới sự giới thiệu của một cán bộ lãnh đạo Bộ Công an và bị cáo Phan Văn Vĩnh. Ngoài ra, Dương cho biết, C50 từng muốn tuyển dụng mình vào ngành công an do có chủ trương từ Bộ Công an thời điểm đó về việc phát triển Cty nghiệp vụ. Tuy vậy, bị cáo này không trả lời các câu hỏi liên quan khái niệm, loại hình của Cty bình phong, nghiệp vụ.
Theo Dương, hệ thống Rikvip/Tipclup của các bị cáo thu hút hàng triệu tài khoản tham gia nhưng không bị kiểm tra. Trước việc này, chủ tọa công bố lời khai thể hiện Nguyễn Văn Dương đã nhờ ông Nguyễn Thanh Hóa nhờ gọi điện cho ông Sơn - Trưởng phòng PC50 Hà Nội để can thiệp khi Cty VTC của Phan Sào Nam bị kiểm tra. “Anh Hóa nói để tao lo, sau đó Cty VTC không bị xử lý gì” - lời khai của Dương.
Về hành vi đưa hối lộ của Dương đã được đình chỉ điều tra, chủ tọa công bố lời khai thể hiện Dương từng biếu bị cáo Phan Văn Vĩnh hàng chục tỷ đồng, vài triệu USD; cho tiền bị cáo Nguyễn Thanh Hóa và nhiều người, đơn vị khác trong lực lượng công an với mong muốn được giúp đỡ.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh phủ nhận lời khai của Dương, nói chỉ nhận áo sơ mi, thuốc bổ gan và mua từ Dương 1 đồng hồ Rolex giá 1,1 tỷ đồng. Về thu nhập, ông Vĩnh khai lương của Tổng cục trưởng khoảng 20 triệu đồng/tháng, vợ làm giáo viên, lương khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, bị cáo chơi cây cảnh từ lâu, đã thu thập nhiều cây giá trị cao, có cây khoảng 10 tỷ đồng. Bị cáo Vĩnh khai đã lấy tiền bán cây để mua đồng hồ của Dương nhưng sau đó làm mất tại một khách sạn.
Hối hận vì tin tưởng cấp dưới
Đây là khẳng định của bị cáo Phan Văn Vĩnh khi được hỏi về hành vi của mình. Ông Vĩnh sức khỏe yếu, liên tục phải dừng lại khi khai báo. Chủ tọa cũng cho phép bị cáo ngồi nếu cần nhưng nguyên Trung tướng công an xin đứng nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm của phiên tòa. Bị cáo này trình bày: “Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây hệ lụy nhiều, gây bất an cho xã hội. Bị cáo hết sức thấm thía, ân hận với vai trò của mình, là Tổng cục trưởng có nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, lẽ ra bị cáo phải làm tốt hơn...”.
Được hỏi việc Thượng tướng Lê Quý Vương từng yêu cầu báo cáo về Cty CNC nhưng bị cáo “quên”, ông Vĩnh cho biết thời điểm nhận yêu cầu, các vụ án giết người diễn ra nhiều, một số vụ án thuộc diện theo dõi của Trung ương cũng kết thúc giai đoạn điều tra... nên bản thân không nhớ. “Anh Nguyễn Công Sơn, anh Nguyễn Thanh Hóa cũng không nhắc bị cáo, đến khi có văn bản yêu cầu lần hai bị cáo mới giục C50” - ông Vĩnh nói.
Về việc trong tháng 4/2017 ký văn bản lùi ngày về năm 2011 giúp Nguyễn Thanh Hóa “hợp thức” việc C50 không góp vốn vào CNC, ông Vĩnh khai mình ký vì nể cấp dưới. “Lúc tôi đang dọn đồ về nghỉ chế độ, Hóa lên nói xin anh ký hợp thức cho em để thanh tra Tổng cục vào... Tôi nể tình đồng chí, đồng đội 8 năm công tác, chia sẻ với nhau nên đã ký. Hóa nói anh chừa ngày để em viết, xin số sau” - ông Phan Văn Vĩnh khai.
Đáng chú ý, bị cáo Vĩnh khẳng định bản thân không hề biết việc CNC tổ chức đánh bạc hay được cấp xe biển xanh vì chỉ quản lý, nhận báo cáo từ C50, không trực tiếp quản lý CNC. Ông Vĩnh nói: “Bị cáo rất bận, có 16 đầu mối là thành tố quản lý, hơn nữa ở C50 có 1 tổng cục phó phụ trách. Vì vậy, khi nhận báo cáo bị cáo rất tin tưởng”. Nguyên Trung tướng công an nói thêm, khi Nguyễn Văn Dương bị bắt và mình đã về hưu, Nguyễn Thanh Hóa vẫn gặp và tái khẳng định việc CNC không tổ chức đánh bạc.
Trả lời câu hỏi từ luật sư về lỗi của mình, ông Phan Văn Vĩnh trình bày: “Tôi có lỗi tin tưởng vào cấp dưới, thiếu kiểm tra đôn đốc, tin tưởng cơ quan chuyên môn... Với cả cuộc đời 45 năm cống hiến, công tác, chặng đường ấy tôi đã sát cánh cùng lực lượng cảnh sát ở tất cả các tỉnh thành, đấu tranh sao cho nhân dân bình yên hơn... Tuy nhiên, trên lĩnh vực mới, nhạy cảm như lĩnh vực công nghệ cao, việc cập nhập thông tin tiếp cận sớm lĩnh vực tôi còn hạn chế về tuổi tác nhưng tôi có chuyên gia là lực lượng C50 rất năng lực, có thể tấn công bất cứ tội phạm nào trên lĩnh vực công nghệ cao. Tôi tin cấp dưới, tin anh em...”.
Chủ tọa yêu cầu kiểm sát viên không được trình chiếu những văn bản đóng dấu mật liên quan nghiệp vụ, chỉ đạo của lực lượng công an; đề nghị các cơ quan báo chí đã quay chụp các văn bản này không đăng tải công khai. Quá trình xét hỏi, luật sư Huyền Trang (bào chữa cho ông Phan Văn Vĩnh) cũng dẫn một số văn bản, tuy nhiên bị cáo Vĩnh đề nghị tòa nhắc nhở bà Trang cũng như những người khác không được công khai các văn bản liên quan lực lượng công an. Cuối giờ chiều, chủ tọa công bố văn bản của Công an tỉnh Phú Thọ về việc Bộ Công an từ chối giải mật một số văn bản trong vụ án, yêu cầu những người tham gia tố tụng thực hiện tốt việc bảo mật.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh phủ nhận lời khai của Dương đã đưa hàng chục tỷ đồng (lúc thì bằng tiền VNĐ, khi thì bằng USD) cho mình, nói chỉ có áo sơ mi, thuốc bổ gan và mua từ Dương 1 đồng hồ Rolex giá 1,1 tỷ đồng. Về thu nhập, ông Vĩnh khai lương của Tổng cục trưởng khoảng 20 triệu đồng/tháng, vợ làm giáo viên, lương khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, bị cáo chơi cây cảnh từ lâu, đã thu thập nhiều cây giá trị cao, có cây khoảng 10 tỷ đồng. Bị cáo Vĩnh khai đã lấy tiền bán cây để mua đồng hồ của Dương nhưng sau đó làm mất tại một khách sạn.
Chủ tọa đặt câu hỏi, quá trình điều tra bị cáo có bị bức cung, dùng nhục hình không? Nguyên Trung tướng Phan Văn Vĩnh mỉm cười, đáp: “Bị cáo không”.