Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters |
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn được CNN phát sóng hôm 22/6, ông Obama thừa nhận rằng một phần cư dân trên bán đảo đã ủng hộ lập trường của Nga vào năm 2014.
“Có một lý do vì sao không có cuộc tấn công vũ trang vào Crimea năm 2014, là bởi vì Crimea có rất nhiều người nói tiếng Nga”, cựu lãnh đạo Mỹ nói với phóng viên của CNN. “Có một số luồng ý kiến đồng cảm với quan điểm rằng Nga đang đại diện cho lợi ích của họ.”
Bình luận về phát ngôn của ông Obama, ông Peskov cho biết “thỉnh thoảng lối suy nghĩ hợp lý như vậy lại xuất hiện ở Mỹ”.
Ông nói thêm: “Thực sự có một nhóm đủ lớn gồm các chính trị gia ủng hộ ý tưởng phát triển quan hệ tốt đẹp với Nga và những người đã lên tiếng phản đối việc áp đặt làn sóng bài Nga”.
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin tỏ ra không đồng tình với ước tính của ông Obama về số lượng người Crimea ủng hộ việc thống nhất với Nga. “Đó không phải chỉ là một bộ phận nhất định người dân Crimea, mà thực tế là toàn bộ người dân Crimea muốn trở thành một phần của Nga”, ông Peskov nói.
Crimea đã tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga vào năm 2014, nhưng Ukraine không công nhận.
Phát ngôn mới nhất của cựu Tổng thống Obama đã vấp phải sự phản đối từ phía Ukraine. Cố vấn Tổng thống Ukraine, Mykhailo Podolyak viết trên Twitter: “Nếu ông Barack Obama công khai tuyên bố rằng việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 là 'hợp pháp và chính đáng', thì chúng ta không nên ngạc nhiên rằng ngày nay có một cuộc xung đột quy mô lớn đang cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người”.
Giải thích về phát ngôn của mình, cựu Tổng thống Mỹ lập luận rằng ở thời điểm đó, các đồng minh phương Tây đã không cung cấp cho Ukraine bất kỳ sự hỗ trợ vật chất nào để chống lại Nga, hoặc phản đối việc sáp nhập, ngoài các biện pháp kinh tế hoặc ngoại giao.
Nga tuyên bố Crimea là một phần hợp pháp của nước này vì phần lớn dân số trong khu vực là người gốc Nga và nói tiếng Nga, một quan điểm mà châu Âu có thể hiểu được, ông Obama nói.
“Một phần của những gì đã xảy ra, là cả tôi và cả Thủ tướng Đức khi đó - bà Angela Merkel, người mà tôi rất tin tưởng, đã phải thúc giục rất nhiều người châu Âu khác lên tiếng để áp đặt các biện pháp trừng phạt, để ngăn chặn Nga tiếp tục làm điều tương tự với Donbass và phần còn lại của Ukraine,” ông nói thêm.
Ông Obama nói rằng ý thức về bản năng và khả năng chống lại Nga đã nhen lên ở Ukraine sau cuộc sáp nhập năm 2014. Và đó là nguyên nhân dẫn đến sự phản kháng quyết liệt hiện nay.
Ông nói: “Chúng tôi đã thách thức Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng những công cụ mà chúng tôi có vào thời điểm đó.”