Ông Nguyễn Đức Hưởng 'rút' khỏi HĐQT Sacombank, ai thay vị trí 'ghế nóng'?

Ông Nguyễn Đức Hưởng - Cố vấn cao cấp của LienVietPostBank.
Ông Nguyễn Đức Hưởng - Cố vấn cao cấp của LienVietPostBank.
TPO - Sacombank dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2015, 2016 vào ngày 30/6. Và đến thời điểm này, ai sẽ là tân chủ tịch Sacombank vẫn là một ẩn số, đặc biệt trước thông tin ứng viên nặng ký Nguyễn Đức Hưởng vừa có đơn xin rút.

Ông Nguyễn Đức Hưởng vừa có công văn gửi HĐQT Sacombank "không thể tham gia ứng cử" HĐQT ngân hàng này nhiệm kỳ 2017 - 2020. Thông tin này được chính bản thân ông Hưởng xác nhận với Tiền Phong và phóng viên báo giới. 

“Bản công văn gửi đến HĐQT Sacombank của ông Hưởng ngắn gọn chỉ vọn vẹn nội dung không thể tham gia ứng cử”, một nguồn tin cho biết.

Với giới đầu tư trên TTCK, nhiều thông tin cho thấy họ đều đã biết vị trí mà ông Hưởng có thể sẽ ngồi vào tại Sacombank sau khi Đại hội diễn  ra trước đó sẽ là “ghế nóng” chủ tịch nhà băng này. “Ông Hưởng là một lựa chọn được nhiều thành viên hiện tại của Sacombank đồng thuận. Thậm chí, họ rất tin tưởng ông ấy đủ năng lực dẫn dắt điều hành và xử lý những tồn tại của Sacombank, đặc biệt trong xử lý nợ xấu lúc này”,  một nhà đầu tư bình luận.

Vậy, tới đây ai sẽ ngồi ghế nóng chủ tịch Sacombank? Thông tin đang tiếp tục được đồn đoán. Hiện, theo nguồn tin của Tiền phong, NHNN cũng đã có những phương án về nhân sự khả thi cho Sacombank. “bất cứ ai muốn vào Sacombank đều phải đáp ứng tiêu chí không chỉ có tiền thật mà còn cần nghiệp vụ giỏi để xử lý những tồn tại của ngân hàng”. Trên thị trường chứng khoán, lập tức có tin đồn, rất có thể một đại gia ngân hàng cũng  đang ngắm đến Sacombank và rất muốn vào.

Trước đó, giới đầu  tư tài chính luôn biết đến ông Hưởng trong vị trí Phó Chủ tịch Thường trực Ngân hàng LienVietPostBank. Ông Hưởng gia nhập ngân hàng này từ thời ban trù bị năm 2007, và đến tháng 8/2008, ngân hàng LienVietPostBank được chính thức thành lập.

Ông Nguyễn Đức Hưởng là một trong những lãnh đạo cao cấp tham gia sáng lập và điều hành ngân hàng này suốt từ những ngày đầu. Tại ngân hàng này, ông sở hữu hơn 22 triệu cổ phiếu LVB, chiếm tỷ lệ 3,37%. Vừa qua,  ông Hưởng vẫn mua vào một lượng lớn cổ phiếu LVB để trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này.

Trao đổi với Tiền phong ngày 5/6, ông Nguyễn Đức Hưởng cũng khẳng định hiện ông vẫn ở vị trí cố vấn cấp cao LienVietPostBank.

Rời vị trí phó chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng, thời gian qua, ông Hưởng đã tập trung vào công việc phó chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Bên cạnh kiên trì thực hiện chiến dịch “giải cứu lợn” tại hàng loạt các tỉnh Đăl Lăk; Điện Biên và tới đây là miền Trung  nhằm giúp nông dân vượt qua khó khăn, đồng thời mang những suất quà thiết thực đến đồng bào và trẻ em nghèo cả nước. Mới đây, tại quê hương Cẩm Khê (Phú Thọ), ông Nguyễn Đức Hưởng đã tổ chức chương trình gieo mầm Sachi – một loại cây công nghiệp mang nhiều hiệu quả kinh tế đến cho bà con  quê nhà.

MỚI - NÓNG