Ông Obama thuyết phục Tổng thống Palestine từ bỏ nỗ lực

Ông Obama thuyết phục Tổng thống Palestine từ bỏ nỗ lực
TP - Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại New York hôm 21-9 để thuyết phục nhà lãnh đạo Palestine từ bỏ kế hoạch đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) công nhận Palestine là một nhà nước độc lập bất chấp sự phản đối từ phía Mỹ và Israel.

Palestine nỗ lực gia nhập LHQ:

Ông Obama thuyết phục Tổng thống Palestine từ bỏ nỗ lực

Khủng hoảng ngoại giao về vấn đề nhà nước Palestine
> Palestine xin gia nhập Liên Hợp Quốc

Cùng ngày, ông Obama gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm tháo gỡ bế tắc vấn đề Palestine. Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes nói với báo chí rằng, khi gặp mặt ông Abbas và ông Netanyahu, ông Obama đều nói rất thẳng thắn rằng tại sao phía Mỹ lại tin hành động ở LHQ không phải là cách đi đúng đắn giúp Palestine đạt được mục tiêu thành lập nhà nước độc lập.

Tổng thống Abbas hứa hôm 23-9 rằng, ông tới sẽ gửi lên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon một lá thư đề nghị công nhận Palestine là thành viên chính thức của LHQ. Ông Abbas cũng đề nghị ông Ban Ki-moon tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an về vấn đề thành lập nhà nước độc lập của Palestine, bất chấp việc phía Mỹ nói rằng Washington sẽ bỏ phiếu phủ quyết đề nghị này của Palestine.

Chính quyền Obama và chính phủ Israel luôn cho rằng, chỉ có đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Israel và Palestine mới có thể dẫn đến hòa bình cho người Palestine. Tuy nhiên, phía Palestine nói rằng, gần hai thập kỷ qua, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel có sự trung gian hòa giải của Mỹ không đạt kết quả nào khiến Palestine cho rằng Mỹ không có khả năng giúp đỡ nên quay sang tìm sự ủng hộ của LHQ.

Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Riyad al Malki nói rằng, ít nhất 9 trong tổng số 15 thành viên Hội đồng Bảo an sẽ ủng hộ nỗ lực nói trên của Palestine. Ông Malki thúc giục Mỹ tránh xa con đường mà Palestine đang đi. Ngoại trưởng Malki nói rằng, Palestine hy vọng Mỹ sẽ sửa đổi lập trường của mình, đứng vào bên đa số của LHQ để ủng hộ việc thành lập nhà nước Palestine độc lập và có quyền tự quyết.

Nếu Mỹ bỏ phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, điều đó có thể khiến các nỗ lực của Palestine không đi đến kết quả, kể cả trong trường hợp hầu hết thành viên khác bỏ phiếu ủng hộ cho Palestine. Nếu trong cuộc bỏ phiếu, Palestine nhận được 9 phiếu ủng hộ, sự phủ quyết của Mỹ sẽ tự động trở thành một trở ngại lớn làm tăng khủng hoảng ngoại giao về vấn đề Palestine tại LHQ. Trong trường hợp như vậy, Israel cũng phải hứng chịu sức ép về việc hàng chục năm qua Tel Aviv đã không chịu thỏa hiệp với Palestine, khiến người Palestine hết hy vọng vào các cuộc đàm phán trực tiếp với Israel.

Để giúp tháo gỡ bế tắc cho vấn đề nhà nước độc lập của Palestine, suốt tuần qua, nhóm bộ tứ gồm Nga, Mỹ, LHQ và Liên minh châu Âu liên tục tham vấn lẫn nhau, nhưng rất ít dấu hiệu cho thấy sẽ có bước đột phá cho cuộc khủng hoảng ngoại giao này trong vài ngày tới.

Đ.P
(Theo Reuters)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG